Liên tục giảm giá để cạnh tranh với lốp Trung Quốc, Cao su Đà Nẵng (DRC) báo lãi quý II giảm mạnh
Theo báo cáo tài chính quý II vừa công bố, DRC ghi nhận doanh thu 1.162, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, biên lãi gộp chỉ đạt 10%, bằng một nửa so với quý II/2022. Nguyên nhân là bởi giá vốn tăng đến 8%, lên hơn 1.016 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp theo đó giảm 29%, còn hơn 145 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính cũng giảm đến 25%, còn hơn 13 tỷ đồng, do lãi từ tiền gửi không bằng quý II năm trước. Bù lại, chi phí tài chính giảm 28%, về mức 13 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cũng được tiết giảm 23%, xuống còn 62 tỷ đồng.
Sau thuế, doanh nghiệp báo lãi 51 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ. Theo giải trình, DRC cho biết lợi nhuận giảm chủ yếu do sức tiêu thụ của thị trường nội địa vẫn chưa phục hồi, tỷ trọng xuất khẩu trong tổng doanh thu tăng so với năm ngoái ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu.
Trong phân tích doanh nghiệp ngày 22/6 vừa qua, chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, ngoài việc sức mua nội địa yếu, sự cạnh tranh với lốp Trung Quốc đã khiến DRC phải liên tục giảm giá sản phẩm. Bù lại, sản lượng xuất khẩu tốt nhờ DRC nỗ lực mở rộng các thị trường mới bù đắp cho sản lượng tại thị trường Brazil bị giảm mạnh, tuy nhiên giá thành không được như kỳ vọng. (Tại Brazil, DRC gặp áp lực cạnh tranh do quốc gia này tái áp thuế chống bán phá giá từ 0% lên mức 16% nhằm bảo hộ cho ngành săm lốp nội địa của mình. Brazil chiếm tỷ trọng 50-60% doanh thu xuất khẩu của DRC, hiện nay giảm chỉ còn xấp xỉ 30%. Trong khi đó tại Brazil DRC giảm giá sản phẩm khoảng 5%).
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, DRC ghi nhận 2.274 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi trước thuế bị kéo giảm một nửa, xuống 92 tỷ đồng. Năm 2023, DRC lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần 5.060 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 330 tỷ. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành gần một nửa kế hoạch doanh thu và 28% mục tiêu lợi nhuận.
Đại ĐHĐCĐ năm 2023 vừa diễn ra, trả lời cổ đông về việc lên kế hoạch doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm, lãnh đạo DRC cho biết tình hình năm nay được dự báo là rất khó khăn, đặc biệt là tình hình vĩ mô còn khó hơn năm 2022. Công ty đã có thể sản xuất lốp Radial vượt công suất thiết kế nhiều nhưng cũng cần thời gian để hấp thu hết sản lượng đó. Hiện nay thị trường vẫn đang đối mặt với khủng hoảng thừa khi nguồn cung từ các doanh nghiệp tăng mạnh, nhất là khi Trung Quốc cũng đã chấm dứt chính sách Zero covid.
"Với tình hình khó khăn như vậy, thì chỉ tiêu doanh thu đặt ra là phù hợp. Khi các nhà máy của Trung Quốc chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam, Thái Lan và các nước Đông Nam Á, thì chúng ta đã phải cạnh tranh rất gay gắt với lốp Trung Quốc ngay trên sân nhà và thị trường xuất khẩu, giá của sản phẩm Trung Quốc rất rẻ, vì vậy mà hiệu quả của chúng ta cũng giảm sút nhiều. Chỉ tiêu lợi nhuận cũng phải cần đối giữa doanh thu và yếu tố chi phí đầu vào để đưa ra kế hoạch hợp lý" - Lãnh đạo DRC cho hay.
Trong báo cáo doanh nghiệp ngày 22/6 vừa qua, VCBS dự phóng doanh thu thuần của DRC trong 2023 sẽ đạt 5.319 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 208 tỷ đồng, giảm 32,5% với giả định sản lượng radial tiêu thụ đạt 820.900 lốp, tăng 12% và bias đạt 530.400 chiếc, giảm 13,6%. Thêm vào đó, giá bán trung bình tăng 5% và biên lợi nhuận gộp đạt mức 14,7%, giảm 1,9% so với năm 2022 do tỷ trọng lốp nội địa bị sụt giảm và tỷ trọng lốp xuất khẩu tăng lên cao.
Chuyên gia cho rằng biên gộp DRC sẽ được cải thiện nhờ vào giá nguyên vật liệu đầu vào đặc biệt là giá cao su tự nhiên ở vùng thấp trong 2 năm vừa qua; nhà máy radial đang hoạt động vượt công suất thiết kế. Ngoài ra, biên lãi còn được hỗ trợ do chi phí khấu hao nhà máy giai đoạn 3 chưa ảnh hưởng đến lợi nhuận năm 2023.
VCBS kỳ vọng xuất khẩu sang thị trường Brazil sẽ khởi sắc hơn cho những tháng tiếp theo. Hiện nay DRC đang hoàn thiện lắp đặt máy móc thiết bị để có công suất 1 triệu lốp PCR cho thị trường này.
Về việc tìm kiếm thị trường mới để cải thiện tình hình, DRC cho biết vẫn đẩy mạnh các biện pháp tiêu thụ trong nước và tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu mới để đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ, đặc biệt là Mỹ. Đồng thời đưa ra những dòng sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu sử dụng của khách hàng. Tuy nhiên tất cả đều là dự kiến, tất cả còn phụ thuộc vào thị trường.
Về tình hình tài chính, tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của DRC ghi nhận 3.124 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt và tiền gửi 324 tỷ đồng, giảm hơn 40 tỷ so với đầu năm. Khoản phải thu khách hàng tăng gần gấp đôi lên 425 tỷ đồng. Hàng tồn kho còn 1.268 tỷ đồng, đã bao gồm hơn 19 tỷ dự phòng giảm giá.
Tài sản dài hạn của DRC tính đến hết quý II là 976 tỷ đồng, trong đó hơn 90% là tài sản cố định.
Bên kia bảng cân đối, doanh nghiệp cao su ghi nhận tổng nợ vay cả ngắn hạn và dài hạn giảm 21%, còn 545 tỷ đồng. Đây cũng là khoản chiếm tỷ trong lớn nhất trong cơ cấu nợ phải trả của doanh nghiệp. Ngoài ra, DRC còn 470 tỷ nợ phải trả người bán ngắn hạn và 116 tỷ đồng phải trả người lao động.
Vốn chủ sở hữu tính đến 30/6/2023 là 1.741 tỷ đồng, bao gồm 1.188 tỷ vốn đầu tư của chủ sở hữu, 463 tỷ ở các quỹ và 88 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.