Chuyên gia IMF: Việt Nam là một trong những điểm sáng kinh tế toàn cầu năm 2023 và 2024
Trong tuần lễ diễn ra kỳ họp mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), phóng viên TTXVN tại Washington đã phỏng vấn ông Daniel Leigh - Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế thế giới, thuộc Vụ nghiên cứu của IMF, cũng là một trong những tác giả của Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới năm nay - về tình hình kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam sau những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới những năm gần đây.
Ông Leigh cho rằng nền kinh tế thế giới vẫn đang phục hồi sau đại dịch COVID và cuộc xung đột tại Ukraine. Dù đầu năm nay, quá trình phục hồi đã diễn ra tốt hơn, song thế giới lại tiếp tục chứng kiến tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sĩ.
Những nhân tố này tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với triển vọng kinh tế thế giới. Do đó, ông dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại, từ mức 3,4% năm 2022 xuống còn 2,8% vào năm 2023, trước khi dần phục hồi ở mức 3%.
Đây là khoảng thời gian đầy thách thức và một trong những thách thức lớn nhất là lạm phát vẫn duy trì ở mức cao. Các ngân hàng trung ương đang cố gắng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, khiến tăng trưởng kinh tế bị chậm lại.
Đánh giá về Việt Nam và phần lớn các nước châu Á, chuyên gia Leigh cho rằng đây là những điểm sáng của kinh tế thế giới năm nay, bởi khu vực này đang phát triển tương đối nhanh so với phần còn lại của thế giới.
Trong đó, kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng trong khoảng từ 3%-5,2%, Ấn Độ tăng trưởng khoảng 6%, Việt Nam tăng trưởng khoảng 8%. Lạm phát của khu vực này cũng thấp hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới. Các ngân hàng trung ương trong khu vực đang thắt chặt chính sách tiền tệ để đưa lạm phát trở lại mục tiêu.
Theo chuyên gia IMF, trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, thì châu Á, đặc biệt là các thị trường mới nổi, đang tăng trưởng khá nhanh. Điều này phần nào phản ánh sự phục hồi của Trung Quốc.
Ấn Độ là một ví dụ điển hình khi tăng trưởng khoảng 6%, nhanh hơn nhiều so với các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi khác. Một điểm đáng lưu ý khác mà ông Daniel Leigh đề cập là ở các nền kinh tế phát triển, thị trường lao động vẫn thiếu nhân lực. Tại Mỹ, dù tỷ lệ thất nghiệp chỉ là 3,5% song triển vọng kinh tế vẫn ảm đạm.
Về cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện nay ở Mỹ, châu Âu và tác động đối với kinh tế châu Á, ông Leigh cho rằng việc một số ngân hàng Mỹ sụp đổ đã dẫn đến căng thẳng tài chính vào tháng 3. Về cơ bản, đây là tác động của cuộc chiến chống lạm phát. Các nhà hoạch định chính sách đã mạnh tay hành động để ngăn khủng hoảng lây lan và đạt hiệu quả tốt.
Giờ đây, các nước có thể tập trung vào việc giảm lạm phát. Tác động đối với các quốc gia khác tương đối hạn chế, ví dụ như ở châu Á, có rất ít ngân hàng có liên kết trực tiếp với các ngân hàng đã phá sản.
Các quốc gia ở châu Á cũng không phải tăng lãi suất nhanh như ở các nền kinh tế tiên tiến vì lạm phát của họ tương đối thấp. Tuy nhiên, về tổng thể, tăng trưởng chậm hơn ở các nền kinh tế tiên tiến sẽ khiến nhu cầu đối với sản phẩm của các nước châu Á giảm đi.
Nhận định về vai trò của nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ đối với triển vọng kinh tế toàn cầu, ông Daniel Leigh cho rằng nếu gộp Trung Quốc và Ấn Độ lại với nhau, thì các nước này đang tăng trưởng nhiều hơn mức trung bình toàn cầu, đóng góp một nửa mức tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2023. Đây thực sự là một động lực, song trong trung hạn, IMF cho rằng tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại.
Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN về những khu vực còn lại như Đông Nam Á và Việt Nam sẽ đóng góp như thế nào vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 và 5 năm tới, ông Leigh nhận định đối với Việt Nam, mức tăng trưởng khoảng 8% năm 2022 là một điểm sáng của khu vực.
IMF vừa điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam theo hướng tốt hơn kỳ vọng trước đó. Nguyên nhân một phần là từ sự phục hồi sau COVID-19 và xu hướng chuyển hướng thương mại. Một số khoản đầu tư đang chuyển sang Việt Nam và đây cũng là một động lực tốt.
Ông Leigh cho rằng mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm lại, nhưng Việt Nam vẫn đang tăng trưởng ở mức cao, dự kiến 5,8% vào năm 2023 và sau đó là 6,9% vào năm 2024. Lạm phát ở Việt Nam tương đối thấp, 3,15% vào năm 2022 và đang tăng lên, một phần do nền kinh tế năng động, nhưng IMF cho rằng lạm phát sẽ trở lại mức mục tiêu, khoảng 4,3% vào năm 2024.
Chuyên gia Leigh đã đưa ra một số khuyến nghị để Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những quý còn lại của năm nay và 5 năm tới, đó là chính sách tiền tệ cần tiếp tục tập trung vào việc giảm lạm phát ở mức có thể xảy ra, chính sách tài khóa cần tiếp tục hướng tới mục tiêu hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tổn thương.
Về ổn định tài chính, Việt Nam cần ưu tiên hỗ trợ ổn định thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp bằng các công cụ cụ thể, song điều này không nên làm xao lãng chính sách tổng thể hướng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định.
Trong 5 năm tới, ông Leigh kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ dần phục hồi từ mức thấp nhất của năm 2023 này, quay trở lại mức lãi suất khoảng 3%; 3,2%; 3,1%, và sau đó là 3% trong trung hạn. Nền kinh tế toàn cầu vẫn đang trong quá trình phục hồi nhưng không mạnh mẽ.
Một số yếu tố như sự phân mảnh địa chính trị đã hạn chế đầu tư trực tiếp nước ngoài ở một số quốc gia. Yếu tố cản trở khác là rào cản thương mại gia tăng.
Vì vậy, IMF thực sự hy vọng có nhiều cải cách hơn để khuyến khích nguồn cung, sự tham gia của lực lượng lao động để bù đắp tình trạng thiếu hụt nhân lực, tăng cường giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng và năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn.
Ông nhấn mạnh điều quan trọng nhất là cải thiện sự hợp tác giữa các quốc gia để hạn chế tác động tiêu cực của tình trạng phân mảnh do cải cách thương mại.