Cổ đông lớn nhất của nhiều ngân hàng lộ diện

Đông Bắc 10:30 | 13/08/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, các ngân hàng phải công bố danh sách cổ đông nắm giữ từ 1% cổ phần vốn điều lệ trở lên. Theo đó, cổ đông lớn của nhiều nhà băng đã lộ diện.

 

Nhiều cổ đông lớn được hé lộ

Ngân hàng TMCP Á Châu (mã: ACB) vừa công bố thông tin cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ ngân hàng nhằm thực hiện quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Theo đó, ACB cho biết ngân hàng đang có 2 cổ đông cá nhân và 3 cổ đông tổ chức sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên.  Theo danh sách cập nhật ngày 30/7, cá nhân nắm giữ vốn nhiều nhất tại ACB là ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT, sở hữu hơn 153 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 3,427%. Người có liên quan đến ông Huy sở hữu 367 triệu cổ phiếu, tương đương 8,218%. Cá nhân thứ hai là bà Đặng Thu Thủy, thành viên HĐQT ACB là mẹ ông Huy, đang nắm 53,3 triệu cổ phiếu ACB, tỷ lệ 1,194%. Tỷ lệ sở hữu của người có liên quan đến bà Thủy là 10,457%.

  Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT sở hữu nhiều vốn nhất ngân hàng ACB. Ảnh BTC.

Ngoài ra, ba tổ chức nước ngoài là Smallcap World Fund, Inc., Boardwalk South Limited và VOF PE Holding 5 Limited nắm giữ lần lượt hơn 112 triệu cổ phiếu, 82,3 triệu cổ phiếu và 76,6 triệu cổ phiếu ACB, với tổng tỷ lệ sở hữu hơn 6% vốn điều lệ tại ACB.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã: EIB) cũng vừa cập nhật danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, theo danh sách cập nhật mới nhất, trong đó không còn nhóm doanh nghiệp liên quan đến Bamboo Capital.

Trong khi đó, Công ty CP Tập đoàn Gelex mua thêm 89 triệu cổ phiếu Eximbank và chính thức trở thành cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này. Sau khi hoàn tất giao dịch, sở hữu của Gelex tăng từ 85,5 triệu cổ phiếu, chiếm 4,9% lên 174,6 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn điều lệ của Eximbank. Đây cũng là tỉ lệ tối đa mà một cổ đông tổ chức được sở hữu tại một ngân hàng thương mại cổ phần theo quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng 2024. Như vậy, Gelex hiện là cổ đông lớn nhất tại Eximbank.

Cùng với Gelex, CTCP Chứng khoán VIX sở hữu 62,3 triệu cổ phiếu, tương đương 3,58% vốn; bà Lương Thị Cẩm Tú, Phó chủ tịch HĐQT Eximbank nắm 19,5 triệu cổ phiếu, tương đương 1,12% vốn cổ; bà Lê Thị Mai Loan, cựu thành viên HĐQT sở hữu 17,9 triệu cổ phiếu, tương đương 1,03% vốn.

 Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB - mã: MSB) cũng đã công bố danh sách 8 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Những cổ đông này sở hữu tổng cộng 32,17% vốn điều lệ của Ngân hàng. Trong đó, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông đang là cổ đông lớn nhất, sở hữu gần 121 triệu cổ phiếu MSB, tương đương 6,05% vốn...

Tại BVBank, có 9 cổ đông cá nhân sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên tính đến ngày 30/7. Trong đó, bà Nguyễn Thanh Phượng, Phó Chủ tịch BVBank là người sở hữu cổ phần nhiều nhất với 22,87 triệu cổ phiếu, tỷ lệ gần 4,56%. Tiếp theo đó, ông Ngô Quang Trung, thành viên HĐQT, kiêm Tổng giám đốc BVBank nắm giữ 15,68 triệu cổ phiếu, tỷ lệ hơn 3,12%; ông Lê Anh Tài, Chủ tịch HĐQT sở hữu 2,86%; ông Nguyễn Nhất Nam, thành viên HĐQT sở hữu gần 1% và người có liên quan nắm hơn 1%...

 Ngân hàng Kiên Long (KienlongBank) cũng đã công bố danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn điều lệ. Theo đó, 16 cá nhân và 5 doanh nghiệp sở hữu trên 1% vốn tại ngân hàng này, không tính cổ phiếu quỹ. Trong số 16 cá nhân, bà Trần Thị Thu Hằng giữ 4,72% vốn, là người duy nhất đang giữ vị trí trong Hội đồng quản trị và ban điều hành nhà băng. Ngoài bà Hằng, 15 cá nhân còn lại sở hữu trên 1% vốn Kienlongbank. Con trai "bầu Thắng" đang sở hữu 4,69%, ông Lê Võ Mạnh Cường (cổ đông lớn của Công ty cổ phần Đồng Tâm) nắm 4,65%.

Ngoài 16 cá nhân giữ 60% vốn tại KienlongBank, còn có 5 doanh nghiệp sở hữu khoảng 10% vốn nhà băng này. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Đồng Tâm nắm 1,82%, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Long An có chung người đại diện pháp luật với văn phòng đại diện của Đồng Tâm - sở hữu 2,41% vốn ngân hàng, Công ty cổ phần Vinamico Khánh Hòa nắm giữ 2,43% vốn Kienlongbank... 

Tại HDBank, CTCP Sovico, Baillie Gifford Pacific Fund và Pyn Elite Fund (Non-Ucits) là cổ đông sở hữu trên 1% vốn cổ phần. Tính đến ngày 28/6, Baillie Gifford Pacific Fund nắm giữ 64,2 triệu cổ phiếu HDB, tương ứng 2,19% vốn điều lệ; CTCP Sovico (Sovico Holdings) sở hữu 417,7 triệu cổ phiếu, tương đương 14,27% vốn và là cổ đông duy nhất nắm trên 5% cổ phần của HDBank.

Theo thông tin công bố, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT sở hữu 109 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 3,72%; ông Nguyễn Hữu Đặng, Phó chủ tịch HĐQT sở hữu 80,4 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2,75%; ông Đào Duy Tường, Trưởng ban Ban Kiểm soát sở hữu 79,8 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2,73%; ông Phạm Văn Đẩu, Giám đốc Tài chính sở hữu 126,3 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 4,31%...

Tại VPBank, ngân hàng này có 17 cổ đông sở hữu trên 1%, nắm gần 5,1 tỷ cổ phiếu, tương đương 64,2% vốn điều lệ nhà băng này. Trong đó, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT sở hữu 328,5 triệu cổ phiếu, tương đương 4,14% vốn. Ngoài ra, những người có liên quan với ông Dũng nắm giữ 2,34 tỷ cổ phiếu, chiếm 29,5% vốn điều lệ, nâng tỷ lệ sở hữu của tổng nhóm có liên quan đến ông Dũng lên 33,64% vốn.

Nhóm big4 cũng phải công bố

Tính đến nay, đã có 2 “ông lớn” trong nhóm này là Vietcombank và VietinBank công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên.

Tại Vietcombank, tính đến ngày 20/7, chỉ có một tổ chức là Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) với hơn 93,3 triệu cổ phiếu, tương đương 1,67% vốn điều lệ. Danh sách này không công bố tỷ lệ sở hữu của Nhà nước.

Còn Vietinbank, ngân hàng này công có 3 cổ đông tổ chức sở hữu từ 1% vốn điều lệ, gồm MUFG Bank, Công đoàn VietinBank, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam. Tổng cổ phần các cổ đông này nắm giữ hơn 1.178 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 21,95% vốn điều lệ của ngân hàng này.

Trong đó, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam nắm 57,6 triệu cổ phiếu CTG, tương ứng 1,07% vốn điều lệ; Công đoàn VietinBank nắm giữ hơn 61,6 triệu cổ phiếu CTG, tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ là 1,15% và MUFG Bank đang là tổ chức nắm giữ nhiều cổ phiếu CTG nhất, với hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương đương 19,73%.

 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ 1/7, ngân hàng cũng phải công khai thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ. Đồng thời, danh sách người có liên quan cũng được mở rộng nhiều so với trước. Luật mới cũng giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.