Hãng hàng không 5 sao lớn nhất Trung Đông Emirates lần đầu tiên báo lỗ sau 30 năm

09:56 | 13/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh giao thông hàng không toàn cầu bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, hãng vận tải lớn nhất Trung Đông Emirates cho biết đã bị lỗ lớn, phải dùng tới tiền mặt dự trữ và vay tiền ngân hàng để duy trì.
Hãng hàng không Emirates có trụ sở tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hôm 12/11 đã thông báo khoản lỗ đầu tiên trong hơn 3 thập kỷ, cho biết hãng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc phong tỏa do đại dịch COVID-19 khiến vận tải hàng không rơi vào “bế tắc" theo đúng nghĩa đen.
 
Cụ thể, tờ Financial Times đưa tin, lần đầu tiên trong 3 thập kỷ, hãng hàng không 5 sao Emirates của Dubai báo lỗ 6 tháng đầu năm tài chính, khi doanh thu sụt tới gần 75% do đại dịch COVID-19. Trong 6 tháng tính tới tháng 9/2020, hãng này lỗ 3,4 tỷ USD, con số kỷ lục so với mức lãi 235 triệu USD cùng kỳ năm trước.
 
Hãng hàng không 5 sao lớn nhất Trung Đông Emirates lần đầu tiên báo lỗ sau 30 năm - ảnh 1
Hãng hàng không Emirates báo lỗ 3,4 tỷ USD trong 6 tháng. Ảnh: Bloomberg

Trong tuyên bố ngày 12/11, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Emirates, Ahmed bin Saeed Al Maktoum cho biết các biện pháp phong tỏa nhằm khống chế sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã đẩy giao thông hàng không rơi vào cảnh khó khăn cùng cực, chưa từng xảy ra trong lịch sử hàng không.

Theo SCMP, lần cuối cùng hãng bay này báo lỗ là vào năm tài khóa 1987-1988, khi hãng vừa bắt đầu hoạt động.

Emirates đã nối lại các chuyến bay vào hồi tháng 5 sau khi tạm ngừng gần 2 tháng. Do tác động của đại dịch, doanh thu của Emirates trong giai đoạn trên đã giảm 75%, xuống còn hơn 3,2 tỷ USD.

Lượng hành khách của hãng cũng giảm mạnh, tới 95% so với cùng kỳ năm 2019, xuống còn chỉ 1,5 triệu lượt khách.

Hãng cho biết lợi nhuận cuối cùng của họ có được là một số hỗ trợ với “hoạt động kinh doanh hàng hóa” khi họ tái cấu trúc đội tàu của mình để đáp ứng nhu cầu cung cấp trên toàn cầu, bao gồm cả vận chuyển thiết bị y tế.

Sheikh Ahmed nói: “Khi lượng hành khách không còn, Emirates và (chi nhánh dịch vụ hàng không) dnata đã có thể nhanh chóng xoay trục để phục vụ nhu cầu hàng hóa và tìm kiếm các cơ hội khác”.

“Điều này đã giúp chúng tôi phục hồi doanh thu từ 0 đến 26% so với vị trí của chúng tôi cùng thời điểm năm ngoái. Trước khi đại dịch xảy ra, Emirates đã phục vụ mạng lưới toàn cầu trải dài trên 158 điểm đến ở 84 quốc gia. Hiện tại chỉ có 99 điểm đến."

"Chúng tôi đã bắt đầu năm tài chính hiện tại giữa lúc các nước trên toàn cầu đồng loạt đóng cửa biên giới, đẩy ngành hàng không rơi vào cảnh tê liệt", ông Sheikh Ahmed cho biết trong một thông cáo ngày 12/11.
 
Hãng hàng không 5 sao lớn nhất Trung Đông Emirates lần đầu tiên báo lỗ sau 30 năm - ảnh 2
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Emirates Ahmed bin Saeed Al Maktoum. Ảnh: AP

Doanh thu của Emirates Group, công ty mẹ của Emirates, đã giảm 74% xuống còn 3,7 tỷ USD trong nửa đầu năm tài chính 2020-2021, với mức lỗ lên tới 3,8 tỷ USD. Để ứng phó với tình hình bế tắc, Emirates Group đã phải sa thải hàng loạt nhân viên. Tính tới ngày 30/9, nhân sự của công ty này đã giảm 24% xuống còn 81.000 người.

Tập đoàn này đã phải dùng tới tiền mặt dự trữ, huy động thêm vốn từ cổ đông và vay tiền ngân hàng để duy trì. Emirates cũng nhận được khoản cứu trợ 2 tỷ USD từ chính phủ. Trong 6 tháng đầu năm tài chính 2020-2021, tiền mặt của tập đoàn đã giảm 1,4 tỷ USD xuống còn 5,6 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhờ chuyển hướng tập trung vào hoạt động vận tải hàng hóa, Emirates đã phục hồi được khoảng 30% doanh thu của cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng, Emirates có 1,5 triệu hành khách, giảm 95% so với cùng kỳ năm trước. Lượng hàng hóa vận chuyển cũng giảm 35% dù hiệu suất tăng tới 106% do nhu cầu lớn.

Emirates đã tạm dừng các chuyến bay chở khách vào ngày 25/3 và dần khôi phục lại đường bay tới 9 điểm đến vào ngày 21/5. Tính đến ngày 30/9, hãng này đã khôi phục đường bay tới 104 thành phố.

Du lịch từ lâu đã trở thành trụ cột kinh tế của Dubai, nơi đã đón hơn 16 triệu lượt khách vào năm ngoái. Trước đại dịch, mục tiêu là đạt 20 triệu người trong năm nay. Dubai hiện đã mở cửa trở lại để kinh doanh và du lịch.

Hàng không Vận tải Hàng không Quốc tế cho biết vào hồi tháng 4 rằng lưu lượng hàng không ở Trung Đông và Bắc Phi sẽ giảm mạnh hơn 50% do cuộc khủng hoảng sức khỏe.Các hãng hàng không trong khu vực khác đều bị ảnh hưởng, cả Emirates và Qatar Airways đều cho biết họ từng nhận được 2 tỷ USD viện trợ của nhà nước.

Cả Emirates và hãng vận tải có trụ sở tại Abu Dhabi, Etihad đều cho biết nhu cầu của hành khách có thể không trở lại mức trước khi COVID-19 cho đến năm 2023.

Chủ tịch Emirates cho biết, hãng hy vọng nhu cầu đi lại sẽ phục hồi mạnh mẽ khi có vắc-xin COVID-19 vì không ai có thể dự đoán được tương lai.
 
Hành trình 35 năm của Emirates Airline. Nguồn: Emirates
 
Hải Yến