Hưởng lợi tỷ giá, Cao su Đà Nẵng (DRC) báo lãi tăng gấp rưỡi

Trang Mai 16:04 | 18/07/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tỷ giá tăng cao cùng với chính sách bán hàng hiệu quả là nguyên nhân chính giúp lợi nhuận quý II của CTCP Cao su Đà Nẵng (mã: DRC) tăng gấp rưỡi cùng kỳ, trong bối cảnh doanh thu đạt mức cao nhất kể từ khi hoạt động.

Ghi nhận trong BCTC hợp nhất quý II, DRC đạt doanh thu 1.364 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ, đây cũng là mức cao nhất kể từ khi hoạt động của doanh nghiệp này. 

Giá vốn tăng chậm hơn giúp biên lãi gộp quý II ghi nhận 20%, đạt 274 tỷ đồng và cao hơn nhiều so với mức 12,5% của quý II/2023.

Trong kỳ, công ty cũng hưởng lợi từ hoạt động tài chính khi nguồn thu này tăng 34%, mang về 18 tỷ đồng, chủ yếu là lãi chênh lệch tỷ giá đã thực hiện. 

Tuy nhiên, chi phí bán hàng cũng tăng gần 100 tỷ đồng, tương đương 155% lên 159 tỷ đồng, nhưng lãi ròng vẫn tăng 52%, đạt 77 tỷ đồng. Kết quả khả quan trên dù vẫn thấp hơn mức 96 tỷ đồng của quý cuối năm 2023 nhưng đã hồi phục trở lại sau quý đầu năm nay với lợi nhuận 46 tỷ đồng. 

 

Tổng Giám đốc DRC Lê Hoàng Khánh Nhựt cho biết, lợi nhuận quý II của DRC tăng mạnh là nhờ công ty đẩy mạnh chính sách bán hàng làm tăng doanh thu tiêu thụ. Đồng thời, tỷ giá hối đoái tăng cao từ đầu năm, góp phần giúp DRC nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Nói về tác động tỷ giá, lãnh đạo công ty cho biết, DRC có tỷ trọng xuất khẩu chiếm 65-70%, trong khi việc nhập khẩu nguyên vật liệu chiếm 35% nên công ty đang xuất siêu, do đó tỷ giá tăng mang lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Lũy kế 6 tháng, DRC lãi ròng 127 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ, thực hiện 56% kế hoạch đề ra. Trong khi đó, doanh thu 2.300 tỷ đồng, hoàn thành 46% mục tiêu. DRC đặt kế hoạch lợi nhuận năm nay thấp hơn năm ngoái là công ty sản xuất nhiều sản phẩm mới (như PCR) nên phải đầu tư nhiều hơn cho chính sách bán hàng mới và giá cả phải phù hợp bởi đang trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt. Chưa kể, dự án nhà máy Radial giai đoạn 3 đi vào hoạt động sẽ làm tăng chi phí khấu hao tài sản cố định.

Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán VIETCAP, biên lợi nhuận gộp của DRC trong 6 tháng qua đã tăng 7,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Lợi nhuận của DRC tăng chủ yếu nhờ hàng tồn kho có chi phí thấp hơn được mua trong các quý trước sau khi giá nguyên vật liệu hạ nhiệt từ mức đỉnh vào năm 2022.

Nhận định về tình hình năm nay, công ty kỳ vọng việc giải ngân đầu tư công từ Chính phủ sẽ tác động đến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm săm lốp. Về thị trường xuất khẩu, nếu đáp ứng nhu cầu thị trường Mỹ thì sản lượng tiêu thụ sẽ gấp 2-3 lần hiện nay. Còn đối với Brazil, sản phẩm vào nước này sẽ khó cạnh tranh hơn do thuế nhập khẩu tăng nhưng không vì thế mà DRC sẽ giảm sản lượng vào quốc gia Nam Mỹ.

Với DRC, thách thức trong năm 2024 còn đến từ giá xăng dầu trở lại mức cao, góp phần làm tăng giá cao su tổng hợp (nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp) và chi phí vận chuyển.

Thêm nữa, từ ngày 1/1, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu săm lốp, pin, ắc quy, dầu nhớt và bao bì của một số sản phẩm sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ, quy cách bắt buộc. Điều này áp dụng đối với các doanh nghiệp có tổng doanh thu từ bán hàng, dịch vụ và giá trị nhập khẩu của năm trước lần lượt trên 30 tỷ đồng và 20 tỷ đồng.

DRC cho biết không nằm ngoài phạm vi trên, đồng thời thừa nhận cần nâng cao năng lực sản xuất nhà máy đắp lốp của công ty - đơn vị chuyên tái chế các sản phẩm lốp đã qua sử dụng.

Hướng đến năm 2025 và 2030, DRC đang đánh giá tính khả thi và thực hiện dự án nhà máy sản xuất công suất 4 triệu lốp PCR/năm và 1 triệu lốp TBR/năm.

Về tình hình tài sản, so với đầu năm, tổng tài sản DRC tăng thêm 287 tỷ đồng tính tại thời điểm cuối quý II, lên gần 3.700 tỷ đồng. Trong đó chiếm phần lớn là phải thu ngắn hạn từ khách hàng 681 tỷ đồng, tăng 68%. Chi phí phải trả ngắn hạn cũng tăng đáng kể, từ 20 tỷ đồng lên 190 tỷ đồng. Dự phòng phải trả ngắn hạn tăng mạnh từ 1 tỷ đồng lên 32 tỷ đồng nhưng không được diễn giải chi tiết trong thuyết minh. 

Tiền mặt và các loại tiền gửi ghi nhận 385 tỷ đồng, giảm 15% từ đầu năm. Hàng tồn kho còn 1.118 tỷ, giảm nhẹ. 

DRC ghi nhận nợ phải trả hơn 1.800 tỷ đồng kết thúc quý II. Vay và nợ thuê tài chính chiếm gần ⅓ với hơn 690 tỷ. Chi phí lãi vay trong nửa đầu năm là gần 8 tỷ đồng.