H&M đối mặt với làn sóng tẩy chay dữ dội tại Trung Quốc vì tuyên bố không sử dụng bông Tân Cương

11:17 | 25/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
H&M đang đối mặt với làn sóng tấn công ở Trung Quốc: Các phương tiện truyền thông nhà nước kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay thương hiệu này, các nền tảng mua sắm trực tuyến đồng loạt gỡ bỏ loạt sản phẩm đã niêm yết.
Cụ thể, tối qua (24/3), đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cùng nhiều cơ quan truyền thông nước này đã đăng tải bài viết phản đối và kêu gọi tẩy chay hãng thời trang H&M sau khi thương hiệu này tuyên bố sẽ không làm việc với bất kỳ nhà máy sản xuất hàng may mặc nào ở khu tự trị Tân Cương và không mua bông sản xuất ở Tân Cương.
 
H&M đối mặt với làn sóng tẩy chay dữ dội tại Trung Quốc
Một phụ nữ bước vào cửa hàng của nhà bán lẻ thời trang Thụy Điển H&M tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh vào thứ Tư, ngày 24/3/2021. Ảnh: Reuters

Washington Post đã dẫn tuyên bố của một số diễn viên Trung Quốc đang có hợp đồng quảng cáo cho H&M cho biết, họ sẽ hủy các hợp đồng này và cắt đứt quan hệ với H&M vì "lợi ích quốc gia là trên hết".

Ngay từ tối 24/3, ít nhất 3 sàn thương mại điện tử lớn của Trung Quốc là Pinduoduo, Jingdong và Tmall đã gỡ các kết quả tìm kiếm về H&M và gỡ các sản phẩm của thương hiệu này.

Sự phẫn nộ này bắt đầu nổi lên từ những bình luận trên mạng xã hội Sina weibo kèm theo đó là các hashtag kêu gọi gỡ bỏ sản phẩm của H&M.

"Muốn kiếm tiền ở Trung Quốc trong khi tung tin đồn thất thiệt và tẩy chay bông Tân Cương? Thật ngông cuồng!", tài khoản weibo của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc bình luận.

Nike có thể là thương hiệu tiếp theo bị người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay. Trong một tuyên bố trên website của mình, Nike cho biết: "Chúng tôi đã xác nhận với các nhà cung cấp của mình sẽ không sử dụng hàng dệt hoặc bông từ khu vực này (Tân Cương)".

Hôm 24/3, Nike cũng nằm trong danh sách những từ khóa tìm kiếm "hot" trên weibo. Người tiêu dùng Trung Quốc giận dữ khi Nike cũng tham gia vào cuộc tẩy chay bông từ Tân Cương.

Tuy nhiên, hãng Nike từ chối bình luận về vấn đề này.

Các cuộc tấn công phối hợp nhằm vào H&M báo hiệu chiến lược mới của Bắc Kinh nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt ngày càng tăng từ các nước phương Tây đối với Tân Cương, nguồn cung cấp 87% bông của Trung Quốc.
 
H&M đối mặt với làn sóng tẩy chay dữ dội tại Trung Quốc
Bài đăng của CCTV trên tài khoản Weibo chính thức

H&M và các thương hiệu khác đã cắt đứt giao dịch với các nhà cung cấp ở Tân Cương, bao gồm cả Nike, đang được nhắm đến.

Trước đó, Hoa Kỳ đã bắt đầu một số biện pháp trừng phạt đối với vải và bông Tân Cương vào năm ngoái, với lý do nguy cơ lao động cưỡng bức liên quan đến chiến dịch cải tạo do nhà nước tài trợ cho người dân tộc Duy Ngô Nhĩ.

Điều này đã được mở rộng thành lệnh cấm nhập khẩu hàng loạt vào tháng Giêng. Bắc Kinh cho biết không có lao động cưỡng bức nào diễn ra ở Tân Cương và gọi các biện pháp trừng phạt là nỗ lực phá hoại nền kinh tế Trung Quốc.

Hôm thứ Hai, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Anh và Canada đã công bố các biện pháp trừng phạt phối hợp đối với một số quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về chính sách ở Tân Cương.

Tuyên bố của H&M rằng họ sẽ cắt Tân Cương khỏi chuỗi cung ứng của mình thực sự đã có từ vài tháng trước. Theo một phiên bản được lưu trong bộ nhớ cache của trang web đã bị xóa, H&M cho biết họ "quan ngại sâu sắc" về các báo cáo về lao động cưỡng bức và phân biệt đối xử ở Tân Cương.

Tờ Global Times của Trung Quốc đã gọi tuyên bố của H&M về Tân Cương là “tự sát”. Nhân dân Nhật báo, tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã tạo ra một hashtag #ISupportXJCotton với 1,5 triệu bài đăng và được xem 700 triệu lần vào sáng thứ Năm trên nền tảng mạng xã hội Weibo.
 
Trong bài phản hồi đăng trên weibo, H&M Trung Quốc đã cho biết: "Tập đoàn H&M luôn tôn trọng người tiêu dùng Trung Quốc" và nói thêm: "Chúng tôi cam kết đầu tư và phát triển lâu dài tại Trung Quốc".

Vào sáng thứ Năm, cửa hàng của H&M trên nền tảng mua sắm trực tuyến Taobao đã bị chặn. Cư dân mạng Trung Quốc cho biết ứng dụng của H&M không còn xuất hiện trên các cửa hàng ứng dụng Android của Trung Quốc và các cửa hàng H&M cũng không xuất hiện trên bản đồ trực tuyến Baidu hay Gaode.

H&M là nhà bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới tính theo doanh số, sau Inditex - chủ sở hữu của Zara. Trung Quốc là thị trường lớn thứ tư của họ.

Đài truyền hình CCTV đã chỉ trích H&M rằng, đó là "một tính toán sai lầm" và cho hay H&M "chắc chắn sẽ phải trả giá đắt cho hành động sai lầm của mình".
 
H&M đối mặt với làn sóng tẩy chay dữ dội tại Trung Quốc
 
H&M đối mặt với làn sóng tẩy chay dữ dội tại Trung Quốc
Tống Thiến và Hoàng Hiên - 2 diễn viên kiêm đại sứ thương hiệu của H&M đưa ra thông báo ngừng hợp tác với hãng sau vụ việc
 
Tuần này, Nike cũng bị tấn công vì chuyển chuỗi cung ứng của mình khỏi Tân Cương. Vào sáng thứ Năm, Yuehua Entertainment, công ty đại diện cho nam diễn viên Wang Yibo thông báo anh đã kết thúc hợp đồng chứng thực với Nike.
 
“Nhân phẩm của đất nước không thể bị xâm phạm”, tuyên bố từ Yuehua Entertainment cho biết. "Chúng tôi kiên quyết bảo vệ lợi ích của đất mẹ".
 
Việc khuyến khích người tiêu dùng trong nước mua các sản phẩm làm bằng bông Tân Cương có thể giúp ngành dệt may Trung Quốc bù đắp lượng đơn đặt hàng từ các nước phương Tây sụt giảm.
 
Một trong những nhà cung cấp cũ của H&M, Huafu Fashion, cho biết vào tháng Giêng rằng họ đã mất ít nhất 54,3 triệu USD vào năm ngoái do các lệnh trừng phạt của Mỹ.
 
Chiến dịch này cũng làm tăng sự không chắc chắn và rủi ro kinh doanh mà các công ty đa quốc gia hoạt động tại Trung Quốc phải đối mặt.
 
Hải Yến