IMF hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho 25 quốc gia dễ tổn thương

18:31 | 14/04/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông báo sẽ cung cấp các khoản viện trợ khẩn cấp cho 25 quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương nhất, trong đó phần lớn là các nước châu Phi để đối phó dịch COVID-19.
IMF hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho 25 quốc gia dễ tổn thương - ảnh 1
Trụ sở Quỹ Tiền tệ Quốc tế ở Washington. (Nguồn: euractiv) 

Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn tuyên bố của IMF cho biết, các khoản tài chính này sẽ gồm một phần chi trả các khoản nợ cho IMF trong 6 tháng và phần còn lại sẽ dành cho các nỗ lực cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ y tế.

Danh sách 25 quốc gia được IMF hỗ trợ đợt này gồm: Afghanistan, Belarus, Burkina Faso, Cộng hòa Trung Phi, CH Chad, Comoros, CH Congo, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Haiti, Liberia, Madagascar, Malawi, Mali, Mozambique, Nepal, Nigeria, Rwanda, São Tomé và Príncipe, Sierra Leone, Quần đảo Solomon, Tajikistan, Togo và Yemen.

Việc xóa nợ do Quỹ hỗ trợ và ứng phó thiên tai (ARC Trust Fund) đảm nhiệm, cho phép hỗ trợ giảm nợ dưới hình thức tài trợ cho các quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất do thảm họa thiên nhiên hoặc thảm họa y tế công cộng với hậu quả nghiêm trọng. Quỹ ARC Trust Fund cho biết, hiện Quỹ này có sẵn khoảng 500 triệu USD, bao gồm 185 triệu USD được Vương quốc Anh cam kết tài trợ gần đây và 100 triệu USD do Nhật Bản cung cấp.

Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva thông báo: "Trung Quốc và Hà Lan cũng đã cam kết đóng góp một khoản đáng kể. Tôi khuyến khích các nhà tài trợ khác giúp chúng tôi bổ sung quỹ và tăng khả năng cung cấp thêm khoản nợ trong 2 năm tới các thành viên nghèo nhất của IMF".

Trước đó, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva đã thông báo về việc thành lập một ủy ban tư vấn chuyên cung cấp thông tin về những khó khăn đối với chính sách, bao gồm cả đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra và tác động kinh tế của dịch bệnh này.

IMF nhận định kinh tế toàn cầu đối diện nguy cơ tăng trưởng âm do COVID-19. Đại dịch đang gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế không giống như bất kỳ cuộc khủng hoảng nào mà thế giới phải đối mặt trong thế kỷ qua, đòi hỏi một phản ứng tổng thể nhằm đảm bảo phục hồi nền kinh tế.

Thậm chí trong kịch bản lạc quan nhất, IMF dự báo nền kinh tế chỉ "phục hồi một phần" trong năm tới, khi dịch bệnh lui dần trong năm nay, cho phép hoạt động kinh doanh trở lại bình thường khi các biện pháp hạn chế và phong tỏa nhằm ngăn dịch bệnh lây lan được dỡ bỏ.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc IMF nhấn mạnh triển vọng kinh tế vẫn còn nhiều bất ổn và tình hình có thể xấu đi tùy thuộc vào nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm thời gian dịch bệnh và đặc biệt, "mọi thứ phụ thuộc vào những hành động chính sách mà chúng ta thực hiện ngay lúc này."

Hơn 90 quốc gia, chiếm gần một nửa trong tổng số 189 nước thành viên IMF, đã đề nghị viện trợ khẩn cấp từ tổ chức này để ứng phó với đại dịch. IMF và WHO đã kêu gọi sử dụng viện trợ khẩn cấp chủ yếu để tăng cường các hệ thống y tế, trả lương cho y, bác sỹ và để mua thiết bị bảo hộ.

Bà Georgieva cho biết IMF sẵn sàng sử dụng quỹ dự phòng chiến tranh 1.000 tỷ USD nếu cần./.