Hàng chục cầu vượt sông sẽ được xây dựng theo quy hoạch ở Hà Nội
Thủ đô Hà Nội là nơi được bao bọc bởi hệ thống sông gồm sông Hồng, sông Tích, sông Đáy, sông Đuống, sông Tô Lịch… Trong đó, một số sông lớn phải kể đến là sông Hồng, sông Đuống và sông Đà.
Về sông Hồng, đây là con sông chính của Thủ đô, đoạn qua địa phận Hà Nội có chiều dài khoảng 120 km, bắt nguồn từ xã Phong Vân (huyện Ba Vì) đến hết xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên). Sông Hồng là ranh giới giữa các quận trung tâm ở bờ Tây (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng,…) với các quận, huyện ngoại thành ở bờ Đông (Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm).
Kế đến là sông Đuống, phân lưu của sông Hồng, tách ra từ xã Ngọc Thụy (Gia Lâm), đoạn chảy qua Hà Nội dài 17,5 km. Từ năm 2008, Hà Tây nhập về Hà Nội, Thủ đô lại có thêm khoảng 32 km dòng sông Đà chảy qua, là ranh giới ở cực tây Hà Nội...
10 năm – 6 cây cầu mới
Trước năm 2010, việc di chuyển từ trung tâm Hà Nội qua sông Hồng phụ thuộc nhiều vào những cây cầu luống tuổi như Long Biên, Chương Dương, Thanh Trì hay Thăng Long. Các cầu này cách nhau 6 – 10 km, do đó có ít phương án lưu thông giữa hai bên bờ.
Sau khi quy hoạch chung Hà Nội được phê duyệt vào năm 2011, từ đó đến nay, Thủ đô đã đón thêm nhiều cây cầu mới.
Tháng 6/2014, cầu Vĩnh Thịnh ra đời, trở thành một dấu gạch nối giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc. Cầu có chiều dài gần 5,5 km với tổng mức đầu tư khoảng 137 triệu USD.
Nửa năm sau, vào tháng 1/2015, cầu Nhật Tân - cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ được khánh thành với chiều dài hơn 3,7 km, nối quận Tây Hồ và huyện Đông Anh.
Với tổng mức đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng, cầu Nhật Tân góp phần hoàn thiện đường trục Cảng hàng không quốc tế Nội Bài theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời là một trong những công trình hạ tầng điểm nhấn của Hà Nội suốt thập kỷ qua.
Đến năm 2018, Hà Nội tiếp tục có thêm cầu Văn Lang (Việt Trì – Ba Vì) dài 1,56 km, tổng vốn đầu tư 1.462 tỷ đồng, nối Hà Nội với Phú Thọ. Đây cũng là cây cầu BOT duy nhất qua sông Hồng tính đến thời điểm này.
Đầu tháng 1 năm nay, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (song song với cầu Vĩnh Tuy 1) đã được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và UBND TP Hà Nội khởi công, tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2023.
Cầu Vĩnh Tuy 2 có tổng chiều dài và đường dẫn hơn 3,4 km, mặt cắt ngang 19,25 m (4 làn xe); điểm đầu giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai, điểm cuối giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh.
Cũng trong giai đoạn sau khi duyệt quy hoạch chung năm 2011 đến nay, Hà Nội đã xây dựng thêm 2 cầu khác vượt sông Đuống và sông Đà.
Cụ thể, trong năm 2014, cầu Đông Trù qua sông Đuống tại huyện Đông Anh được thông xe, đây là cây cầu rộng nhất cả nước ở thời điểm đó (dài hơn 1.100 m, rộng 55 m với 8 làn xe). Dự án có tổng vốn gần 900 tỷ đồng kết nối Khu đô thị Bắc Thăng Long với Quốc lộ 5, tạo nên tuyến đường vành đai 2 của Hà Nội.
Một năm sau đó, cầu Đồng Quang (746 m, 511 tỷ đồng) bắc qua sông Đà, nối xã Minh Quang (Ba Vì, Hà Nội) với huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) được ra đời.
Sẽ có thêm hàng chục cầu qua sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy
Nói về quy hoạch cầu ở Hà Nội, trao đổi với người viết, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Ban thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho hay, theo Quy hoạch giao thông Hà Nội năm 2005 (lúc chưa mở rộng), Hà Nội mục tiêu có 8 cầu qua sông Hồng.
"Trong 10 năm, chúng ta có thêm 4 cầu mới vượt sông Hồng, tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Trong đó, có 3 cây cầu sử dụng vốn vay nước ngoài với vốn 1,6 tỷ USD. Chỉ có cầu Vĩnh Tuy là sử dụng nguồn ngân sách, song mất đến 17 năm mới thu xếp xong 2 giai đoạn hơn 400 triệu USD.
Đến năm 2016, Hà Nội tiếp tục duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô, số cầu vượt sông Hồng được nâng lên thành 18 cầu", KTS Trần Huy Ánh cho biết.
Cụ thể, bên cạnh những cầu nêu trên, 9 cầu mới qua sông Hồng sẽ được xây dựng thêm gồm cầu Hồng Hà; Mễ Sở (Vành đai 4); Thăng Long mới (Vành đai 3); Tứ Liên; Thượng Cát; Ngọc Hồi (Vành đai 3,5); Trần Hưng Đạo; Phú Xuyên; Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc).
Cũng theo quy hoạch giao thông 2016, bên cạnh sông Hồng thì sông Đuống sẽ có thêm 4 cầu mới gồm cầu Đuống mới; cầu Giang Biên (đường kéo dài từ Long Biên sang Ninh Hiệp); cầu Mai Lâm (đường kéo dài từ Long Biên sang Cổ Loa) và cầu Ngọc Thụy (trên tuyến đường dọc đê tả sông Hồng).
Cùng với đó, Hà Nội sẽ xây dựng hàng chục cầu qua sông Đáy gồm cầu Thanh Đa (trục Tây Thăng Long); cầu Phùng (quốc lộ 32); cầu sông Đáy (Đại lộ Thăng Long); cầu Mai Lĩnh (quốc lộ 6); cầu Đồng Hoàng (trục Hà Đông – Xuân Mai); cầu Hoàng Thanh (trục Thanh Oai); cầu Mỹ Hòa (nối Mỹ Đức - Ứng Hòa); cầu Hòa Viên (nối Ứng Hòa – Chương Mỹ); cầu sông Đáy (đường Đỗ Xá – Quan Sơn); cầu trên cao tốc Tây Bắc – Quốc lộ 5…
Tiến độ các cầu mới qua sông Hồng
Như đã đề cập, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã được khởi công vào tháng 1/2021. Đến thời điểm này, việc thi công đang triển khai trên toàn bộ công trường thuộc phạm vi 5 gói thầu của dự án và dự kiến hoàn thành năm 2023.
Dự án có điểm đầu tại ngã 5 Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông, thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm; điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh thuộc địa bàn phường Gia Thụy, quận Long Biên. Chiều dài cầu khoảng 5,5 km, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 8.900 tỷ đồng.
Với cầu Mễ Sở, cuối tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ duyệt đề xuất của UBND TP Hà Nội về việc xây dựng cầu Mễ Sở vượt sông Hồng. Dự án có chiều dài khoảng 13,8 km, tổng mức đầu tư khoảng 4.881 tỷ đồng.
Trong đợt trả lời cử tri hồi đầu năm, Bộ GTVT cho biết, cầu Mễ Sở thuộc Vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội. Toàn tuyến Vành đai 4 đã được Chính phủ đã giao Bộ nghiên cứu tiền khả thi để báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Trong tháng 9 vừa qua, liên danh CTCP Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông Phương Thành - CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng Nguyên Minh đã đề xuất làm vành đai 4 đoạn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, bao gồm cả cầu Mễ Sở, tổng kinh phí 9.800 tỷ đồng.
Kế đến là cầu Hồng Hà có chiều dài 6 km, lộ trình triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020 nhưng đến nay dự án vẫn chưa được triển khai. Cầu có vị phía bắc nằm tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh; phía nam tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Tương tự, cầu Thượng Cát cũng chưa có kế hoạch triển khai.
Cầu Phú Xuyên (5 km) và cầu Tứ Liên (3 km, 17.000 tỷ đồng) dự kiến triển khai giai đoạn 2020 – 2025. Cầu Vân Phúc (4 km) dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2025 – 2030, nối trục Bắc - Nam (tại huyện Phúc Thọ) với tỉnh Vĩnh Phúc.
Mới đây, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết sẽ phối hợp TP Hà Nội xây dựng cầu Vân Phúc với chiều dài cầu khoảng 3 km, rộng 20,5 m. Cầu Ngọc Hồi (4 km) cũng được triển khai trong giai đoạn 2025 - 2030. Cuối cùng là cầu Thăng Long mới dài 2 km, dự kiến xây dựng sau năm 2030.
Đối với cầu Trần Hưng Đạo, vừa qua, UBND TP Hà Nội có quyết định chấp thuận giao CTCP Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định.
Theo dự kiến, cầu Trần Hưng Đạo sẽ nằm ở giữa cầu Chương Dương và Vĩnh Tuy, hai cây cầu cách nhau khoảng 4 km.