Hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì COVID-19: Không để lại những hệ quả xấu khó gỡ

10:09 | 28/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
'Chúng ta đang ở trong tình hình mới, vì vậy đừng đặt ra điều kiện, quy định để những chính sách hỗ trợ đưa ra lại không được hiện thực trên thực tế', TS. Nguyễn Đình Cung lưu ý.

Đại dịch COVID-19 quay lại vào gần cuối tháng 7/2020 ở nước ta đã khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp càng trở nên khó khăn khi các bộ máy đang cố "nhúc nhắc gượng dậy". Việc thực hiện mục tiêu kép cũng vì thế mà gian nan hơn thời gian trước rất nhiều lần.

Không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu cho biết, nguồn nguyên liệu dự phòng của DN đang dần cạn kiệt, chỉ có thể cầm cự được 1-2 tháng nữa do không có đơn hàng mới, chuỗi cung cũng đứt đoạn. Số người lao động mất việc làm, giảm việc làm đã tăng cao và sẽ còn tăng cao nữa.

Các dự báo mới đây cho rằng tăng trưởng GDP năm nay chỉ ở khoảng 2%; thậm chí đã có dự báo tăng trưởng âm. Với Việt Nam tăng trưởng GDP ở mức 5% mới đủ bảo đảm việc làm. Dưới mức này, có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp, mất việc tăng lên sẽ kéo theo nhiều áp lực, tin trên VOV.

Hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì COVID-19: Không để lại những hệ quả xấu khó gỡ - ảnh 1

Ảnh minh họa: KT.

Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề xuất gói hỗ trợ lần 2 dành cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Gói hỗ trợ lần 2 nhằm hỗ trợ về chính sách tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh và người lao động vay vốn ưu đãi để khôi phục, duy trì và mở rộng việc làm, với kinh phí lên tới 18.600 tỷ đồng.

Theo báo Tuổi Trẻ,  đối tượng thụ hưởng theo đề xuất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, trong đó ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 lao động), hợp tác xã và hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất - kinh doanh), người lao động tại khu vực nông thôn.

Mức vay dự kiến đối với cơ sở sản xuất - kinh doanh là 2 tỷ đồng, với người lao động là 100 triệu đồng. Thời hạn hỗ trợ lãi suất là 12 tháng đối với các khoản vay mới.

Thời gian áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh từ ngày 1/9/2020 đến 1/9/2021. Lãi suất vay 3,96%/năm (bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo). Kinh phí ước tính là 15.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề xuất chính sách hỗ trợ lao động mất việc có hoàn cảnh khó khăn, sẽ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn (tiền thuê nhà, chi phí nuôi con dưới 6 tuổi). 

Đối tượng thụ hưởng là người lao động đang phải thuê nhà và (hoặc) nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị mất việc làm, hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc đối với lao động có giao kết hợp đồng lao động.

Nói về gói hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp đang gặp ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trao đổi với VOV, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nêu quan điểm, nếu doanh nghiệp lớn thất bại thì khó quay trở lại thị trường, nhiều người sẽ bị ảnh hưởng hơn.

Ông cũng lưu ý các nước đang làm nhiều hơn và làm nhanh hơn Việt Nam. Còn ở Việt Nam, gói hỗ trợ đã được ban hành đến nay thực hiện vẫn rất chậm. Vì vậy, cần tăng tốc thực hiện gói hỗ trợ lần 2 đồng thời kéo dài gói này sang năm 2021. Bên cạnh đó, phải thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn, phải quản lý bằng cách thức sáng tạo.

Cũng theo TS Cung: "Chúng ta đang ở trong tình hình mới, vì vậy đừng đặt ra điều kiện, quy định để những chính sách hỗ trợ đưa ra lại không được hiện thực trên thực tế. Nếu gói hỗ trợ lại đi kèm quy định đòi hỏi nhiều thủ tục mà những thủ tục đó làm được cũng mất thời gian tính bằng tháng thì có khi DN phá sản, lao động mất việc làm rồi cũng chưa được cứu".

Còn theo TS. Võ Trí Thành, gói hỗ trợ lần này cần hướng đến hỗ trợ người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp để doanh nghiệp giữ lao động, bởi nếu người lao động mất việc làm sẽ kéo theo nhiều vấn đề nghiêm trọng về cả kinh tế, xã hội và an ninh trật tự.

Bên cạnh đó, gói hỗ trợ mới ngoài quy mô lớn hơn, có diện hỗ trợ bao trùm tổng thể nhưng đồng thời cũng phải có cả những trọng tâm, lĩnh vực riêng, chú trọng các yếu tố liên quan đến sáng tạo, đổi mới, kỹ năng… gắn với những lĩnh vực mới, xu hướng sản xuất kinh doanh, tiêu dùng mới và có thể thêm gói hỗ trợ lao động mới. Đồng thời, cần phải ban hành nhanh, thực hiện quyết liệt.

Liên quan đến câu chuyện hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa dịch COVID-19, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh nỗ lực phục hồi kinh tế, cố gắng để có được mức tăng trưởng cao nhất, vẫn cần duy trì tốt ổn định vĩ mô. Do đó, các gói kích thích cần được cân nhắc thấu đáo theo nhiều chiều cạnh, phải được tính đủ, tính đúng liều, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tránh tràn lan để không để lại những hệ quả xấu khó gỡ như đã từng có khi tung ra gói kích cầu trước đây.

Trao đổi với VietNamNet, ông Tô Hoài Nam,  Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu thêm gói kích thích kinh tế đặc biệt, mang tính dài hơi và hành động cụ thể, trợ lực cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Mặt khác, trong hoàn cảnh khó khăn này, Chính phủ cần truyền cảm hứng nhiều hơn cho doanh nghiệp, người dân. 

Lệ Vỹ (T/h)

>> Xem thêm: Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để duy trì đà tăng trưởng cả trong dịch COVID-19