Hoà Phát: Nợ vay vọt tăng 12.000 tỷ sau 1 quý, một phần đáng kể rót vào 'siêu' dự án Dung Quất 2
Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I vừa công bố, Hoà Phát ghi nhận dư nợ vay cả ngắn hạn và dài hạn hơn 77.000 tỷ đồng, tăng hơn 12.000 tỷ, tương đương 19% so với đầu năm và là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Hòa Phát cho biết dư nợ vay tăng mạnh so với thời điểm cuối năm do hoạt động mua sắm vật tư và giải ngân cho dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất 2. Trong quý đầu năm 2024, Hòa Phát đã rót thêm vào dự án này gần 4.250 tỷ đồng, qua đó nâng tổng vốn đầu tư lũy kế đã giải ngân đến cuối quý I/2024 lên 26.800 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 tổ chức ngày 11/4 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cho biết, dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 85.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) chất lượng cao/năm. Dự án được triển khai từ quý I/2022, đến đầu năm 2024 đã đạt trên 50% toàn bộ các hạng mục chính. Dự kiến khi hoàn thành Dung Quất 2 vào năm 2025, tổng năng lực sản xuất HRC của Hòa Phát tăng lên 8,6 triệu tấn/năm.
Đề cập đến vấn đề vốn cho dự án, Chủ tịch Long nhận định Hoà Phát điều phối vốn tương đối tốt, do đó nhà đầu tư có thể yên tâm. 2025 là thời điểm phân kỳ 1 của dự án Dung Quất đi vào hoạt động. Ông Long thông tin tới cổ đông dự kiến tháng 9/2026 toàn bộ dự án Dung Quất 2 sẽ hoàn tất.
"Nhanh thì cuối năm nay Hoà Phát có thể sản xuất HRC, chậm thì quý I/2025. Ban đầu tập đoàn sẽ mất thời gian chạy thử. Năm 2025, ước tính có thể sản xuất hơn 2 triệu tấn HRC ở Dung Quất 2 cộng với 3 triệu tấn ở Dung Quất 1.
Sau khi dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động thì tập đoàn sẽ có thêm sản lượng 5,6 triệu tấn HRC nâng tổng năng lực sản xuất HRC lên 8,6 triệu tấn. Với giá bán hiện nay (600 USD/tấn) thì tập đoàn sẽ có thêm 70.000 tỷ cộng tới doanh thu hiện tại thì tổng doanh thu tập đoàn có thể đạt khoảng 200.000 tỷ đồng", đại diện doanh nghiệp nói.
Sự tự tin của ban lãnh đạo là có cơ sở, khi tại thời điểm cuối quý I, Hoà Phát có tới hơn 34.000 tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm.
Có thể thấy, trong bối cảnh lãi suất vay giảm, doanh nghiệp thép đã tăng tiền vay, đồng thời tiếp tục tích trữ tiền mặt để tối ưu hiệu quả sử dụng vốn.
Vay nợ tăng nhưng tiền lãi trong quý I Hoà Phát phải trả giảm giảm 36% so với đầu năm, xuống còn 636 tỷ đồng. Tiền lãi thu về từ tiền gửi là 423 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chi phí lãi vay giảm mạnh đã góp phần cải thiện đáng kể kết quả kinh doanh trong quý I. Doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần gần 31.000 tỷ đồng, tăng 15% so với quý I/2023, lãi sau thuế 2.869 tỷ đồng, gấp 7,5 lần cùng kỳ, tuy nhiên vẫn thấp hơn đôi chút so với quý trước.
Ông Long cho biết, Hòa Phát đã thực hiện được 28,7% kế hoạch lợi nhuận năm. Lĩnh vực sản xuất gang thép và sản phẩm thép đóng góp khoảng 90% kết quả này.
Nhìn chung, Chủ tịch Hòa Phát nhận định tình hình kinh doanh quý I tương đối tốt: “Quý I/2024 Tập đoàn làm được tốt hai việc. Thứ nhất là tăng sản lượng bán hàng so với cùng kỳ. Thứ hai là sử dụng hết nguyên nhiên liệu tồn kho giá cao, quý này có thể thiệt một chút nhưng sẽ tốt cho các quý sau. Chưa bao giờ Tập đoàn kéo tồn kho xuống thấp như hiện nay”.
Đánh giá về triển vọng của Hòa Phát trong năm 2024, trong một phân tích hồi tháng 2, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng, tiêu thụ thép Hoà Phát trong năm 2024 có thể phục hồi nhờ đầu tư công. Theo đó, trong năm nay, dự kiến vốn đầu tư khu vực nhà nước đạt 657.000 tỷ đồng với mục tiêu giải ngân 95%.
“Đây là cơ hội lớn để thép Hoà Phát, tập đoàn từng tham gia nhiều dự án nhà nước như các dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, cao tốc Nội Bài – Lào Cai, … qua đó, gia tăng tiêu thụ thép và giúp tập đoàn tăng công suất hồi phục về mức 88-92%”, TPS đánh giá.
Tương tự, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo Hoà Phát sẽ tăng trưởng 22,5% về doanh thu, lên 143.709 tỷ đồng và tăng trưởng 91% về lợi nhuận sau thuế, lên 10.897 tỷ đồng trong năm nay.