Hòa Phát sắp tăng vốn, thành doanh nghiệp lớn nhất sàn chứng khoán Việt
Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) vừa thông qua phương án chi tiết về việc chi trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông hiện hữu bằng hình thức tiền mặt và cổ phiếu, tổng tỷ lệ 35%
Trong đó, doanh nghiệp ngành thép dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt 5% (cổ đông cứ sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 500 đồng). Tổng số tiền chi cho phương án này là hơn 2.236 tỷ đồng.
Thêm vào đó, Hòa Phát cũng sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 30% (cổ đông cứ sở hữu 10 cổ phiếu được nhận 3 cổ phiếu mới). Tổng khối lượng phát hành là hơn 1,34 tỷ cổ phiếu.
Nguồn vốn thực hiện lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính kiểm toán năm ngoái. Thời gian phát hành dự kiến là tháng 6 đến tháng 8 năm nay.
Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cùng những người thân trong gia đình đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ khoảng 1,57 tỷ cổ phiếu HPG (chiếm tỷ lệ 35% vốn). Như vậy, gia đình ông Long có thể nhận về khoảng 780 tỷ đồng tiền mặt và 470 triệu cổ phiếu.
Hiện Hòa Phát là doanh nghiệp có quy mô cổ phần lớn với hơn 4,47 tỷ cổ phiếu đang lưu hành (lớn thứ 5 sàn chứng khoán). Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của đại gia ngành thép sẽ tăng lên 58.147 tỷ đồng, cao nhất sàn chứng khoán (một số ngân hàng cũng có kế hoạch tăng vốn trong năm nay).
Theo số liệu của ông Long chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, số cổ đông của Hòa Phát tại thời điểm chốt danh sách họp vào đầu tháng 4 là 161.000 người, nhiều nhất sàn chứng khoán Việt Nam và được giới đầu tư xem là cổ phiếu quốc dân.
Thực tế trong năm 2021, HPG cũng là mã chứng khoán có giá trị giao dịch lớn nhất với tổng giá trị đạt 336.298 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,7% trên sàn. Đây còn là cổ phiếu đứng thứ hai về khối lượng giao dịch khi đạt 6,6 tỷ đơn vị trong một năm.
Hoà Phát đang đầu tư khoảng 63.000 tỷ đồng vào các công ty con và cần khoảng 75.000 tỷ đồng để đầu tư vào Dung Quất. Ban lãnh đạo tập đoàn cho biết có thể phải tăng vay nợ sau khi chia cổ tức bằng tiền mặt.
Tập đoàn thép đầu ngành đặt kế hoạch doanh thu năm nay là 160.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 25.000-30.000 tỷ đồng. Như vậy, mục tiêu kinh doanh năm nay ghi nhận tăng trưởng gần 7% về mặt doanh thu nhưng giảm từ 13% đến 27,5% về lợi nhuận.
Hoà Phát được chấp thuận đầu tư dự án 2.600 tỷ đồng ở Hưng Yên
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 650/2022 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng, tỉnh Hưng Yên.
Dự án được thực hiện tại xã Trung Hưng, xã Trung Hòa và thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên với quy mô 216 ha. Tổng mức vốn đầu tư dự án khoảng hơn 2.682 tỷ đồng. Trước đó, hồi tháng 3/2021, UBND tỉnh Hưng Yên đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Điều chỉnh mở rộng KCN Yên Mỹ II.
Dự án trên do Công ty TNHH phát triển hạ tầng khu công nghiệp Hòa Phát Hưng Yên - một thành viên của Tập đoàn Hoà Phát làm chủ đầu tư. KCN Yên Mỹ II được quy hoạch nhằm thu hút đầu tư trong các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất sạch, ít gây ảnh hưởng tới môi trường như: Sản xuất, chế tạo thiết bị điện, điện tử, điện lạnh, các sản phẩm từ công nghệ mới; sản xuất, chế tạo cơ khí, máy móc, thiết bị, sản xuất hàng tiêu dùng (không bao gồm các dự án thuộc ngành dệt may, da dày, chế biến nông sản, thực phẩm).
Hiện lĩnh vực bất động sản của Hòa Phát gồm xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp và các dự án nhà ở, khu đô thị. Hiện tại, Hòa Phát đang đầu tư khai thác hạ tầng kỹ thuật 3 KCN bao gồm: KCN Phố Nối A (686ha), KCN Yên Mỹ II (giai đoạn 1: 97,5ha) – Hưng Yên; KCN Hòa Mạc – Hà Nam (131ha). KCN Hòa Mạc đạt tỷ lệ lấp đầy trên 75% diện tích, trong khi KCN Phố Nối A, Yên Mỹ II đạt 100% diện tích đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật.