Top 5 địa phương dẫn đầu tăng trưởng sản xuất công nghiệp 6 tháng 2023: các tỉnh thành có nhiều KCN nhất đều không góp mặt

Thùy Dương 11:07 | 29/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao. Xếp hạng các địa phương có tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cao nhất cả nước theo đó có sự thay đổi rõ rệt.

Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/6 cho thấy tốc độ tăng IIP trong quý II/2023 ước tính đạt 1,56% so với cùng kỳ (svck) năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 0,44% svck năm trước (quý I giảm 0,75%; quý II tăng 1,56%).

Trong đó, ngành khai khoáng giảm 1,43%, làm giảm 0,05 điểm phần trăm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,37% (quý I giảm 0,49%; quý II tăng 1,18%), đóng góp 0,10 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,79%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm, và ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,45%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm. 

Trà Vinh dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng IIP 6 tháng 2023

Xét về địa phương, trong 6 tháng 2023, cả nước có 48 địa phương báo cáo chỉ số IIP tăng và có 15 địa phương ghi nhận IIP giảm svck năm trước.

Cụ thể, Trà Vinh - 1 trong 2 địa phương ghi nhận mức tăng trưởng IIP âm mạnh nhất quý I đã vươn lên dẫn đầu về tốc độ tăng IIP cao nhất cả nước (tăng 22,3%), tiếp sau đó là các tỉnh thành: Bắc Giang (tăng 15,7%), Phú Thọ (tăng 15,3%), Thái Bình (tăng 13,8%) và Nam Định (tăng 13,3%).

Như vậy, cả  5 tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp đang hoạt động nhất là Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, Long An và Bắc Ninh đều không có tên trong top 5 địa phương có tăng trưởng IIP cao nhất 6 tháng đầu năm.

Nguyên nhân chủ yếu do các địa phương này có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao; chẳng hạn Bắc Giang có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cao nhất cả nước với mức tăng 16,2%; Hậu Giang có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao nhất (264,4%)... 

Ở chiều ngược lại, 2 địa phương là Quảng Nam và Sơn La ghi nhận mức tăng trưởng IIP âm mạnh nhất so với cùng kỳ năm trước. Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân IIP tăng trưởng âm của Quảng Nam phần lớn đến từ mức giảm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (giảm 32,2%), Sơn La với mức giảm 39,5% về chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện. 

 Ảnh: Thùy Dương, tổng hợp từ TCTK

Điện thoại di động là sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm

Xét về ngành công nghiệp trọng điểm, trong quý II, sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế dẫn đầu trong số ngành công nghiệp cấp II có mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước (tăng 13,2%). Khai thác quặng kim loại đứng thứ hai với mức tăng 11,5%; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 7,2%; sản xuất thuốc lá tăng 6,7%; sản xuất đồ uống tăng 5,7%.

Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của 1 số ngành giảm so với cùng kỳ năm trước như chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 7,7%; sản xuất giấy, sản phẩm từ giấy giảm 7,5%; sản xuất trang phục và sản xuất xe có động cơ cùng giảm 6,8%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 4,7%; sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học cùng giảm 4,6%.

Ảnh: Thùy Dương, tổng hợp từ số liệu của TCTK

Xét về cơ cấu sản phẩm, 6 tháng đầu năm, đường kính dẫn đầu trong số những sản phẩm công nghiệp chủ lực có mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước (tăng 31,2%); xăng dầu tăng 13,4%; phân hỗn hợp NPK tăng 11,9%; ti vi tăng 10,8%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 9,2%.

Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như điện thoại di động giảm 19,2%; ô tô và thép thanh, thép góc cùng giảm 18,2%; quần áo mặc thường giảm 7,1%; linh kiện điện thoại giảm 5,4%; vải dệt từ sợi tự nhiên giảm 4,3%; phân U rê giảm 4,1%; xi măng giảm 3,9%; xe máy giảm 3,5%.

  Ảnh: Thùy Dương, tổng hợp từ số liệu của TCTK 

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2023 tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,4%).

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2023 tăng 9,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 19,9% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 14,1%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2023 là 83,1% (bình quân 6 tháng đầu năm 2022 là 78%).

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/6/2023 tăng 0,8% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 4,2% so với cùng thời điểm năm trước.