Hiện tượng gom hàng giá rẻ trong siêu thị đưa ra ngoài bán cao ở TP.HCM có thể bị xử lý hình sự?
Có hiện tượng gom hàng giá rẻ đem ra ngoài bán giá cao
Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, từ 0 giờ ngày 9/7, TP.HCM đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố để phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó, hiện 3 chợ đầu mối lớn ở TP.HCM là Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền đang phải tạm ngưng hoạt động.
Việc phải giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 cộng với việc 3 chợ đầu mối lớn phải tạm dừng hoạt động đã tác động đến khả năng cung cấp nông sản thực phẩm thiết yếu hàng ngày cho hơn 8 triệu dân ở TP.HCM.
Trước tình hình trên, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ đã khẳng định, TP.HCM không lo thiếu thực phẩm. Người dân không nên vì tâm lý tích trữ mà tập trung đi siêu thị quá đông, ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch.
Theo người đứng đầu ngành Công thương TP.HCM các doanh nghiệp bình ổn và một số đơn vị của thành phố đã dự trữ lượng hàng cung ứng gấp 3 lần so với điều kiện bình thường, ở mức hơn 120.000 tấn hàng, trong khi nhu cầu thực tế hàng ngày chỉ khoảng 5.000 - 6.000 tấn/ngày. Do vậy người dân không nên quá lo lắng, việc thiếu hàng ở các kệ, sạp trong các siêu thị chỉ là các loại hàng bán theo thời điểm trong ngày.
Bắt đầu xuất hiện tình trạng gom hàng giá rẻ trong siêu thị để đem ra ngoài bán giá cao nhằm trục lợi ở TP.HCM
Mới đây, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) vừa cho biết, đã xuất một số cá nhân lợi dụng hệ thống siêu thị bán hàng bình ổn để gom hàng số lượng lớn đem ra ngoài bán hưởng lợi.
Theo Saigon Co.op điều này đã khiến một số mặt hàng thiếu hụt cục bộ, siêu thị không châm hàng kịp dẫn đến việc một số người dân có nhu cầu thật sự không mua được hàng, nhất là trứng gà. Do đó, các siêu thị phải dán bảng hạn chế số lượng mua để giúp càng nhiều người mua được hàng càng tốt.
Điển hình là các siêu thị thuộc hệ thống Saigon Co.op quy định khách chỉ được mua 1-2 vỉ trứng tùy từng điểm bán.
Emart cũng quy định mỗi khách chỉ mua tối đa 2 vỉ trứng/ngày. Big C Gò Vấp giới hạn chỉ được mua 1 vỉ trứng/lần mua sắm, MM Mega Market mỗi người 3 vỉ/ngày.... Việc hạn chế này theo siêu thị là để giúp nhiều người được mua trứng, không bị đứt hàng cục bộ.
Trong thông báo phát đi ngày 13/7, đại diện Bách Hóa Xanh cũng khẳng định có tình trạng một số người vào siêu thị mua gom hàng về bán giá gấp 2 - 3 lần. Nhà bán lẻ này đã phải thực hiện giải pháp hạn chế số lượng được mua của mỗi khách hàng đối với 1 số mặt hàng, để tránh hàng hóa bị đứt đột ngột.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM tại cuộc họp ngày 12/7, cũng khẳng định giá cả tại các kênh mua sắm hiện đại khá ổn định, không có hiện tượng nâng giá. Tuy nhiên, đã có trường hợp một số cá nhân vào siêu thị để gom hàng với số lượng lớn bất thường. Những hành động này đã được lực lượng chức năng nhắc nhở.
Ông cho biết nếu còn tình trạng này sẽ mời cơ quan quản lý thị trường đến xử lý. Hiện tại, Sở Công Thương cũng đã phối hợp với cơ quan quản lý thị trường để kiểm soát giá cả hàng hóa.
Coi chừng bị xử lý hình sự
Pháp luật Việt Nam quy định rất rõ đối với các hành vi đẩy giá lên cao hay găm hàng khi dịch bệnh đang hoành hành, tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, tại điều 17 Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng và buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
Tại Điều 46, 47 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ về vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi găm hàng trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của ba tháng liền kề trước đó.
Kèm theo đó là hình phạt bổ sung như tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng hoặc đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
Nghiêm trọng hơn hành vi đầu cơ hàng hóa có thể bị xử lý hình sự về Tội đầu cơ theo Điều 196 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, người nào có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa một cách giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế để mua vét hàng hóa (được coi là khan hiếm) có số lượng lớn nhằm bán lại thu lợi bất chính tuỳ vào giá trị của đơn hàng để gom bán ra ngoài mà người vi phạm sẽ phải chịu mức phạt từ 6 tháng đến 15 năm từ giam.
Pháp nhân thương mại vi phạm sẽ bị xử lý cũng theo tội trên với mức phạt tối đa có thể lên đến 9 tỷ đồng và bị cấm kinh doanh.
H.A
Xem thêm: TP.HCM tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về trong 15 ngày, kể từ 0h ngày 9/7