IMF: Kinh tế Mỹ sẽ giảm xuống 2,3% trong năm nay
Báo cáo của IMF cho rằng mặc dù chậm lại nhưng dự báo tăng cho năm 2019 vẫn cao hơn mức tăng dự kiến của Chính phủ Mỹ.
Một yếu tố góp phần vào sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Mỹ là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất bốn lần trong năm 2018, khiến các điều kiện tài chính liên tục bị thắt chặt.
Fed đã chọn lập trường chính sách kiên nhẫn hơn khi quyết định giữ nguyên lãi suất trong hai cuộc họp chính sách kể từ đầu năm tới nay.
Nhà kinh tế trưởng Gita Gopinath của IMF tuần trước cho rằng chính sách tiền tệ vẫn nên phụ thuộc vào số liệu và được ban hành một cách hợp lý đồng thời đảm bảo những kỳ vọng lạm phạt vẫn chắc chắn.
Một rủi ro khác đối với sự ổn định của kinh tế Mỹ là thâm hụt ngân sách liên bang đang gia tăng. Theo báo cáo mới công bố của Bộ Tài chính Mỹ, thâm hụt kể từ đầu tài khóa này (kết thúc ngày 30/9) tới nay đã ở mức 691 tỷ USD, so với mức gần 600 tỷ USD của tài khóa trước và dự kiến sẽ vượt 1.000 tỷ USD vào cuối tài khóa này.
Thêm vào đó, doanh số bán lẻ thấp và lòng tin kinh doanh giảm sút cũng là những trở ngại khác với tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Số liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy doanh số bán lẻ ở nước này trong tháng Hai giảm 0,2% so với tháng trước đó, xuống 506 tỷ USD.
Giáo sư Tim Duy thuộc Đại học Oregon đồng thời là một chuyên gia của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cũng nhận định rằng kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc nhưng không rơi vào suy thoái.
Không chỉ riêng dự báo của IMF về kinh tế Mỹ sẽ suy thoái, trước đó, Fed cho rằng, chính những thiếu hụt lao động và bất ổn thương mại đã và sẽ tác động tới kinh tế Mỹ.
Theo đó, sự cạnh tranh trong tuyển dụng lao động đã thúc đẩy mức tăng lương và các khoản phúc lợi cho người lao động, song hiện không có những dấu hiệu đáng quan ngại về sức ép lạm phát được nhắc tới trong báo cáo "Sách Be" của Fed.
Ngành nông nghiệp Mỹ đang đối mặt với nhiệm vụ khó khăn trước hậu quả của các đợt bão tuyết và lũ lụt nghiêm trọng cũng là một nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại.
Cùng với đó là chính sách thương mại quyết liệt của Mỹ, việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, và các vấn đề khác cho thấy những dấu hiệu đang ảnh hưởng bất lợi tới tăng trưởng kinh tế thế giới và kinh tế Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump được xem là người khả quan nhất khi đánh giá về kinh tế Mỹ. Cách đây nửa tháng, ông Trump viết trên mạng xã hội: "Bất chấp những hành động không cần thiết và phá hoại của Fed, nền kinh tế vẫn rất mạnh mẽ, các thỏa thuận với Trung Quốc và USMCA (Mỹ-Mexico-Canada) đang tiến triển khả quan, rất ít hoặc không có lạm phát và sự lạc quan của Mỹ rất cao!"