Hé lộ 2 thành viên độc lập HĐQT PGBank sắp được bầu bổ sung

Đông Bắc 09:47 | 15/08/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank - mã: PGB) vừa công bố thông tin hai ứng viên sẽ được bầu bổ sung vào Ban HĐQT là thành viên độc lập nhiệm kỳ 2020-2025.

  

Hai thành viên độc lập HĐQT PGBank lộ diện

Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank - Mã: PGB) dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2024 vào sáng ngày 26/8 tại Khách sạn The Five Residences Hà Nội, số 345 Đội Cấn, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội. Tại ĐH, PGBank sẽ tiến hành bầu bổ sung hai thành viên HĐQT, thay thế các thành viên đã từ nhiệm trước đó.

Trước thềm đại hội, PGBank đã thông báo về việc bổ sung thêm 2 thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2020-2025 là ông Đào Quốc Tính và bà Cao Thị Thúy Nga. Họ đều là những người có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

 PGBank bầu bổ sung hai thành viên HĐQT độc lập. Ảnh PGB.

Bà Cao Thị Thúy Nga sinh năm 1958, là thạc sĩ tài chính, Học viện tài chính. Bà có hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, khi từng có 12 năm làm phó phòng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (1980-1992). Giai đoạn 2005-2013, bà là Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) trước khi trở thành Trưởng Ban kiểm soát, Phó Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán MB (MBS) từ 2011-2017.

Năm 2017, bà Cao Thị Thúy Nga nghỉ hưu theo chế độ. Đến tháng 4/2020, bà Nga trở thành Thành viên HĐQT CTCP Tư vấn đầu tư và kết nối kinh doanh Việt.

Trong khi đó, ông Đào Quốc Tính sinh năm 1962, là tiến sỹ kinh tế, Học viện Ngân hàng. Ông từng có 2 thập kỷ, từ 1994-2015, đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ Phó Trưởng phòng Thanh toán Vụ nghiên cứu kinh tế, Giám đốc Trung tâm phòng chống rửa tiền đến Phó chánh thanh tra giám sát Ngân hàng. Từ tháng 5/1015-6/2023, ông trở thành Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Trước đó, ở ĐHĐCĐ thường niên tổ chức vào tháng 4, cổ đông PGB đã thông qua đơn từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Thành Lâm và bà Đinh Thị Huyền Thanh. Cả ông Nguyễn Thành Lâm và bà Đinh Thị Huyền Thanh đều mới được bầu vào HĐQT PGBank tại ĐHĐCĐ bất thường hồi tháng 10/2023.

Đáng chú ý, bà Đinh Thị Huyền Thanh còn từ nhiệm cả vị trí Tổng giám đốc. Ghế tổng giám đốc của PGBank cũng đang được để trống từ đó đến nay. Người đứng đầu Ban điều hành của PGBank hiện là ông Trần Văn Luân, Phó Tổng giám đốc điều hành.

 

 

Kết quả kinh doanh PGBank ra sao?

Báo cáo tài chính quý II/2024 của PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 151,5 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế quý đạt 121,2 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ và tăng 30,5% so với quý liền trước.

Đây là quý tăng trưởng lợi nhuận đầu tiên của PGBank từ sau khiTập đoàn Petrolimex tiến hành thoái vốn tại ngân hàng và nhóm cổ đông có liên quan tới Tập đoàn Thành Công (TC Group) xuất hiện vào tháng 4/2023 (loại trừ quý II/2023).

Lũy kế 6 tháng đầu năm, PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 267,5 tỷ đồng, giảm 6,9% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế là 213,9 tỷ đồng, giảm 7%.

Tính đến cuối quý II/2024, tổng tài sản của PGBank ở mức 59.715 tỷ đồng, tăng 7,6% so với đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 36.703 tỷ đồng, tăng 3,9%. Tăng trưởng cho vay của PGBank chủ yếu đến từ nhóm khách hàng doanh nghiệp (công ty TNHH khác và CTCP khác), trong khi dư nợ cho vay hộ kinh doanh các nhân của ngân hàng chỉ nhích nhẹ 2%.

Ba lĩnh vực chiếm tỷ trọng dư nợ lớn nhất của PGBank là hoạt động dịch vụ khác (15.721 tỷ đồng), tài chính, ngân hàng bảo hiểm (4.814 tỷ đồng) và xây dựng (4.337 tỷ đồng).

Số dư nợ xấu tính đến cuối tháng 6 của PGBank là 958 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Kết quả này cũng đã cải thiện so với cuối tháng 3. Nhờ cho vay tăng trưởng và số dư nợ xấu giảm, tỷ lệ nợ xấu đã tụt xuống còn 2,61%, so với 2,85% vào đầu năm hay 2,91% vào cuối quý I.