'HBC không còn nằm trong nhóm nợ xấu'

Đông Bắc 11:02 | 26/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ông Lê Viết Hải Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình mới đây đã cho biết, HBC đã trả nợ đúng hạn cho ngân hàng, không nằm trong nhóm nợ xấu.

  

Ngày 25/4, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên 2024 theo hình thức trực tuyến.

Tại đại hội, Chủ tịch HĐQT HBC - ông Lê Viết Hải chia sẻ, tính đến thời điểm tổ chức Đại hội, đã có 119 nhà cung cấp, nhà thầu phụ đồng ý hoán đổi công nợ bằng cổ phiếu, tương đương 821 tỷ đồng nhưng theo quy định chỉ cho phép phát hành riêng lẻ 100 nhà đầu tư, còn phương án thông qua chỉ cho 99 nhà cung cấp, nhà thầu phụ.

Năm 2023, HBC đã trả nợ đúng hạn cho ngân hàng, không nằm trong nhóm nợ xấu, hạn mức tín dụng tại 3 ngân hàng lớn hiện nay là 7.592 tỷ đồng.

HBC xác định với chiến lược khôi phục vị thế và kinh nghiệm đã tích lũy, chắc chắn Tập đoàn sẽ lấy lại vị trí số 1 của mình tại thị trường trong nước, duy trì doanh thu tăng đều đặn mỗi 5 năm gấp 5 lần. Dự kiến đến năm 2032, doanh thu sẽ xấp xỉ 20 tỷ USD, lợi nhuận xấp xỉ 1 tỷ USD.

 ĐHCĐ thường niên 2024 của HBC. Ảnh HBC.

Để đạt được tốc độ tăng trưởng trên, HBC sẽ vươn ra thị trường nước ngoài, có quy mô gấp 450 lần thị trường xây dựng trong nước. VIệc chinh phục thị trường nước ngoài của HBC như câu chuyện cây tre được trồng xuống đất. Trong 4 năm đầu tiên dành toàn bộ sức lực cho việc cắm rễ hàng trăm mét, chỉ mọc lên trên mặt đất vài centimet. Khi gốc rễ đã đủ chắc thì từ năm thứ 5 nó mới bứt phá với tốc độ kinh ngạc 30 centimet mỗi ngày và chỉ mất 6 tuần để đạt tới 15 mét.

Quý I/2024, HBC liên tiếp nhận tin trúng thầu tại các dự án ở nước ngoài, tổng giá trị hợp đồng đạt được là 52,8 triệu USD, tương đương 1.343,5 tỷ đồng. Con số không lớn nhưng là một khởi đầu rất quan trọng.

Tổng Giám đốc Lê Văn Nam cho biết thêm về kết quả kinh doanh quý I của HBC: Về cơ bản, những khó khăn nhất của HBC đã được ghi nhận trong năm 2023, Công ty đã từng có thời gian phải nợ lương CBCNV. Tuy nhiên, Công ty đã tiến hành các giải pháp để thu hồi công nợ, cả bằng tiền lẫn dự án bất động sản, qua đó cân đối được dòng tiền trong giai đoạn khó khăn nhất là cuối năm 2023.

Trong quý I/2024, Công ty không còn tình trạng nợ lương, đang quyết liệt thu hồi công nợ, đặc biệt là thu bằng tài sản. Công ty cơ bản đã cân đối được dòng tiền, không được 100% nhưng cũng được 90-95%.

Về khả năng hoạt động liên tục, Công ty vẫn hoạt động bình thường, dự án nào chạy bằng tài khoản dự án nấy nên khi 1 dự án chậm tiến độ thì dòng tiền thì chỉ chậm dự án đấy.

HBC đang dần dần lấy lại uy tín, đầu năm đến giờ uy tín của HBC đã được cải thiện đáng kể thông qua việc được mời đấu thầu tại một số dự án và trúng thầu được một số dự án. Ngoài ra, HBC đã lập nhiều giải pháp để tái cấu trúc lại tài chính, tăng vốn chủ sở hữu. Theo đó, trong năm 2024, HBC sẽ không còn bị mất thanh khoản như năm 2023.

Chia sẻ về kết quả kinh doanh quý đầu năm, ông Lê Viết Hải cho rằng quý I HBC lãi được 56 tỷ, không lớn nhưng rất quan trọng, từ đây để xác định cho kế hoạch 5 năm, 10 năm. Những cái khó khăn nhất đã qua, HBC sẽ thực hiện sứ mệnh không chỉ khôi phục vị thế của mình mà bắt đầu hành trình đưa doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài.

Về mục tiêu năm 2024, HBC trình cổ đông mục tiêu tổng doanh thu 10.800 tỷ đồng, tăng hơn 43% so với kết quả năm trước, và lãi sau thuế 433 tỷ đồng (năm trước lỗ hơn 1,1 nghìn tỷ).

Con số 10.800 tỷ đồng doanh thu cho năm 2024 đã được ban lãnh đạo HBC nhắc đến tại Đại hội ngày 17/10/2023. Theo kế hoạch, doanh thu từ các dự án thực hiện trong năm 2023 mang sang năm 2024 là 5.500 tỷ đồng; doanh thu từ công ty con 600 tỷ đồng; doanh thu thị trường xây dựng nước ngoài 1.200 tỷ đồng; cuối cùng là doanh thu ghi nhận từ dự án mới 3.500 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu 3.500 tỷ đồng, giá trị trúng thầu mới của HBC trong năm 2024 dự kiến phải đạt khoảng 10.000 tỷ đồng.

Bên cạnh thi công dự án, HBC cho biết sẽ cung cấp thêm 4 dịch vụ phát triển khách hàng gồm: Hỗ trợ thiết kế, thủ tục pháp lý; giải pháp quản lý dự án theo tiêu chuẩn BIM; hệ thống quản lý ISO/ERP/PMS; cuối cùng là máy móc thiết bị và công nghệ thi công.

 Tại đại hội, Tổng Giám đốc HBC - ông Lê Văn Nam cho biết, Công ty đã đề ra 9 phương án để nâng vốn chủ sở hữu vào năm 2026 lên gần 7,2 nghìn tỷ đồng, bao gồm: Phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ nhà thầu phụ/nhà cung cấp (dự kiến giúp vốn chủ sở hữu tăng thêm 740 tỷ đồng); bán nợ (269 tỷ đồng); bán một phần thiết bị xây dựng (400 tỷ đồng); bàn giao dự án Lake Side do HBC vừa làm chủ đầu tư vừa làm tổng thầu (lợi nhuận dự kiến 72 tỷ đồng); đẩy mạnh thu hồi công nợ để hoàn nhập dự phòng (938 tỷ đồng); triển khai dự án Asscent Nơ Trang Long (500 tỷ đồng); chuyển nhượng một số dự án bất động sản như số 1 Tôn Thất Thuyết và 233& 235 Võ Thị Sáu (tổng 333 tỷ đồng); M&A hai dự án 127 An Dương Vương và Resort Hải Lưu bằng phát hành cổ phiếu cho đối tác (tổng 1.364 tỷ đồng); cuối cùng là phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược (dự kiến 2.400 tỷ đồng).