Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối bán lẻ ngân hàng OCB xin từ nhiệm
Ông Nguyễn Văn Hương xin từ nhiệm vị trí Phó TGĐ OCB
Ngày 14/8, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB - Mã: OCB) vừa thông báo nhận được đơn đề nghị chấm dứt Hợp đồng lao động của ông Nguyễn Văn Hương, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Bán lẻ, theo nguyện vọng cá nhân. Đơn xin từ nhiệm của ông Hương sẽ có hiệu lực khi Hội đồng quản trị có quyết định miễn nhiệm.
Ông Nguyễn Văn Hương, sinh năm 1980, có trình độ học vấn Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Được biết, ông Nguyễn Văn Hương được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Bán lẻ kể từ 28/12/2022 và đã có hơn 21 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Trước đó, ông Hương từng đảm nhiệm các chức vụ như Phó Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân, Giám đốc Miền Bắc kênh Chi nhánh, Giám đốc kênh Bán hàng trực tiếp, Giám đốc Vùng, Giám đốc Chi nhánh Ngô Quyền, Trưởng phòng Phát triển Khách hàng doanh nghiệp tại VPBank; Phó phòng Tín dụng Tổng hợp tại Vietcombank.
Sau khi đơn đề nghị từ nhiệm của ông Nguyễn Văn Hương được thông qua, Ban điều hành của OCB sẽ còn 9 thành viên. Trong đó, ông Phạm Hồng Hải là Tổng Giám đốc.
Ngày 9/8 vừa qua, ngân hàng OCB cũng thông báo nhận được đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Đình Tùng, Thành viên Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2020-2025 theo nguyện vọng cá nhân.
Mới đây, OCB cũng đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024, ghi nhận mức 2.113 tỷ đồng lợi nhuận. Tính tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản ngân hàng xấp xỉ đầu năm ở mức 238.884 tỷ đồng. Các quy định về tỷ lệ an toàn vốn và khả năng thanh khoản cũng được OCB kiểm soát và đảm bảo tuân thủ theo quy định. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,3%, thấp hơn mức kiểm soát 3% của NHNN.
Ông Nguyễn Văn Hương không sở hữu % vốn nào của OCB
Liên quan đến các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng mới có hiệu lực từ ngày 1/7, Ngân hàng TMCP Phương Đông (mã: OCB) cũng đã công bố danh sách 20 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Tổng cộng, những cổ đông này nắm 1,66 tỷ cổ phiếu OCB, tương ứng 80,6% vốn điều lệ của ngân hàng.
Trong danh sách này, có 13 cổ đông tổ chức, nắm tổng cộng 1,46 tỷ cổ phiếu OCB, hay 55,7% vốn của ngân hàng. Ngoài ra, OCB còn có 7 cổ đông cá nhân, sở hữu 24,8% vốn.
Cổ đông chiến lược Aozora Bank hiện đang là tổ chức nắm giữ nhiều cổ phiếu OCB, đạt 308,2 triệu cổ phiếu, hay 15% vốn điều lệ. Cổ đông này không có người liên quan sở hữu cổ phiếu.
Tổng Công ty Bến Thành sở hữu 102 triệu cổ phiếu OCB, tương đương 4,96% vốn và cũng không có người liên quan sở hữu cổ phiếu OCB. CTCP Đầu tư Bình An House nắm 97,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,74% vốn ngân hàng. Người liên quan của cổ đông này nắm giữ không đáng kể số lượng cổ phiếu OCB.
CTCP Greenwave Capital sở hữu 91,2 triệu cổ phiếu, tương đương 4,44% vốn. Cổ đông tổ chức này cũng không có người liên quan nắm cổ phiếu ngân hàng.
Ngoài ra, nhóm cổ đông không có người liên quan sở hữu cổ phần OCB còn bao gồm Văn phòng Thành Ủy (sở hữu 75 triệu cổ phiếu hay 3,65% vốn); CTCP Phát triển Hạ tầng KCN Tây Ninh (sở hữu 66,7 triệu cổ phiếu, hay 3,25% vốn); CTCP Năng lượng Tái tạo Hve (sở hữu 64,5 triệu cổ phiếu hay 3,14% vốn); Portal Global Limted (sở hữu 62,2 triệu cổ phiếu hay 3,03% vốn) và quỹ Pyn Elite Fund (Non-Ucits) (sở hữu 49,7 triệu cổ phiếu, hay 2,42% vốn).
Đồng thời, cũng có một số cái tên mới như CTCP Đầu tư HVR (nắm 79,2 triệu cổ phiếu hay 3,85% vốn); CTCP Next Green Capital (nắm 59,4 triệu cổ phiếu, hay 2,89% vốn).
Mặc dù là cổ đông lớn thứ 5 của OCB, nắm 91,1 triệu cổ phiếu, hay 4,43% vốn, nhưng Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn cùng với người liên quan sở hữu tổng cộng 19,92% vốn tại OCB hay 409 triệu cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu do ông Tuấn và người liên quan nắm đang vượt trần quy định. Trong khi đó, ông Phan Trung, Thành viên HĐQT của OCB nắm 52,5 triệu cổ phiếu OCB, tương đương 2,56% vốn. Người liên quan của ông Trung còn sở hữu khoảng 10 triệu cổ phiếu OCB.