Doanh nghiệp cao su giảm lãi trong quý III dù doanh thu tăng đáng kể

Trang Mai 16:57 | 02/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tính đến nay, đa số doanh nghiệp cao su đã hoàn thành báo cáo kết quả kinh doanh quý III. Theo đó, dù doanh thu hầu hết doanh nghiệp đã tăng so với cùng kỳ, lợi nhuận ròng lại giảm mạnh khi giá vốn "nhảy múa".

Theo Bộ Công thương, ước tính trong tháng 9 xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 210.000 tấn, trị giá 305 triệu USD, giảm 4,2% về lượng và giảm hơn 8% về trị giá so với tháng 8. Tuy nhiên so với tháng 9/2021 vẫn tăng 16% về lượng và tăng 2% về trị giá. Lũy kế tính đến hết tháng 9 của năm 2022, xuất khẩu cao su đạt khoảng 1,41 triệu tấn, trị giá 2,32 tỷ USD, tăng 9,7% về lượng và tăng 7,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy xuất khẩu tăng cả về lượng và giá, báo cáo kết quả kinh doanh quý III và lũy kế 9 tháng đầu năm của nhiều doanh nghiệp cao su lại ghi nhận lãi gộp và lãi ròng đi xuống. Giải trình về xu hướng này, các doanh nghiệp cao su đều nhận định tình hình kinh tế chung biến động theo chiều hướng giảm đã tác động đến kết quả kinh doanh; trong khi đó, hàng loạt chi phí đồng loạt tăng mạnh làm lợi nhuận gộp giảm. 

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (HOSE: GVR) ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ quý III/2022 đạt 5.847 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Trừ 4.267 tỷ đồng giá vốn, doanh nghiệp thu về 1.580 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Biên lãi gộp đạt 27%, giảm so với mức 34% của quý III/2021. Sau thuế, GVR báo lãi ròng 994 tỷ đồng, giảm 37%. 

Dù tập đoàn kinh doanh nhiều ngành nghề, thế nhưng doanh thu sản xuất và kinh doanh mủ cao su vẫn đóng góp lớn nhất vào tổng doanh thu  với hơn 3.853 tỷ đồng. 

Luỹ kế 9 tháng, GVR ghi nhận doanh thu thuần 16.302 tỷ đồng, giảm nhẹ hơn 2% so với 9 tháng 2021. Theo đó, lãi ròng cũng giảm 8,6%, xuống còn 3.487 tỷ đồng. Theo giải trình, lãi ròng của GVR giảm ngoài theo biến động chung của thị trường còn do các đơn vị trích lập dự phòng do suy giảm giá trị đồng Kíp của Lào tại kỳ lập báo cáo. 

Tính đến 30/9, GVR ghi nhận tổng tài sản 79.587 tỷ đồng, tăng 573 tỷ đồng từ đầu năm. Trong đó, tiền, các khoản tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm tới 15.565 tỷ đồng, tương đương 63,7% tài sản ngắn hạn và 20% tổng tài sản. 

Bên kia bảng cân đối tài chính, GVR ghi nhận nghĩa vụ nợ 24.741 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn 7.759 tỷ đồng, chiếm 31% tổng nợ. Đến hết quý III, tập đoàn có vốn chủ sở hữu 54.846 tỷ đồng, tăng 5,6% từ đầu năm. 

CTCP Cao su Phước Hòa (HOSE: PHR) ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ quý III đạt 523 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp đạt 31%, giảm so với mức 38% của quý III năm ngoái. Sau thuế, doanh nghiệp báo lãi 140 tỷ đồng, giảm mạnh 72%. 

Luỹ kế 9 tháng, PHR ghi nhận doanh thu thuần 1.132 tỷ đồng, giảm 11% và lãi ròng ghi nhận 495 tỷ đồng, tăng 46% so với 9 tháng 2021. 

Tổng tài sản doanh nghiệp tính đến 30/9 ghi nhận 5.988 tỷ đồng, không thay đổi nhiều từ đầu năm. Trong đó tiền, các khoản tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm 1.902 tỷ đồng, tương đương 32% tổng tài sản. 

Ngoài ra, PHR ghi nhận nghĩa vụ nợ 2.399 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn 345 tỷ đồng, chiếm 14% tổng nợ. Đến hết quý III, tập đoàn có vốn chủ sở hữu 3.589 tỷ đồng, tăng 480 tỷ đồng so với đầu năm.

 

Đi ngược xu hướng giảm lãi của nhiều doanh nghiệp trong ngành, CTCP Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC) báo doanh thu thuần quý III đạt 1.353 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước và biên lãi gộp đạt 17%, tăng nhẹ so với 14% quý III năm ngoái. Sau thuế, doanh nghiệp báo lãi ròng 77 tỷ đồng, tăng mạnh 126%. 

Luỹ kế 9 tháng, DRC ghi nhận doanh thu thuần 3.784 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.  Lãi ròng lũy kế 9 tháng ghi nhận mức tăng 11%, đạt 227 tỷ đồng.

Tổng tài sản doanh nghiệp tính đến 30/9 ghi nhận 3.532 tỷ đồng, tăng 12,6% từ đầu năm. Trong đó tiền, các khoản tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm 469 tỷ đồng, tương đương 13% tổng tài sản. 

Ngoài ra, DRC ghi nhận nghĩa vụ nợ 1.704 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn 797 tỷ đồng, chiếm 47% tổng nợ. Đến hết quý III, tập đoàn có vốn chủ sở hữu 1.828 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm.

 

 

 

Nhìn ra các doanh nghiệp trong ngành, do tác động của thị trường, đa phần các doanh nghiệp sản xuất mủ cao su đều chứng kiến sự sụt giảm về biên lãi gộp so với cùng kỳ. Doanh nghiệp có mức giảm mạnh nhất là Cao su Bà Rịa (UPCoM: BRR) khi biên lãi gộp giảm từ 51% xuống chỉ còn 16% trong quý III vừa qua. 

 

Mặt khác, vẫn có doanh nghiệp vẫn giữ được đà tăng của biên lãi gộp như: Cao su Đồng Phú (HOSE: DPR), Cao su Hòa Bình (HOSE: HRC) Cao su Thống Nhất (HOSE: TNC), Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC) Trong đó, chỉ có HRC và DRC là biên lãi gộp tăng nhờ hoạt động kinh doanh cao su, trong khi đó TNC chủ yếu nhờ hoạt động kinh doanh chuối, còn DPR không thuyết minh rõ.

Một khoản mục khác cũng đáng chú ý của doanh nghiệp cao su là chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn, khi chiếm tỷ trọng lớn nhất trong khoản mục này là các vườn cây kiến thiết cơ bản của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp cao su lại có xu hướng thanh lý dần các vườn cao su lâu đời, nhờ đó tăng giá trị của khoản mục lợi nhuận khác trên bảng báo cáo kết quả kinh doanh.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS: 400280), Latex, SVR 3L, SVR 10, RSS3, SVR CV60… Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 56,4% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước.

Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99,7% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước. Trong năm 2022, nhiều chủng loại cao su xuất khẩu đều tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đáng chú ý như: Cao su tổng hợp, SVR20, Latex, Skim block, SVR10, cao su tái sinh, RSS3, SVR3L…

Giá hợp đồng tương lai cao su tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), loại hợp đồng 5 tấn, từ đỉnh 1,35 triệu yên/hợp đồng tại phiên 24/06 đã giảm liên tiếp trước khi tạo đáy vào phiên 16/09 ở mức gần 1,1 triệu yên/hợp đồng, tương đương giảm hơn 20% từ đỉnh. Giá hợp đồng tương lai cao su hiện đang có dấu hiệu phục hồi khi về lại mức 1.12 triệu yên/hợp đồng trong phiên 26/10.