IIP tháng 1 ước tính tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước

Trang Mai 10:53 | 29/01/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo số liệu ước tính từ Tổng cục Thống kê sáng 29/1, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 ước tính giảm 4,4% so với tháng trước và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước , trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng trưởng 2 chữ số so với cùng kỳ

Theo đó,  chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 (IIP) ước tính tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên giảm 4,4% so với tháng 12/2023.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng góp lớn nhất vàoIIP với 15,1 điểm %. Tiếp sau đó là một số ngành như sản xuất và phân phối điện,cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải và ngành khai khoáng. 

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong tháng 1 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Đường kính tăng 66,2%; thép cán tăng 59,6%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 57,1%; sữa bột tăng 47,4%; sơn hóa học tăng 44,7%; phân hỗn hợp NPK tăng 40,7%; thép thanh, thép góc tăng 37,5%; thuốc lá điếu tăng 34,7%.

 

Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm như linh kiện điện thoại giảm 15,3%; ti vi giảm 11,3%; điện thoại di động giảm 3,5%; dầu mỏ thô khai thác giảm 2,2%.

Về địa phương, IIP tháng 1 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.

Nguồn: GSO

 Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1 đạt là 370,1 nghìn tỷ đồng

Về số lượng, cả nước có 13,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1. Trong đó có 151 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, 3.208 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng và 10,2 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ. Bên cạnh đó, cả nước có gần 13,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (gấp 2,2 lần so với tháng 12/2023 và giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 01/2024 lên hơn 27,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong tháng 1, có 43,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước; có 7.798 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, và 2.165 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Nguồn: GSO

Về nguồn vốn, tổng số vốn đăng ký là 151,5 nghìn tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 11,2 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2023. Nếu tính cả 218,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 4,4 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1 là 370,1 nghìn tỷ đồng.

Hoạt động đầu tư trong tháng 1 tập trung thực hiện việc phân khai kế hoạch vốn năm 2024 cho các dự án, công trình mới được bố trí vốn đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư nên khối lượng thực hiện chủ yếu tại các công trình chuyển tiếp. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 4,4% so với kế hoạch năm và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6%.