Hơn một năm về 'nhà' mới: Vinaconex liên tục thoái vốn tại các công ty con, kỳ vọng doanh thu đi lên cùng 'sóng' đầu tư công

Thùy Dương 14:10 | 20/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trải qua những lần thoái vốn công ty con trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành, Vinaconex vẫn kỳ vọng thấy điểm sáng tăng trưởng tích cực trong giai đoạn 2023 - 2024.

Vinaconex liên tục tái cơ cấu hàng loạt khoản đầu tư

Cuối tuần trước, Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã: VCG) vừa công bố thông tin về việc tái cấu trúc phần vốn tại CTCP Nhân lực và Thương mại Vinaconex (Vinaconex MEC, mã: VCM). Theo đó, Vinaconex muốn toàn bộ 1,3 triệu cổ phiếu VCM đang sở hữu, tương đương 44,2% vốn điều lệ tại Vinaconex MEC nhằm cơ cấu lại các khoản đầu tư.

Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến từ ngày 21/6 – 20/7 với phương thức khớp lệnh và/hoặc thoả thuận. Nhà đầu tư mua cổ phần của Vinaconex tại Vinaconex MEC sẽ không tiếp tục sử dụng thương hiệu Vinaconex. 

Đây không phải lần duy nhất Vinaconex công bố động thái thoái vốn như vậy trong thời gian qua. Kể từ thời điểm cuối tháng 2 năm ngoái; sau khi CTCP Đầu tư Pacific Holdings (gọi tắt là Pacific Holdings) nhận chuyển nhượng toàn bộ hơn 277,8 triệu cổ phiếu VCG từ Công ty TNHH An Quý Hưng, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên 62,9% và trở thành công ty mẹ của Vinaconex, Vinaconex liên tục công bố các giao dịch thoái vốn khỏi các công ty thành viên nhằm mục đích tái cấu trúc doanh nghiệp và các khoản đầu tư.  

Cụ thể, quý I/2022, Vinaconex đã thoái bớt vốn tại CTCP Phát triển Thương mại Vinaconex (VCTD), giảm sở hữu từ 55% còn 45%, đồng nghĩa việc VCTD chuyển từ công ty con thành công ty liên kết.

Tháng 4/2022, Vinaconex bán toàn bộ vốn góp 46 tỷ đồng tại Công ty TNHH Phát triển Hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc.

Ngày 13/5/2022, Vinaconex hoàn tất hạ tỷ lệ sở hữu tại Vinasinco từ 50% (2 triệu cổ phiếu) xuống còn 25% (1 triệu cổ phiếu). Như vậy, Vinasinco (hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ vệ sinh nhà cửa và các công trình) cũng không còn là công ty con của Vinaconex.

Sang tháng 1/2023, HĐQT VCG đã phê duyệt phương án bán 6 triệu cổ phần đang sở hữu tại Cơ điện Vinaconex theo hình thức chào bán trực tiếp cho nhà đầu tư.

Ngày 21/2, Vinaconex cũng vừa thoái xong 95% vốn tại CTCP Cơ điện Vinaconex (Vinaconex M&E), hạ sở hữu xuống còn 500.000 cổ phần, tương đương 5% vốn điều lệ của Vinaconex M&E.

Đến 2/6/2023, Vinaconex tiếp tục thông báo đã bán ra 506.000 cổ phiếu CTCP Tư vấn Xây dựng Vinaconex (Vinaconsult, mã: VCT)  bằng phương pháp thỏa thuận, hạ sở hữu tại Vinaconsult xuống còn 55.000 cổ phần, tương đương 5% vốn điều lệ Tổng công ty. Theo đó, Vinaconsult không còn là công ty con của Vinaconex.

Tính đến 31/12/2022, Vinaconex có 22 công ty con, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thi công xây lắp, kinh doanh nước sạch, bất động sản.

Sau loạt hoạt động tái cơ cấu diễn ra sôi nổi trong thời gian qua, về mục tiêu trong năm 2023, tại cuộc họp ĐHĐCĐ hồi giữa tháng 4, Vinaconex lên kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất đạt 16.340 tỷ đồng, tăng 70% so với thực hiện năm ngoái. Tuy nhiên, lãi ròng hợp nhất dự kiến giảm 8%, còn 860 tỷ đồng.

Theo đánh giá từ ban lãnh đạo, tình hình kinh tế năm nay vẫn còn khó khăn, riêng lĩnh vực xây dựng được dự báo có sự phân hoá mạnh giữa các nhóm doanh nghiệp, trọng điểm phát triển được kỳ vọng ở nhóm xây dựng hạ tầng và công nghiệp, trong đó, các dự án đầu tư công vẫn mang tính dẫn dắt. Thị trường bất động sản sẽ tiếp tục khó khăn về nguồn cung bởi những ảnh hưởng về nguồn vốn, pháp lý, siết chặt tín dụng, thanh khoản thị trường được dự báo ở mức trung bình - thấp. Mặt khác, những kỳ vọng về sự ổn định kinh tế vĩ mô trong nước và việc giải quyết những nút thắt về pháp lý, thủ tục, trái phiếu bất động sản,... sẽ tạo động lực phát triển mới cho các doanh nghiệp ngành xây dựng.

Thực tế, trong quý I/2023, Vinaconex đã báo cáo kết quả kinh doanh đi lùi với lãi ròng giảm mạnh 98% so với cùng kỳ (svck) 2022, chỉ đạt gần 19 tỷ đồng dù doanh thu thuần công ty đạt 1.965 tỷ đồng, tăng 47,4% svck và lợi nhuận gộp tăng mạnh lên 315 tỷ đồng (gấp gần 2 lần cùng kỳ năm ngoái). Giải trình về kết quả kinh doanh quý I, Vinaconex cho biết nguyên nhân sụt giảm lợi nhuận là do quý I năm ngoái, Tổng công ty hợp nhất báo cáo tài chính của công ty con mới đầu tư dẫn đến doanh thu hoạt động tài chính tăng cao. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, các công ty con và công ty liên doanh, liên kết trong hệ thống đều bị ảnh hưởng chung bởi những khó khăn của kinh tế trong nước dẫn đến kết quả kinh doanh đều bị giảm svck 2022.

Về hoạt động đầu tư năm 2023, Tổng công ty dự kiến hoàn thành bán hàng và bàn giao các căn hộ tại các dự án: Green Diamond số 93 Láng Hạ; dự án khu dân cư đô thị tại Km3, Km4 phường Hải Yên, TP Móng Cái, Quảng Ninh; triển khai bán hàng tại Dự án khu đô thị (KĐT) Đại lộ Hoà Bình (Móng Cái), KĐT mới Cái Giá, Cát Bà Amatina (Vinaconexitc),... Đồng thời, hoàn thiện các thủ tục và triển khai thực hiện các dự án khác: Khu đô thị mới Thiên Ân (Vinaconex 25), Dự án khu đô thị nghỉ dưỡng Tuy Hoà, Phú Yên,...

Bên cạnh đó, Vinaconex tiếp tục khai thác có hiệu quả các dự án đã hoàn thành đầu tư đi vào hoạt động gồm dự án thủy điện Đăkba, dự án TTTM chợ Mơ, trung tâm thương mại, cho thuê văn phòng.

Triển vọng kinh doanh kỳ vọng khởi sắc cùng tiến độ đầu tư công

Trong báo cáo triển vọng doanh nghiệp 2023 hồi cuối quý I, nhóm phân tích CTCK Vietcombank (VCBS) kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận hoạt động kinh doanh cốt lõi của Vinaconex sẽ tăng trưởng tích cực nhờ các gói thầu hạ tầng giao thông lớn và hoạt động bàn giao bất động sản.

Nhóm phân tích dự phóng doanh thu năm nay của Tổng công ty đạt 12.684 tỷ đồng, tăng 46,9% svck. Tuy nhiên do không còn ghi nhận doanh thu tài chính đột biến từ đánh giá lại khoản đầu tư, lãi ròng dự phóng giảm 15,6% svck xuống 748 tỷ đồng.

VCBS đồng thời đánh giá cao triển vọng dài hạn của doanh nghiệp trong việc tái khẳng định vị thế ở lĩnh vực xây lắp – phát triển hạ tầng và tham vọng phát triển các dự án bất động sản quy mô lớn. 

Đồng quan điểm, phía CTCK Mirae Asset (MAS) nhận thấy trên bối cảnh kế hoạch thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ trong năm 2023, Vinaconex đã được Bộ Giao thông Vận tại chỉ định là nhà thầu thực hiện thêm 4 gói thầu trong dự án đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Ước tính giá trị riêng của các gói thầu này vào khoảng 8.000 tỷ đồng (350 triệu USD) trong giai đoạn 2023 - 2025.

Vì nguồn vốn lấy từ vốn đầu tư công nên các khoản thanh toán sẽ được đảm bảo, dòng tiền sẽ được cải thiện đáng kể, qua đó giảm rủi ro thanh khoản cho Vinaconex trong 2 năm tới. MAS đánh giá phân khúc này là điểm sáng nhất của Tổng công ty trong giai đoạn 2023 - 2024.

Tuy nhiên, không loại trừ rủi ro, các chuyên gia cũng lo ngại dự án Cát Bà Amatina chiếm phần lớn hàng tồn kho và tài sản dở dang dài hạn (ước tính tổng giá trị khoảng 7.000 tỷ đồng) có thể làm trì trệ bảng cân đối kế toán, tiêu tốn nhiều vốn đầu tư và chi phí của Vinaconex khi nhu cầu của thị trường vẫn còn yếu. 

Năm 2023, nhóm phân tích dự phóng doanh thu thuần của Vinaconex sẽ đạt 13.500 tỷ đồng, lãi ròng 816 tỷ đồng, lần lượt tăng xấp xỉ 60% và 4,3% svck năm ngoái.