Huyện Đông Anh sẽ lên quận với 24 phường, giá đất từng khu ra sao?

Đông Bắc 13:56 | 06/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại Kỳ họp thứ 12 diễn ra ngày 4/7, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận Đông Anh.

 

Theo đề án, Nghị quyết quyết nghị thành lập quận Đông Anh, thành phố Hà Nội và 24 phường trên cơ sở nguyên trạng 185,68 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 437.308 người của huyện Đông Anh hiện có.

Trên địa bàn huyện có 2 tuyến đường sắt chạy qua là các tuyến nối trung tâm thành phố Hà Nội với tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Lào Cai; đặc biệt địa bàn huyện cách Sân bay quốc tế Nội Bài 13 km - cửa ngõ thông thương với quốc tế đã tạo cho Đông Anh nhiều lợi thể phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội.

 Hà Nội chốt đưa huyện Đông Anh lên quận. Ảnh HNM.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 xác định Đông Anh là khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Bắc thành phố Hà Nội với chức năng phát triển thương mại, giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, du lịch sinh thái, giải trí gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống khu di tích Cổ Loa, khai thác cảnh quan sông Thiếp và đầm Vân Trì; trung tâm triển lãm, thương mại Hà Nội (EXPO) và vui chơi giải trí của Thành phố.

Khi trở thành quận, Đông Anh có 24 phường gồm: Đông Anh, Bắc Hồng, Cổ Loa, Đại Mạch, Đông Hội, Dục Tú, Hải Bối, Kim Chung, Kim Nỗ, Liên Hà, Mai Lâm, Nam Hồng, Nguyên Khê, Tàm Xá, Thụy Lâm, Tiên Dương, Uy Nỗ, Vân Hà, Vân Nội, Việt Hùng, Vĩnh Ngọc, Võng La, Xuân Canh, Xuân Nộn.

Về địa giới hành chính, phía đông quận giáp TPTừ Sơn và huyện Yên Phong (Bắc Ninh); phía tây giáp huyện Mê Linh và huyện Đan Phượng; phía nam giáp huyện Gia Lâm, quận Long Biên; phía bắc giáp huyện Sóc Sơn với ranh giới là sông Cà Lồ.

Hiện, Đông Anh đã đạt 5/5 tiêu chí thành lập quận và 4/4 tiêu chí lập phường, gồm các tiêu chí: hạ tầng xã hội; kỹ thuật đô thị; vệ sinh môi trường; kiến trúc cảnh quan...

Giá đất Đông Anh ra sao trước thềm lên quận?

Trước đó, giai đoạn 2018 - 2019, khi xuất hiện thông tin Hà Nội nâng cấp 4 huyện vùng ven lên quận, thị trường bất động sản Đông Anh đã bắt đầu có dấu hiệu nóng lên.

Đến đầu năm 2021, cơn sốt đất đã lan toả đến nhiều khu vực ở Đông Anh, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch đưa các huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng lên quận trong giai đoạn 2021 - 2030.

Thời điểm đó, một số môi giới cho biết đất đấu giá vị trí đẹp tại Đông Anh dao động khoảng 35 - 70 triệu đồng/m2. Nếu muốn rẻ hơn thì phải đi xa khu vực trung tâm. Với tài chính 1,5 tỷ đồng, không có cơ hội mua đất tại khu vực gần cầu Tứ Liên vì khu này ăn theo dự án của Vingroup nên rất đắt. Còn nếu tài chính tầm 2,5 - 3 tỷ đồng có thể mua đất đấu giá ven trục Nhật Tân - Nội Bài.

Đất đấu giá nằm sát khu Công viên phần mềm Vintech đầu năm 2021 được rao bán với giá khoảng 37 - 40 triệu đồng/m2. Đất thổ cư trong ngõ tại các xã như Vĩnh Ngọc có giá trên dưới 30 triệu đồng/m2. Còn tại trung tâm thị trấn Đông Anh, đất thổ cư dao động trong khoảng 120 - 150 triệu đồng/m2 tùy vị trí. So với cùng thời điểm 2019, giá đất Đông Anh đầu năm 2021 tăng khoảng 50 - 60%.

Sau giai đoạn sốt đất nhờ thông tin lên quận, giá đất Đông Anh tiếp tục đón làn sóng tăng trưởng mới sau khi Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng được TP Hà Nội duyệt vào tháng 3/2022 và thông tin quy hoạch đường vành đai 4.

Song thời gian qua, khi thị trường bất động sản lao dốc, đất Đông Anh cũng rơi vào tình cảnh trầm lắng, đìu hiu.

Báo cáo thị trường bất động sản quý I/2023 của Batdongsan.com.vn cho biết so với quý IV/2022, giá bán các thị trường đất nền vùng ven Hà Nội giảm 1 - 13%, mức độ quan tâm giảm từ 4 - 24%.

Riêng đối với Đông Anh, đất ở đây đang duy trì mức giá giảm so với 4 tháng trước. Cụ thể, đất nền Nguyên Khê đang có giá 38 - 43 triệu đồng/m2, giảm 10-15% so với mức 42 - 47 triệu đồng/m2 sau Tết.

Đất nền Cổ Loa nằm trong các xóm giá bán vẫn đang ở mức giảm là 18-20 triệu đồng/m2 so với mức 22 - 25 triệu đồng/m2 thời điểm sau Tết. Đất kinh doanh Võng La tiếp tục duy trì mức giá đã giảm là 35 - 40 triệu đồng/m2 so với mức giá 37 - 42 triệu đồng/m2 của tháng tháng 2/2023. Đất nền Hải Bối cũng giảm 10% so với 4 tháng trước, duy trì ở mức 50 - 55 triệu đồng/m2.

 

Đất đấu giá Đông Anh tụt sâu

Hồi cuối tháng 5, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đông Anh phối hợp với Công ty đấu giá Hợp Danh Lạc Việt tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở đối với 15 thửa đất tại điểm X8 thôn Hà Phong, xã Liên Hà, huyện Đông Anh.

Các thửa đất có tổng diện tích 1.393 m2 với giá khởi điểm từ 20,8 đến 23,1 triệu đồng/m2. Kết quả đấu giá, thửa đất trúng đấu giá cao nhất có giá 24,9 triệu đồng/m2; thấp nhất là 20,8 triệu đồng/m2. Tổng số tiền thu được từ phiên đấu giá là hơn 31,9 tỷ đồng, tăng hơn 1,1 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Cũng tại khu đất trên, ngày 13/5, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Đông Anh phối hợp với CTCP Lạc Việt tổ chức phiên đấu giá 13 thửa đất ở với tổng diện tích 1.170 m2, giá khởi điểm từ 20,8 triệu đồng/m2 đến 23,1 triệu đồng/m2

Giá trúng cao nhất là 25,5 triệu đồng/m2, giá trúng thấp nhất là 20,8 triệu đồng/m2. Tổng số tiền thu về của phiên đấu giá là hơn 27,3 tỷ đồng.

Trước đó, từ khoảng cuối năm 2022 tới tháng 3 năm nay, nhiều lô đất tại huyện Đông Anh đã phải đấu giá nhiều lần mà chưa thành công như hàng chục thửa đất tại khu đất X6 thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà. Nguyên nhân là mức giá khởi điểm được xây dựng tại thời điểm sốt đất cuối năm ngoái nên khá cao dẫn tới tình trạng không có người mua.