Hỗ trợ doanh nhân nữ trong thương mại điện tử xuyên biên giới

Thúy Hiền 15:50 | 21/01/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ còn có nhiều hạn chế về khả năng và gặp nhiều khó khăn, rào cản trong kết nối kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), ngày 21/1, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Chương trình Hỗ trợ Tăng trưởng Kinh tế ở châu Á (US-SEGA) tổ chức Hội thảo hỗ trợ kỹ thuật APEC: Hỗ trợ Doanh nhân Nữ Việt Nam trong thương mại điện tử xuyên biên giới.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Bùi Thị Thu Thủy cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần tăng vị thế của phụ nữ, tăng đầu tư cho y tế, giáo dục của trẻ em nhất là các trẻ em gái, làm tăng lợi ích xã hội cũng như tiềm năng tăng trưởng kinh tế.

Sàn thương mại điện tử Viettelpost đại giải thưởng CNTT Châu Á- Thái Bình Dương (APICTA). Ảnh: Phương Thảo

"Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ còn có nhiều hạn chế về khả năng và gặp nhiều khó khăn, rào cản trong kết nối kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ. Đặc biệt, trong bối cảnh, dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến những khó khăn này càng trở nên thách thức hơn bao giờ hết", bà Bùi Thị Thu Thủy nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là một định hướng chính sách quan trọng. Trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đã xác định mục tiêu phấn đấu tỷ lệ nữ giám đốc, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.

Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các chính sách hỗ trợ doanh nhân nữ trong thương mại điện tử cũng đã được chú trọng lồng ghép trong các chính sách chung về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách về phát triển thương mại điện tử.

Điển hình tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã quy định các chính sách hỗ trợ doanh nhân nữ với mức hỗ trợ cao hơn mức hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung.

Doanh nhân nữ cũng sẽ được hỗ trợ 100% hoặc một phần chi phí để tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế. Ngoài ra, nhiều sáng kiến hợp tác công tư cũng như của khu vực tư nhân đã được triển khai và đem lại tác động hết sức thiết thực, hữu ích cho cộng đồng doanh nhân nữ trong việc tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới.

Tuy nhiên, việc xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn còn có những khoảng trống cần cải thiện. Các doanh nhân nữ vẫn còn gặp khó khăn trong hoạt động thương mại điện tử, trong đó nổi bật là các vấn đề về tiếp cận tài chính, thanh toán điện tử, logistics, hải quan,…

Tháng 10/2020, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã thông qua Sáng kiến Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong Thương mại điện tử xuyên biên giới và Bộ công cụ chẩn đoán cung cấp phương thức giúp các nền kinh tế APEC xây dựng môi trường thuận lợi hơn cho phụ nữ trong thương mại điện tử tiếp cận thị trường quốc tế.

Tại hội thảo, các diễn giả đã cùng thảo luận về những cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp nữ khi tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới; các khoảng trống trong chính sách và dữ liệu thực tế cũng như chia sẻ những nỗ lực hợp tác công tư hỗ trợ thúc đẩy sự tham gia của doanh nhân nữ trong thương mại điện tử xuyên biên giới.

Đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ cho rằng, chúng ta cần cùng nhau nhìn lại những nỗ lực, sáng kiến của khu vực công và tư nhằm hỗ trợ doanh nhân nữ trong thương mại điện tử xuyên biên giới; đồng thời, thảo luận thêm về các chính sách, các nguồn lực hỗ trợ các doanh nhân nữ ở Việt Nam; tìm hiểu các thực hành tốt trên thế giới về hỗ trợ doanh nghiệp nữ và chia sẻ các kiến thức thông tin hữu ích với các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp nhằm giúp doanh nhân nữ tham gia thương mại điển tử thuận lợi và hiệu quả hơn.

Từ đó, giúp các nhà hoạch định và thực thi chính sách có thể cải tiến hoàn thiện các mặt còn hạn chế, tồn tại, nhân rộng các mô hình thực tiễn tốt để nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nhân nữ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.

Năm 2021, trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ Tăng trưởng Kinh tế ở châu Á (US-SEGA) Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phối hợp với Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam triển khai thí điểm Bộ công cụ tại Việt Nam nhằm xác định những khoảng trống trong hỗ trợ cho các doanh nhân nữ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ sẵn sàng tham gia vào thương mại điện tử.

Kết quả đợt chuẩn đoán thí điểm này đã cho thấy hiện nay vẫn chưa có các số liệu thống kê chính thức về số lượng cũng như thách thức đối với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong thương mại điện tử xuyên biên giới, hay tác động của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong thương mại điện tử xuyên biên giới đối với tăng trưởng kinh tế.

Về tiếp cận tài chính của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thường có quy mô nhỏ và siêu nhỏ vì vậy không có thế chấp, không đủ điều kiện vay vốn, không có năng lực, kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh khả thi và chưa có được hệ thống kế toán chuẩn mực để xây dựng được các báo cáo tài chính minh bạch, phương án tài chính đủ để thuyết phục các ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó là những khó khăn về ứng dụng công nghệ trong quản lý hoặc chuyển đổi kỹ thuật số vì thiếu kỹ năng và sự tự tin để sử dụng...