Hiệp định CPTPP cần sự thay đổi từ Chính phủ tới doanh nghiệp
(DNVN) - Từ ngày 14/1/2019, hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam và 6 nước đã phê chuẩn CPTPP chính thực thực hiện theo lộ trình thuế quan cam kết.
Từ đó, các dòng thuế quan đầu tiên của Việt Nam sẽ được cắt giảm kể từ ngày CPTPP có hiệu lực. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tới các nước Nhật Bản, New Zealand, Canada, Mexico, Australia và Singapore được hưởng lợi theo đúng tiến trình. Ở chiều ngược lại, hàng hóa từ các nước trên xuất sang Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi thuế quan tương ứng kể từ thời điểm này.
Tuy nhiên để có thể theo kịp các nước trong Hiệp định, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng Chính phủ và các doanh nghiệp (DN) cần thay đổi nhanh và mạnh hơn nữa.
Thưa ông, xin ông cho biết khi gia nhập CPTPP thì những thách thức nào đặt ra đối với Nhà nước về mặt chính sách và cải cách thể chế?
TS. Võ Trí Thành: Đối với Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao như CPTPP thì cải cách thể chế với đẩy mạnh và đi sâu vào hội nhập là hai vấn đề rất quan trọng. Lý do rất đơn giản, nếu chúng ta muốn hội nhập tốt cần phải chuẩn bị năng lực tốt. Đồng thời, những hiệp định chất lượng cao đòi hỏi tiêu chuẩn cao gắn với cải cách thể chế. Nó không chỉ đòi hỏi những thứ trên đường biên giới như chứng khoán mà cả những cái thay đổi sau đường biên giới.
Như vậy Chính phủ phải có rất nhiều thay đổi, không phải thay đổi về hình thức mà là thay đổi căn cơ. Đầu tiên là tư duy và cái chất phục vụ thị trường, người dân, doanh nghiệp tăng lên. Thứ hai phải sửa đổi lại các khuôn khổ pháp lý. Trước đây vào WTO chúng ta phải chỉnh sửa gần 30 bộ luật. Bây giờ với CPTPP lại tiếp tục sửa 7 luật. Đây là những thách thức rất lớn. Tuy nhiên sửa luật mới chỉ là bước đầu, bước quan trọng hơn phải thực thi theo đúng nội hàm pháp luật để vừa phù hợp với định hướng thị trường vừa phù hợp với cam kết quốc tế như hiệp định CPTPP.
Thứ ba, Chính phủ phải kết nối và thông tin cụ thể về thị trường trong nước, thế giới cũng như các nhà đầu tư cho DN. Đồng thời, Chính phủ cần nhận phản hồi từ phía DN để qua đó có cách hỗ trợ, chỉnh sửa các khuôn khổ pháp lý phù hợp. Tăng cường vai trò của Chính phủ và các hiệp hội trong hỗ trợ pháp lý, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ. Họ không có đủ nguồn lực để thực hiện các tranh chấp pháp lý. Đó chính là vai trò quan trọng nhất của một Chính phủ kiến tạo, một Chính phủ phục vụ nhân dân.
Thưa ông, để tham dự cuộc chơi CPTPP này thì những hạn chế, khó khăn hay ưu điểm nào nổi bật của các DN Việt Nam?
Trong sân chơi mới này DN phải đối mặt với 3 thách thức rất lớn: Thách thức đầu tiên là phải hiểu biết, phải nhanh bắt nhịp xu hướng toàn cầu. Thứ hai là chi phí tuân thủ rất cao, DN muốn thực hiện, tận dụng được cơ hội thì phải đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn trong cam kết. CPTPP không chỉ đơn thuần như WTO mà nó còn yêu cầu về môi trường, lao động có tính nhân văn và bền vững. Nó không chỉ là sản phẩm mà là quy trình thực hiện, không chỉ là cái mình có mà cả thông tin đầu vào của sản phẩm. Thách thức thứ ba là trong thế giới hiện nay tính bất định rất cao. Cho nên DN bên cạnh việc xây dựng theo xu hướng, chiến lược, kế hoạch thì phải chuẩn bị cả cách ứng xử để giảm thiểu rủi ro và bất định.
Chính vì vậy DN cần đón nhận chọn lọc thông tin, kết nối để học hỏi và vươn lên đồng hành với các hiệp hội, Chính phủ. Qua đó DN sẽ giảm được chi phí giao dịch, tuân thủ. Đồng thời, mỗi DN phải biết đào tạo chính mình. Không chỉ người chủ DN mà cả người lao động và tất cả nhân viên đơn vị. Đó chính là những thách thức, những vấn đề mà DN cần phải lưu tâm để tận dụng tốt cơ hội khi một chân trời mới mở ra với rất nhiều cách thức làm ăn.
Theo quan sát của ông thì sức ép của việc gia nhập hiệp định có phải chính là động lực cho cả Chính phủ và DN Việt Nam?
Kinh nghiệm ở Việt Nam cho thấy, thế hệ kinh doanh hiện nay đã trở thành một đội ngũ doanh nhân mới. Mặt khác, trong tiến trình cải cách cho thấy DN Việt không chỉ biết vượt qua thách thức mà dần biết chơi, biết kết nối với những điều tốt nhất để học hỏi. Bên cạnh đó, đặc tính của người Việt có thế mạnh là tính linh hoạt và thích ứng. Có thể chúng ta thấy mình yếu đâu đó, hay va vấp đâu đó, nhưng cuối cùng đều thích ứng được.
Tất nhiên điểm yếu ở đây đều thấy được là chúng ta không bài bản, sáng tạo lắm nhưng tôi khá lạc quan doanh nhân Việt sẽ vượt qua được khó khăn. Đặc biệt trong bối cảnh sức ép thực thi hiệp định đang đòi hỏi Chính phủ và DN ngày một lớn. Nhưng chính sức ép này sẽ thôi thúc và là động lực để Chính phủ, DN Việt vượt qua thách thức, tận dụng tốt các cơ hội mới từ CPTPP.
Xin chân thành cảm ơn ông!