Vì sao Hoà Phát tạm hoãn dự án sản xuất nhôm dù sức hút lớn?

H.Mĩ 08:57 | 14/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sức hút mảng bô xít - nhôm đang tạo nên cuộc đua giữa các ông lớn. Tuy nhiên, Hoà Phát đang phải tạm gác cuộc đua này vì dồn lực làm thép.

Tập trung nguồn lực cho thép

Tại ĐHĐCĐ diễn ra hôm 11/4, trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan đến kế hoạch làm nhôm, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát Trần Đình Long cho biết hiện tập đoàn sẽ tạm gác việc thực hiện dự án này mà tập trung vào làm thép.

“Cách đây 2 tháng anh Mười (ông Hồ Văn Mười), Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông gọi điện cho tôi hỏi ý định của Hoà Phát đối với dự án xây dựng khu liên hợp khai thác bô-xít - sản xuất nhôm thế nào. Tôi cũng trả lời rằng hiện Hoà Phát phải dồn lực cho sản xuất thép. Hoà Phát chưa bỏ nhưng nếu mà có đơn vị nào có điều kiện hơn muốn làm thì tỉnh cứ dành cho họ vì suy cho cùng tỉnh cũng cần ưu tiên cho sự phát triển chung, không thể đợi mãi doanh nghiệp được”, ông Long nói.

Lãnh đạo Hoà Phát khẳng định trước mắt 5 - 10 năm tới tập trung cao độ vào thép và chưa nghiên cứu làm kim loại màu, trong đó có nhôm. Do đó, tập đoàn chưa thể phát triển đa ngành trong mảng kim loại được.

“Thực sự thị trường thép rất khốc liệt. Tôi không nghĩ rằng thị trường thép lại khốc liệt đến thế và cũng đòi hỏi nguồn vốn rất lớn”, ông Long nói.

Dự kiến cuối năm nay, Hoà Phát sẽ hoàn thành giai đoạn 1 dự án Dung Quất 2 với công suất khoảng 2,5 triệu tấn thép.

Theo kế hoạch ban đầu, cuối năm 2026, dự án này sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, ông Long cho biết, tập đoàn sẽ đẩy tiến độ hoàn thành sớm hơn dự kiến, tức tháng 9/2026.

Với quy mô 280 ha, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 có tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) chất lượng cao/năm.

Sức hút mảng bô xít - nhôm tạo nên cuộc đua giữa các ông lớn

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, tính đến năm 2022 Việt Nam có trữ lượng quặng bô-xít đạt 5,8 tỷ tấn, tương đương chiếm tỷ trọng gần 19% toàn thế giới, đứng thứ hai sau Guinea.  Tuy nhiên, sản lượng bô-xít của Việt Nam ở mức 3,8 triệu tấn, tương đương 1% sản lượng của cả thế giới.

Trữ lượng bô-xít và sản lượng bô-xít, alumin trên thế giới (Nguồn: Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, đơn vị: Nghìn tấn)

Đắk Nông là địa phương có trữ lượng bô xít lớn, ước đạt khoảng 5,4 tỷ tấn, được đánh giá lớn nhất cả nước.

Sức hút từ việc khai thác bô-xít, sản xuất alumin, nhôm đã tạo nên cuộc đua giữa các doanh nghiệp.

Dự án của Hoà Phát mới dừng lại ở bước nghiên cứu. Trước đó, hồi tháng 4/2022, Tập đoàn Hòa Phát đề xuất đầu tư các tổ hợp các dự án gồm tại Đắk Nông: Dự án alumin, công suất 2 triệu tấn alumin/năm; Nhà máy tuyển quặng công suất 5 triệu tấn/năm. Địa điểm xây dựng nhà máy tuyển thuộc địa phận xã Đắk D’rung.

Ngoài ra, Tập đoàn đề xuất xây dựng Nhà máy alumin và Nhôm tiếp giáp 2 xã Nâm N’Jang và Trường Xuân (huyện Đắk Song).

Dự án Điện phân nhôm, công suất 0,5 triệu tấn/ năm. Ngoài ra, tập đoàn đề xuất xây dựng Dự án Nhà máy điện gió Hòa Phát công suất 1.500MW tại huyện Đắk Song và Tuy Đức. Dự án điện gió này chủ yếu để cung cấp năng lượng cho khu tổ hợp, phục vụ cho việc điện phân, chế biến quặng bô-xít.

“Nếu chỉ dùng điện của EVN thì chi phí rất đắt, mà nguồn cung cũng không đủ. Do đó, phần điện gió này giúp bổ trợ nguồn năng lượng sản xuất. Tổ hợp nhôm của Hoà Phát phải có điện gió. Đây sẽ là tổ hợp sản xuất nhôm khép kín từ khai thác quặng, điện gió, điện phân bô-xít, làm ra nhôm”, ông Long chia sẻ tại ĐHĐCĐ năm 2022.

Tổng kinh phí đầu tư của tổ hợp các dự án trên là khoảng 4,3 tỷ USD.

“Chiến lược dài hạn của Hoà Phát làm nhôm là đúng bởi mảng này sát sườn với những gì tập đoàn đang làm”, ông Long nói.

Theo kế hoạch Hoà Phát, ngoài việc sản xuất alumin làm nguyên liệu cho các công ty luyện nhôm, công ty còn tính thêm đến việc đầu tư thêm nhà máy để sản xuất sản phẩm từ nhôm như tay vịn ghế, chân bàn…

Ngoài Hoà Phát, nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn khác cũng muốn rót tỷ USD vào cuộc đua này như Thaco, Sovico, Hoá chất Đức Giang,...

Theo đó, cũng trong tháng 4/2022, Công ty cổ phần Tập đoàn Việt Phương (thuộc Tập đoàn Việt Phương) đề xây dựng tổ hợp bô-xít - alumin - nhôm Đắk Glong, diện tích 600 ha nằm trên địa bàn H.Đắk Glong, quy mô 2 triệu tấn alumin/năm; 600.000 tấn nhôm/năm. 7 dự án điện gió nằm trên địa bàn huyện Tuy Đức, huyện Đắk Song và huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông), tổng công suất là 690 MW.

Đối với khu phức hợp của Đức Giang, doanh nghiệp này dự kiến chi tổng vốn đầu tư 2,4 tỷ USD.

Còn tại tỉnh Lâm Đồng, cuối năm ngoái Thaco đề xuất dự án chế biến alumin hơn 4 tỷ USD tại Lâm Đồng. Đây là nhà máy khai thác quặng bô-xít và chế biến alumin có công suất khoảng 4 triệu tấn alumin/năm.

Tổ hợp này được quy hoạch để hình thành chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn từ khâu khai thác quặng bô-xít đến chế biến alumin, nhôm, hoàn thổ phục hồi môi trường, trồng cây nông nghiệp, nhà máy chế biến nông sản, nhà máy phụ trợ, du lịch sinh thái...

Nổi bật nhất trong tổ hợp này là đề xuất phương án đầu tư xây dựng Nhà máy alumin Lâm Đồng 2; thuộc địa bàn các huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Đây là nhà máy khai thác quặng bô-xít và chế biến alumin có công suất khoảng 4 triệu tấn alumin/năm với 3 giai đoạn. Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 103.024 tỷ đồng (hơn 4,2 tỷ USD), với 30% từ vốn chủ sở hữu và 70% đến từ nguồn vốn vay.

Tuy nhiên, tất cả những dự án kể trên đều mới nằm trên "kế hoạch". Hiện tại, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) hiện là nhà sản xuất bô-xít và alumin duy nhất tại Việt Nam và có 2 nhà máy đặt tại Tây Nguyên. Sản lượng alumin của tập đoàn năm ngoái của tập đoàn 1,47 triệu tấn alumin quy đổi và tiêu thụ 1,45 triệu tấn.

Trong buổi làm việc với tỉnh Đắk Nông hôm 8/4 mới đây, TKV cho biết đã hoàn thành đề án “Phát triển tổng thể lĩnh vực bô-xít – alumin – Nhôm của TKV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Theo nội dung Đề án, đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, TKV sẽ tập trung đầu tư mở rộng nâng công suất Tổ hợp alumin Nhân Cơ lên khoảng 2 triệu tấn alumin/năm; Đầu tư mới Tổ hợp bô-xít-alumin-Nhôm Đắk Nông 2 có công suất 2 triệu tấn alumin/năm và 0,5-1 triệu tấn nhôm/năm.

Theo đó, TKV sẽ thực hiện 2 đề án thăm dò và 5 dự án bô-xít-alumin-Nhôm với tổng mức đầu tư dự kiến trên 182 nghìn tỷ đồng, trong đó, ưu tiên thực hiện Dự án Nhà máy Điện phân Nhôm Đắk Nông 2 ngay trong năm 2024, phấn đấu hoàn thành trong năm 2030, để nâng cao giá trị chế biến sâu.

Để chuẩn bị cho việc triển khai các dự án sắp tới tại Đắk Nông, TKV đã xây dựng các phương án nguồn lực về vốn đầu tư, TKV đã dành gần 1.000 tỷ thăm dò các mỏ bô-xít trên địa bàn tỉnh Đắk Nông,  chuẩn bị nguồn nguyên liệu để đáp ứng triển khai các dự án.

Theo quy hoạch bô xít giai đoạn 2021 – 2030, cả nước có 19 đề án thăm dò với trữ lượng 1,7 tỷ tấn quặng nguyên khai, trong đó riêng tỉnh Đắk Nông có 7 đề án. Với khâu khai thác, Quy hoạch duy trì công suất các mỏ hiện có, đồng thời mở rộng mỏ Nhân Cơ, Tân Rai, đầu tư mới 8 – 10 mỏ. Tổng công suất khai thác dự kiến khoảng 68,15-112 triệu tấn nguyên khai/năm.

Về chế biến, Quy hoạch sẽ nâng công suất nhà máy Alumin Nhân Cơ và Tân Rai lên 2 triệu tấn/năm, đầu tư mới 8 dự án với công suất tối thiểu 1 triệu tấn/năm.

Quy hoạch cũng đề cập việc hoàn thành thí điểm Nhà máy điện phân nhôm Đăk Nông với công suất 300.000 tấn nhôm thỏi/năm; Đầu tư mới các dự án nhôm kim loại tại Đăk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước với tổng công suất 1,2 – 1,5 triệu tấn thỏi nhôm/năm.