HoREA kiến nghị sớm sửa đổi nghị định về giá đất

Đông Bắc 14:39 | 01/01/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Để gỡ vướng cho hàng trăm dự án bất động sản, Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) đề nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44 quy định về giá đất.

 

Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023 nhưng chưa được các Bộ, ngành thực hiện.

Theo HoREA, năm 2023 là năm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, Tổ công tác của Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã cùng các địa phương tập trung nỗ lực rất lớn để “giải cứu” thị trường bất động sản, tiếp xúc các doanh nghiệp đang gặp vướng mắc, khó khăn để cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Nhờ đó, thị trường bất động sản hiện nay tuy vẫn còn rất khó khăn nhưng đã đi qua “vùng đáy”và đang trong quá trình dần phục hồi và có thể phát triển vững vàng hơn từ nửa cuối năm 2024 trở đi.

 

 HoREA kiến nghị sớm sửa đổi nghị định về giá đất. Ảnh BĐS.

Năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng trăm Nghị quyết, Nghị định, Quyết định, văn bản chỉ đạo điều hành, công điện, tổ chức nhiều hội nghị để lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, người dân, Hiệp hội và các chuyên gia. Điển hình là Nghị quyết 33/NQ-CP và Nghị quyết 97/NQ-CP của Chính phủ đã xác định tổng thể các giải pháp, đặc biệt là quan điểm “Tất cả các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm; chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch và bền vững”…

Tuy nhiên HoREA nhận thấy, vẫn còn một số ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023 nhưng chưa được các Bộ, ngành thực hiện đầy đủ.

Trong đó, Hiệp hội nhận thấy do bất cập của một số quy định của Nghị định 44/2014/NĐ-CP trong công tác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dẫn đến hàng trăm dự án bất động sản, nhà ở thương mại trong cả nước không thể hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước nên không thể thực hiện được thủ tục cấp “sổ hồng” cho khách hàng, vừa làm phát sinh khiếu kiện gây mất trật tự xã hội, vừa làm thất thu ngân sách nhà nước, vừa không bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng là chủ sở hữu nhà, vừa làm thiệt hại cho chủ đầu tư dự án, bị ảnh hưởng uy tín thương hiệu và không thu được số tiền 5% giá trị hợp đồng còn lại, mà việc bị chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà không phải do “lỗi” của chủ đầu tư.

Trong khi chờ đợi Quốc hội xem xét thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), để xử lý vướng mắc này mà vẫn phải bảo đảm phù hợp với Luật Đất đai 2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 965/CĐ-TTg ngày 13/10/2023 và Công điện 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023 yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường “khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định phương pháp định giá đất trong tháng 10/2023”.

Trong lúc Bộ Tài nguyên Môi trường đã trình Dự thảo Nghị định này vào cuối tháng 10/2023 và đã được các thành viên Chính phủ cho ý kiến, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo sớm ban hành “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất” để tháo gỡ vướng mắc về công tác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho hàng trăm dự án bất động sản, nhà ở thương mại để bảo đảm không thất thu ngân sách nhà nước, để cấp “sổ hồng” cho khách hàng và để chủ đầu tư dự án hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm đối với Nhà nước và khách hàng.

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP HCM cũng có kiến nghị sửa đổi một số điều, khoản Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, HoREA đề xuất tạo điều kiện cho nhà đầu tư được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với các loại đất phù hợp quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Theo HoREA, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được cho là có một số bất cập, hạn chế, thậm chí chưa phù hợp, như đối với trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại thì được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất ở. Mặt khác, trường hợp để thực hiện dự án nhà ở thương mại thì phải đang có quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác chỉ có 1 trường hợp “được thỏa thuận về nhận chuyển quyền sử dụng đất” đối với “đất ở” và 2 trường hợp “đang có quyền sử dụng đất” đối với “đất ở” hoặc “đất ở và đất khác” thì mới được sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Đồng thời, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lại cho phép trường hợp dự án nhà ở thương mại “có diện tích đất do Nhà nước quản lý thì được đưa vào tổng diện tích đất để lập dự án và được Nhà nước thu hồi để giao, cho thuê cho nhà đầu tư không phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư”.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng “đất ở” hoặc “đất ở và đất khác” hoặc “đất khác không phải là đất ở” phù hợp quy hoạch sử dụng đất, đô thị, xây dựng, chương trình phát triển nhà ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ.

Điều này sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn, có năng lực đầu tư phát triển các dự án nhà ở, khu đô thị có quy mô diện tích lớn lên đến hàng chục, vài chục, hàng trăm, hàng nghìn ha, để vừa có kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, vừa có nhiều tiện ích, dịch vụ đô thị.