Huawei sống ra sao trước sự cấm vận mọi phía của Mỹ?

06:59 | 28/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Năm 2019 có lẽ là một thời điểm không thể quên đối với Huawei khi tập đoàn công nghệ Trung Quốc bị nước Mỹ dưới thời tổng thống Trump cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia. Sau đó là một loạt các lệnh trừng phạt liên quan đến hệ điều hành và lệnh cấm tiếp cận các công nghệ chip mới, gây thiệt hại hàng chục tỷ USD cho doanh nghiệp.

Kể từ năm 2019 định mệnh, Huawei dần phải học cách đặt việc sinh tồn lên hàng đầu. Đồng thời phải ra phương hướng kinh doanh mới, thích nghi với các lệnh cấm vận từ phía Mỹ. 

Trả lời AP, ông Eric Xu, Chủ tịch luân phiên của Huawei đã phải thừa nhận không thể hình dung nổi doanh nghiệp này sẽ tồn tại như thế nào trong 5 hoặc 10 năm tới và chỉ có thể hy vọng Huawei vẫn tồn tại vào thời điểm đó. 

Mạnh dạn đầu tư vào loạt lĩnh vực mới 

Trước thiệt hại ước lên đến 30 tỷ USD từ các lệnh cấm, Huawei bắt buộc phải tiến hành tái cấu trúc, bán một số đơn vị để đảm bảo cho sự tồn tại của mình. Lãnh đạo của Huawei đã xác định hướng đi mới của hãng là "khám phá các bộ phận kinh doanh không phụ thuộc vào chuỗi cung ứng chip".

Đầu tư chủ đạo vào công nghệ trên nền loạt lĩnh vực mới : Dự đoán việc Mỹ gạch tên khỏi danh sách cấm vận là rất thấp, cho nên Huawei đã nhắm đến đầu tư vào ngành nông nghiệp. Nhưng khác với hướng đi truyền thống, vào hồi tháng 3 doanh nghiệp này đầu tư vào dự án ứng dụng AI vào việc chăn nuôi lợn. Bên cạnh đó, mô hình trang trại sử dụng công nghệ của Huawei cũng đã có khách hàng, đó là một trại cá  lớn ở phía đông Trung Quốc.

Tòa nhà trụ sở Huawei tại Thâm Quyến, Trung Quốc

Nơi đây này bao quanh bởi hàng chục nghìn pin năng lượng mặt trời sử dụng biến tần inverter của Huawei, vừa che nắng cho cá vừa tạo ra điện năng. Cách đó 600 km về phía tây, ở tỉnh Sơn Tây, các cảm biến và camera không dây của Huawei đặt sâu trong lòng đất có nhiệm vụ theo dõi mức oxy và lỗi máy móc trong hầm mỏ - theo báo cáo của Bloomberg

Huawei cũng để ý tới lĩnh vực ô tô thông minh và tự định vị là nhà cung cấp giải pháp và linh kiện cho xe thông minh, như dịch vụ điện toán đám mây, buồng lái thông minh... Khoảng thời gian đầu năm 2021, Huawei và đối tác thử nghiệm con đường thông minh có thể tương tác với xe tự lái tại tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Xe buýt không người lái với hệ thống camera và cảm biến gắn trên nóc sẽ liên tục trao đổi tín hiệu và nhận thông tin từ môi trường xung quanh, như đèn giao thông, biển báo đặt trên phố... Huawei từng tuyên bố công nghệ xe tự lái cho phép chạy hơn 1.000 km đã vượt mặt Telsa của Mỹ.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đang phát triển dịch vụ đám mây, nhắm đến trở thành nhà cung cấp hàng đầu trên thế giới. Hãng cũng quyết định "dốc toàn lực" để vượt Alibaba Cloud trước 2025. Đến quý 4/2020, theo IDC, thị phần đám mây của Huawei ở Trung Quốc đã ngang bằng với Tencent là 11%. Điều này thể hiện sự trỗi dậy mạnh mẽ của hãng khi chỉ một năm trước, họ còn thứ năm trong lĩnh vực này với vòn vẹn 5,2%.

"Tự lực cánh sinh" sản xuất chip: Huawei đang đẩy mạnh đầu tư vào các công ty sản xuất chip Trung Quốc để bù đắp cho sự mất mát nguồn cung từ lệnh trừng phạt của Mỹ. Nikkei Asia cho biết tính đến đầu năm nay, hãng đã tiến hành mua lại, sáp nhập 20 công ty liên quan đến lĩnh vực này, như công cụ thiết kế chip, vật liệu bán dẫn, thiết bị sản xuất và kiểm thử... 

Digitimes cho biết, Huawei sẽ xây dựng nhà máy đầu tiên của HiSilicon ở Vũ Hán để sản xuất tấm wafer - thành phần quan trọng trong chế tạo chip. Ngoài ra, các dây chuyền cũng giúp hãng tự thiết kế chip và các mô-đun, vi mạch. Đây là động thái giúp Huawei tăng khả năng "tự cung tự cấp" sau khi bị cắt mối quan hệ với TSMC. 

Nhắm đến năng lượng tái tạo:  Đây cũng là một lĩnh vực mà ban lãnh đạo Huawei chuyển hướng đầu tư sau cuộc khủng hoảng năm 2019,  trong sự kiện Huawei Connect 2021 tuần trước, hãng cho biết đang đầu tư vào các đổi mới sáng tạo để "hội tụ điện tử công suất với công nghệ kỹ thuật số", nhằm thúc đẩy năng lượng sạch và số hóa năng lượng truyền thống, cung cấp các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hơn cho ngành ICT carbon thấp.

Sự trở về của "công chúa" và nỗ lực trở lại thị trường di động

Ngày 24/9 vừa qua, Giám đốc tài chính (CFO) Huawei Mạnh Vãn Chu, người được biết đến là con giá nhà sáng lập và CEO của Huawei Nhậm Chính Phi đã được trả tự do sau gần 3 năm bị bắt giữ tại phiên tòa ở thành phố Vancouver của Canada, chỉ vài giờ sau khi các công tố viên Mỹ tại New York bất ngờ công bố một thỏa thuận đình chỉ các cáo buộc gian lận đối với bà. 

Hai cha con ông Nhậm Chính Phi và bà Mạnh Vãn Chu

Mặc dù không còn đóng góp nhiều vai trò với tập đoàn trong khoảng thời gian ở Canada nhưng sự kiện trên dường như sẽ là một cú hích tinh thần lớn đối với Huawei sau những căng thẳng với Mỹ. Ít nhất, cái tên Huawei sẽ chiếm sóng truyền thông trong nước và quốc tế trong những ngày tới và doanh nghiệp này chắc chắn sẽ không rơi vào quên lãng, bất chấp những nỗ lực bóp nghẹt từ Hoa Kỳ. 

Trước đó, hãng đã rục rịch chiêu mộ nhân lực trên toàn cầu nhằm chờ ngày trở lại thị trường điện thoại thông minh toàn cầu. "Huawei sẽ tiếp tục tồn tại trong lĩnh vực điện thoại di động", Chủ tịch Huawei Guo Ping cho biết trong một cuộc họp với nhân viên hồi giữa tháng 8. Ông này hy vọng, khi năng lực sản xuất chip tăng lên, Huawei sẽ trở lại vị thế trên thị trường smartphone. 

Ông Nhậm Chính Phi cũng cho biết thêm, bất chấp những đòn chừng phạt từ Mỹ, không có cuộc khủng hoảng nào diễn ra tại Huawei. Công ty chưa bao giờ thay đổi chính sách về lương thưởng cho nhân viên. Theo báo cáo thường niên năm 2020, hãng hiện có 197.000 nhân viên trên toàn thế giới.

Vẫn còn những lợi thế và "vũ khí" bí mật

Dù nhắm nhiều biện pháp trừng phạt với Huawei nhưng phía Mỹ cũng chịu thiệt hại không ít. Bởi giải pháp O-RAN - Mạng truy cập vô tuyến mở nhằm giúp cơ sở hạ tầng 5G có thể không còn bị phụ thuộc vào nhu cầu về phần cứng độc quyền đắt tiền. Từ đó, Mỹ mơ về một ngày O-RAN có thể cung cấp một giải pháp thay thế cho một số thiết bị do Huawei sản xuất.

Tuy nhiên, hiện O-RAN vẫn chưa vượt qua các thử nghiệm ban đầu. Những đối thủ cạnh tranh của Huawei như Ericsson hay Nokia dần rút khỏi cuộc chơi công nghệ do Mỹ khởi xướng. 

Ảnh minh họa trạm 5G của Huawei

Thực tế cho thấy thị trường viễn thông 5G của Trung Quốc đối với Nokia hay Ericsson lớn hơn rất nhiều so với Mỹ. Đó là lý do các công ty quốc tế lớn như Ericsson, Nokia sẵn sàng bỏ qua O-RAN và nỗ lực của Mỹ để giành lấy miếng bánh béo bở ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Trong cuộc đua công nghệ 6G, Huawei và Chính phủ Trung Quốc đã rục rịch hành động so với Mỹ hay châu Âu đang muốn vượt mặt họ sau khi thất bại với 5G. Mạng di động thế hệ thứ 6 (6G) hiện vẫn ở giai đoạn sơ khai. Tuy nhiên, công nghệ này hứa hẹn mở ra cánh cửa cho các ứng dụng sử dụng Internet tốc độ siêu cao, bao gồm trong các lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ và khoa học Trái đất.

Ông Nhậm Chính Phi từng mạnh dạn tuyên bố: công ty sẽ đặt ra những tiêu chuẩn toàn cầu về công nghệ 6G.

Đồng thời cũng cho biết doanh nghiệp đang nắm giữ nhiều bằng sáng chế đạt tiêu chuẩn SEP cho công nghệ 5G hơn tất cả các công ty khác, cung cấp khả năng truyền dữ liệu nhanh hơn, ảnh hưởng đến mọi thứ từ ô tô tự lái đến việc phát sóng trực tiếp. SEPs bao gồm công nghệ được sử dụng trong các tiêu chuẩn toàn ngành và cần thiết để sản xuất các thiết bị tuân thủ các tiêu chuẩn đó.

 

Mặc dù từng "mạnh miệng" nói rằng đã quen với các lệnh trừng phạt từ Mỹ, nhưng dường như , các lĩnh vực kinh doanh liên quan đến công nghệ 5G mới của họ không thể bù đắp những thiệt hại từ hoạt động kinh doanh thiết bị cầm tay. 

Theo ông Eric Xu - Chủ tịch luân phiên của Huawei thì doanh thu điện thoại thông minh của Huawei đạt khoảng 50 tỷ USD vào năm ngoái, nhưng trong nửa đầu năm 2021 doanh thu sụt giảm mạnh nhất từ trước đến nay, đạt 320,4 tỷ nhân dân tệ (49,57 tỷ USD).