Henry Ford: Ông “vua xe hơi” làm thay đổi bộ mặt giao thông thế giới
Từ bỏ cơ hội thăng tiến để theo đuổi đam mê
Henry Ford sinh năm 1963, ông là con trai cả trong 1 gia đình nông dân có nguồn gốc ở Aixơlen sang nhập cư ở Mỹ từ những năm đầu của thế kỷ 19.
Tuy sống trong 1 gia đình nông dân nhưng cậu bé Henry Ford lại chẳng tỏ ra mấy thích thú với công việc ruộng vườn và gia súc, thay vào đó cậu lại vô cùng đam mê với những thiết bị mấy móc. Đã không ít lần cha mẹ của Henry Ford tỏ ra vô cùng bực bội vì các vật dụng trong gia đình đều bị đứa con hiếu động của mình tháo tung để nghiên cứu.
Có 1 câu chuyện kể rằng, lần đầu tiên thấy cha có chiếc đồng hồ đeo tay, Henry như bị hút hồn vào đó. Cậu hỏi mượn cho bằng được, rồi sau đó lén đem vào phòng riêng để ngắm nghía từng chi tiết bộ phận tinh xảo của chiếc đồng hồ giây cót. Đi đâu cũng thế, thấy chỗ nào có máy móc, thiết bị gì là Henry Ford đòi vào xem bằng được.
Vào năm 1876, cậu thiếu niên 13 Henry Ford lần đầu tiên được nhìn thấy chiếc đầu máy chạy bằng động cơ hơi nước và từ đó niềm đam mê với cơ học trong con người cậu lại tiếp tục được tiếp thêm lửa.
Cùng năm đó, mẹ Henry Ford qua đời. Không còn động lực tiếp tục công việc đồng áng vất vả, Henry dành hết thời gian nghiên cứu sách vở về cơ học. Năm 16 tuổi (1879), ông được nhận vào làm thợ máy học việc tại một xưởng đóng tàu ở Detroit. Đến năm 1882, ông trở về nhà và vận hành máy kéo hơi nước cho hàng xóm và kết hôn năm 1888. Những tưởng chàng thanh niên chịu bằng lòng làm việc ở trang trại nhưng đến năm 1891, vợ Ford rất sốc khi biết chồng nhận vị trí kỹ sư trực đêm tại công ty Edison Illuminating ở Detroit với mức lương 40 USD một tháng.
Công việc của ông khi đó là giám sát điện lưới, công việc này đã đòi ông phải túc trực 24/7, vì thế Henry Ford không còn nhiều thời gian để thực hiện mơ ước sáng chế một loại xe chạy bằng xăng.
Đến năm 20 tuổi, Henry Ford lần đầu được gặp gỡ với Thomas Edison, và được nhà phát minh vĩ đại này truyền cho 1 nguồn cảm hứng vô tận. Mặc dù điện lúc đó được coi là tương lai của nhân loại, nhưng Thomas Edison đã khuyên Henry Ford hãy cứ tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.
Sau đó, ông chủ của Công ty Detroit Edison đề cử ông lên một vị trí cao, nhưng với điều kiện ông phải từ bỏ niềm đam mê cá nhân của mình để chuyên tâm vào công việc hữu ích hơn.
“Tôi buộc phải lựa chọn giữa sự nghiệp đang lên và niềm đam mê ô tô. Cuối cùng, tôi đã chọn ô tô và từ bỏ công việc - thật sự chẳng còn lựa chọn nào khác. Bởi lẽ, tôi đã sớm biết chỉ ô tô mới đem đến thành công cho mình”, Henry Ford từng viết trong cuốn hồi ký My Life and Work.
Bỏ qua một công việc ổn định với 1 tương lai thăng tiến phía trước, Henry Ford quyết định nộp đơn xin thôi việc ngày 15 tháng 8 năm 1899 và bắt đầu bước vào lĩnh vực kinh doanh ô tô từ đó.
Lúc đầu khởi nghiệp, vì không có nguồn vốn, Henry Ford đã phải kết hợp với 1 nhóm nhà đầu tư cá nhân để lập ra Detroit Automobile Company. Nhưng ông nhanh chóng nhận ra rằng những người này chỉ quan tâm đến lợi nhuận chứ không quan tâm gì đến việc sẽ sản xuất ra 1 chiếc xe hơi tốt. Vì thế ông đã quyết định rút khỏi công ty này chỉ sau 1 năm, khi ấy Detroit Automobile Company đã sản xuất ra được 20 chiếc xe ô tô đầu tiên.
4 năm sau đó, Henry Ford huy động được 100.000 đô la và lập ra công ty Ford Motor Company. Lần này ông sở hữu 25% cổ phần của công ty. Trong năm đầu tiên, công ty đã sản xuất hơn 1.700 chiếc xe Model A và chúng đạt được thành công ban đầu nhờ tính năng đáng tin cậy. Sang năm thứ hai, do áp lực từ các cộng sự, Ford đưa ra ba mẫu xe và nâng giá bán. Công ty bán được ít xe hơn.
Từ đây, Henry Ford nhận ra rằng muốn công ty lớn mạnh, thì mình phải nắm nhiều cổ phần để có quyền quyết định trong công ty. Vì thế, ông đã dùng toàn bộ tiền lương và lợi nhuận hàng tháng của mình để mua lại cổ phiếu từ các cổ đông. Từ 25% cổ phần ban đầu, Henry Ford đã tăng tỷ lệ sở hữu lên 100% và nắm toàn bộ quyền quyết định trong công ty.
Sau đó, từ năm 1908 đến 1909, công ty đã bán ra được 10.000 chiếc xe và chịu áp lực phải mở rộng dòng sản phẩm. Tuy nhiên, Henry Ford khi ấy lại đi ngược lại hoàn toàn. Ông tuyên bố rằng, công ty chỉ sẽ bán ra một mẫu xe duy nhất là Model T, với giá thành luôn giảm qua thời gian. Thêm nữa, chỉ có một màu. “Khách hàng nào cũng có thể có được chiếc xe hơi sơn màu anh ta muốn nếu như nó màu đen”, là câu nói đã trở thành nổi tiếng của ông.
Nhiều người khi ấy đã bày tỏ hoài nghi trước quyết định này của ông, họ cho rằng việc bán xe với gia thấp có thể khiến công ty phá sản, nhưng Henry Ford thì lại tự tin về chiến lược này sẽ giúp ông mở rộng thị trường.
Thực tế đã diễn ra đúng như ông kỳ vọng. Ông bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất dây chuyền lớn nhất thế giới, Highland Park, và công suất nhảy vọt từ 6.000 lên đến 35.000 chiếc/năm, trong khi số lượng nhân viên tăng chưa đến gấp đôi.
Chỉ 10 năm sau, công ty đã làm ra 4.000 chiếc xe mỗi ngày và năm sau là 5 triệu chiếc xe/năm. Vào cuối thập niên, 15 triệu chiếc xe Model T được sản xuất, đánh dấu cột mốc kỳ diệu trong việc sản xuất đại trà.
“Bất kể ai cũng có thể lái một chiếc Ford”
Sở dĩ Henry Ford có thể đạt được thành công như vậy là do cách tư duy trong chiến lược kinh doanh của ông. Nếu như ngày xưa, những chiếc xe hơi đầu tiên chỉ là món đồ chơi xa xỉ dành cho những người giàu có vì giá thành của chúng quá đắt đỏ, thì Henry Ford lại hướng công ty đi theo chiến lược: “Bất kể ai cũng có thể lái một chiếc Ford”. Vào những năm 1909-1910, chiếc xe trị giá 950 đô la. Mười năm sau, giá xe chỉ còn 355 đô la.
Henry Ford rất ghét ý tưởng làm cho chiếc xe hơi trở nên đắt đỏ. Thay vào đó, chiến lược của ông là định giá dựa trên chi phí sản xuất. Có nghĩa, nếu các nhà máy của ông có thể hoạt động ngày càng hiệu quả hơn thì người tiêu dùng sẽ được lợi.
Và cũng giống như Sam Walton với chuỗi siêu thị Wal-Mart, Ford phát hiện ra rằng ông có thể kiếm được nhiều lãi hơn nhờ bán được nhiều sản phẩm với giá thấp hơn, thay vì bán số lượng ít với giá cao.
"Nếu bạn bán được sản phẩm chất lượng cao với giá rẻ, đây sẽ là lợi thế cạnh tranh khó vượt qua của doanh nghiệp, do đó “bạn sẽ tìm thấy nhu cầu cao hơn đến mức có thể gọi là toàn cầu”, Henry Ford viết trong cuốn hồi ký của mình. Chiến lược này nghe có vẻ “quen thuộc” với thời đại hiện giờ, nhưng đó là một trong những bí quyết kinh điển đã mang lại thành công đáng kinh ngạc trong kinh doanh của Henry Ford.
Henry Ford cũng nổi tiếng là người rất coi trọng nhân viên. Ông trả lương công nhân 5 USD/ngày, cao gần gấp đôi so với các công ty khác. Cha đẻ của hãng xe Ford cũng giảm giờ làm từ 9 tiếng xuống 8 tiếng và chia thành 3 ca làm việc trong ngày. Henry Ford quan niệm: “Có một nguyên tắc cho các nhà cách mạng công nghiệp, đó là: Sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt nhất có thể, với chi phí thấp nhất có thể và trả lương cho nhân viên cao nhất có thể”.
Ở tuổi 64, đáng nhẽ ra Henry Ford đã có thể nghỉ ngơi sau nhiều thập kỷ cống hiếu không biết mệt mỏi. Thế nhưng, sự cạnh tranh khốc liệt đến từ đối thủ Chevrolet với hàng loạt mẫu xe mới mỗi năm khiến hãng xe Ford lao đao vì doanh thu giảm. Lúc này, người sáng lập già buộc phải trở về điểm xuất phát: chế tạo một chiếc xe hơi mới. Lần lượt mẫu xe Model A và V8 với nhiều cải tiến mới được ra đời, đem lại thành công cho Ford và vực dậy công ty hai lần liên tiếp.
Tuy nhiên, vận xui vẫn không ngừng đeo bám Henry Ford cho đến tận những năm cuối đời. Ở tuổi 80, ông chứng kiến người con trai Edsel ra đi vì căn bệnh ung thư quái ác. Henry Ford - lúc này đã già yếu và đầy bệnh tật - đành phải thay con lên làm chủ tịch của công ty Ford. Sau này, ông nghỉ hưu và trao quyền điều hành công ty cho cháu trai Henry Ford III vào năm 1945.
Hai năm sau đó, Henry Ford qua đời do xuất huyết não, hưởng thọ 83 tuổi. Sự ra đi của ông đã để lại nhiều tiếc thương trong lòng người dân nước Mỹ. Cứ mỗi giờ, có hơn 5.000 người tới đám tang để tiễn biệt ông - người đã giúp thế giới chuyển từ ngựa sang ô tô - lần cuối.
“Khi bạn cảm thấy mọi thứ như đang chống lại mình, hãy nhớ rằng máy bay cất cánh ngược chiều gió, không phải xuôi chiều gió.” - Henry Ford.