Hòa Phát rót thêm gần 10.000 tỷ đồng vào Khu liên hợp Dung Quất 2

Đông Bắc 15:27 | 07/02/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) rót thêm gần 10.000 tỷ đồng vào Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2.

  

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2023,  Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) cho biết siêu dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất 2 (Dung Quất 2) đã đạt khoảng 45% tiến độ, đúng theo kế hoạch ban lãnh đạo đề ra. Khi hoàn thành, năng lực sản xuất thép của tập đoàn sẽ đạt hơn 14 triệu tấn thép thô/năm và có thể lọt vào top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.

Tại thời điểm cuối năm ngoái, Hòa Phát đã rót đến 22.555 tỷ đồng vào khu liên hợp gang thép trên, tăng hơn 9.824 tỷ đồng so với quý III/2023 liền trước và tăng 13.125 tỷ đồng so với đầu năm.

 Hòa Phát rót thêm gần 10.000 tỷ đồng vào Khu liên hợp Dung Quất 2. Ảnh HPG.

Lãnh đạo Hòa Phát xem Dung Quất 2 là "quả đấm thép" với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 3 tỷ USD, tương đương khoảng 1.000 dự án vừa và nhỏ, hay bằng 100 dự án lớn khác mà tập đoàn này phải tự lực đầu tư.

Khu liên hợp sản xuất gang thép mới dự tính hoàn thành vào quý I/2025 với công suất 1,5 triệu tấn/năm cho giai đoạn 1. Tổng công suất thiết kế là 5,6 triệu tấn/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC và 1 triệu tấn thép đặc biệt. Tập đoàn kỳ vọng mất khoảng 3 năm để vận hành tối đa công suất.

Ghi nhận tại ngày 31/12/2023, khoản mục chi phí xây dựng cơ bản dở dang của Hoà Phát đạt hơn 26.000 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở dự án Dung Quất 2 này với hơn 22.555 tỷ đồng.

Một số dự án dở dang khác cũng được Hòa Phát đầu tư lớn là tổ hợp nhà máy container với giá trị 1.833 tỷ đồng, đầu tư thêm vào Khu liên hợp Gang thép Hải Dương 639 tỷ đồng, dự án nông nghiệp gần 380 tỷ đồng, giá trị đầu tư đều tăng thêm trong năm vừa qua.

Để có nguồn tài trợ mở rộng đầu tư, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long đã tăng quy mô nợ vay trong năm ngoái thêm 13%, lên mức kỷ lục gần 65.400 tỷ đồng, phần lớn là nợ ngắn hạn với gần 55.000 tỷ đồng.

Theo đó, Hòa Phát phải gánh lãi vay gần 3.600 tỷ đồng một năm, tăng hơn 16% so với năm 2022 và là mức cao nhất kể từ khi hoạt động. Ước tính bình quân mỗi ngày, tập đoàn thép lớn nhất nước phải trả gần 10 tỷ đồng lãi vay.

 

Về kết quả kinh doanh, trong quý IV/2023,  Hoà Phát đã ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tốt nhất kể từ đầu năm 2023. Cụ thể, doanh thu của tập đoàn ghi nhận 34.925 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 2.969 tỷ đồng, tăng 249% so với cùng kỳ 2022 và tăng 48 % so với quý trước.

Lũy kế cả năm 2023, Hòa Phát đạt 120.355 tỷ đồng doanh thu, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 6.800 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2022 và hoàn thành 85% kế hoạch năm.

Năm 2023, Hòa Phát đã sản xuất 6,7 triệu tấn thép thô, giảm 10% so với năm 2022. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 6,72 triệu tấn, giảm 7%.

Trong đó, thép xây dựng, thép chất lượng cao đạt 3,78 triệu tấn, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Thép cuộn cán nóng HRC ghi nhận gần 2,8 triệu tấn, tăng 6% với với năm 2022.

Về sản phẩm ống thép, Hòa Phát đã cung cấp 685.000 tấn cho thị trường, giảm 9% so với năm 2022. Tôn mạ các loại đạt tương đương năm trước đó khi đạt 329.000 tấn.

Nhận định thị trường thời gian tới, ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho biết: "Trong thời gian tới, thị trường có khởi sắc nhưng chưa rõ nét do kinh tế trong và ngoài nước còn gặp nhiều khó khăn...  Theo đó, 2024 sẽ là năm khởi động của ngành thép sau khi đã chạm đáy vào năm 2023. Thị trường sẽ bắt đầu vào đà phục hồi từ năm 2025”.

Tuy nhiên, mức độ phục. hồi thế nào sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc nhanh hay chậm, lộ trình giảm lãi suất của Fed ra sao và triển vọng nền kinh tế Mỹ có suy thoái hay không. Đó là những yếu tố ở thị trường thế giới, còn với Việt Nam, sức tiêu thụ cũng chưa thể phục hồi một cách nhanh chóng.