HDBank thay đổi lớn về nhân sự cấp cao
Theo đó, bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank nhiệm kỳ 2017-2022 sẽ không tiếp tục tham gia vào Hội đồng quản trị ngân hàng trong nhiệm kỳ mới. Như vậy, bà Tâm sẽ chính thức rời vị trí chủ tịch ngân hàng sau 12 năm gắn bó và có đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng ấn tượng của HDBank.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị HDBank cho biết dù không còn góp mặt trong Hội đồng quản trị, song bà Lê Thị Băng Tâm sẽ tiếp tục chủ trì ban cố vấn đồng hành cùng chiến lược phát triển của HDBank trong chặng đường sắp tới.
Hội đồng quản trị HDBank nhiệm kỳ 2022-2027 bao gồm 7 thành viên: Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (hiện là Phó Chủ tịch thường trực), ông Nguyễn Hữu Đặng, ông Lưu Đức Khánh, ông Nguyễn Thành Đô, bà Nguyễn Thị Tâm, ông Kim Byoungho và ông Lê Mạnh Dũng.
Trong đó, ông Kim Byoungho là Cố vấn cấp cao IFC, Thành viên Hội đồng quản trị độc lập của SK Inc (Hàn Quốc) và ông Lê Mạnh Dũng là Trưởng đại diện DEG Deutsche Investitions- und Entwicklungsgesellschaft mbH tại Việt Nam.
Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022-2027 gồm 4 thành viên là ông Đào Duy Tường, bà Đường Thị Thu, bà Bùi Thị Kiều Oanh và ông Nguyễn Lê Hiếu.
Đại hội cũng đã thông qua nhiều chỉ tiêu kinh doanh quan trọng cho năm 2022. Cụ thể, HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 9.770 tỷ đồng, tăng 21% so với mức thực hiện năm 2021.
Mức lợi nhuận này được đưa ra dựa trên kỳ vọng dư nợ tín dụng của ngân hàng sẽ tăng 20% trong năm nay, đạt 256.060 tỷ đồng vào cuối năm. Tuy nhiên, dư nợ tín dụng thực hiện tối đa không vượt quá chỉ tiêu tăng trưởng do Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Tỷ lệ nợ xấu không vượt qua mức 2%.
Tổng tài sản trong năm 2022 dự kiến tăng 18% lên 440.439 tỷ đồng, tổng huy động tăng trưởng 17%, tương ứng đạt 392.683 tỷ đồng. Các tỷ lệ sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2022 mục tiêu đạt lần lượt 1,92% và 22,2%.
Ngoài ra, HDBank dự kiến sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận 25 cổ phiếu mới), tương đương với việc phát hành thêm hơn 503 triệu cổ phiếu HDB mới.
Theo đó, lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ và lợi nhuận của các cổ đông thiểu số của HDBank còn lại của năm 2021 là hơn 5.054 tỷ đồng. Cùng với khoản lợi nhuận chưa chia các năm trước, tổng quỹ lợi nhuận có thể sử dụng để chia cổ tức của HDBank năm nay là gần 5.350 tỷ đồng.
HDBank cũng sẽ phát hành khoảng 20 triệu cổ phiếu mới cho người lao động (ESOP), để tăng vốn thêm 200 tỷ đồng.
Sau hoàn tất kế hoạch phát hành trên, vốn điều lệ của HDBank dự kiến tăng thêm hơn 5.230 tỷ đồng, lên thành 25.503 tỷ đồng, tương đương hơn 1,1 tỷ USD, chính thức gia nhập nhóm ngân hàng có vốn điều lệ tỷ USD.
Cập nhật kết quả kinh doanh quý I/2022, Tổng Giám đốc HDBank Phạm Quốc Thanh cho biết tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 9,7% trong tổng số room tín dụng Ngân hàng Nhà nước cấp; tổng huy động vốn tăng trưởng cao hơn mức trung bình toàn ngành là 8,1% so với cuối năm 2021.
Chất lượng tài sản cải thiện, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng hợp nhất chỉ ở mức 1,17%, nợ xấu riêng lẻ theo định lượng là chưa đến 0,8%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt gần 14,2%; ROE đạt trên 25%. Thu nhập từ mảng thu dịch vụ, thu ngoài lãi tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ. Kết quả này có sự đóng góp chủ yếu từ mảng bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng), thuộc top 5 thị trường và đang phấn đấu chiếm lĩnh vị trí cao hơn.
Nói thêm về bancassurance, ông Phạm Quốc Thanh cho biết HDBank hiện là ngân hàng duy nhất trong top đầu chưa ký hợp đồng độc quyền nào với đối tác bảo hiểm. HDBank còn nhiều room, cơ hội để tăng trưởng Banca, mà chưa cần hỗ trợ độc quyền của đối tác bảo hiểm, điều đó tạo giá trị cao hơn cho ngân hàng.