Kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản và chiến lược phát triển thương mại trong nước
Thời gian qua, Bộ Công Thương cùng các sở ban ngành đã tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản trong chiến lược phát triển thương mại trong nước.
Tích cực xây dựng đề án
Để hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối nói chung các mặt hàng nông sản nói riêng, Bộ Công Thương đã xây dựng và triển khai, thực hiện những chính sách, pháp luật như xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển Thương mại Việt Nam; Quy hoạch siêu thị, trung tâm thương mại trên phạm vi cả nước; Quy hoạch trung tâm hội chợ triển lãm trên địa bàn cả nước; Quy hoạch phát triển thương mại vùng Đông Nam Bộ; Quy hoạch phát triển Thương mại Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long; Quy hoạch thương mại vùng đồng bằng sông Hồng; Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030…
Bộ Công Thương đang tích cực hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối sản phẩm nông sản
Bộ Công Thương tham mưu trình ban hành các Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:
Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;
Quyết định số 27/2007/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án phát triển thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”;
Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020”;
Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;
Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư…
Hiện nay, Bộ Công Thương đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng “Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Thủ tướng Chính phủ (tháng 12 năm 2020).
Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản” trình Chính phủ tháng 10 năm 2020.
Đối với hoạt động kết nối hỗ trợ tiêu thụ mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ trì và phối hợp với các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố (trực tiếp chỉ đạo và phối hợp với Sở Công Thương) triển khai tổ chức nhiều Hội nghị kết nối cung cầu; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản;
Hỗ trợ một số địa phương tổ chức Hội chợ các sản phẩm OCOP; chủ động làm việc với hệ thống phân phối lớn (Big C, Coopmart...) về việc hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng các mô hình sản suất nông sản theo chuỗi để cung cấp trong hệ thống bán lẻ của mình;
Xây dựng gói hỗ trợ 800 tỷ nhằm hỗ trợ hệ thống phân phối trong công tác bình ổn thị trường, cung ứng hàng hóa thiết yếu và hàng hóa tiêu dùng cho người dân; lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho nông sản Việt Nam và tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, thiết lập điểm bán hàng Việt Nam cố định, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động tiêu thụ nông sản, hỗ trợ gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trong nước.
Các hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ được tổ chức đã rất thành công, góp phần giúp mối liên hệ giữa các nhà phân phối, kinh doanh nông sản trong và ngoài nước với các nhà sản xuất, bà con nông dân trở nên gắn kết, theo quy mô ngày càng tăng từ một vài tỉnh, mở rộng nhiều tỉnh, từ một vùng phát triển lên liên kết vùng đã tạo thuận lợi và điều kiện cho việc tiêu thụ nông, lâm, thủy hải sản sản được dễ dàng hơn.
Trong thời gian tới Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi tình hình triển khai các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối, chợ dân sinh..., tạo tiền đề vật chất cho hoạt động lưu thông hàng hóa. Đồng thời, sẽ tiếp tục rà soát, tổng hợp tình hình thực hiện các cơ chế chính sách này để tiếp tục đề xuất có những điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa. Cụ thể:
Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ đề án phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2021-2025 để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, hoạt động nhằm phát triển thương mại nông thôn trong giai đoạn tới.
Xây dựng và ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo cơ sở, nội dung và nguồn lực phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn 2021-2025.
Khẩn trương hoàn thiện và tham mưu Lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” và Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản”.
Trong hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc triển khai Chương trình bình ổn thị trường, giá cả, góp phần tiêu thụ sản phẩm nông sản với giá ổn định.
Phối hợp với các địa phương trong cả nước tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu để trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, xúc tiến mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nói chung và hàng nông sản tại thị trường trong nước và nước ngoài.
Tiếp tục chỉ đạo và hướng dẫn các doanh nghiệp phân phối trong nước cũng như các doanh nghiệp phân phối có vốn đầu tư nước ngoài triển khai các chương trình liên kết ổn định, lâu dài với nhà sản xuất và người nông dân để tiêu thụ hàng hóa qua các hệ thống phân phối trong nước cũng như xuất khẩu thông qua các cơ sở phân phối của các doanh nghiệp này ở nước ngoài.
Nhiều địa phương vào cuộc
Sự chung tay vào cuộc nhằm kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản trong chiến lược phát triển thương mại trong nước được thể hiện rất rõ ở việc hệ thống đại siêu thị GO! / Big C lần đầu tiên áp dụng chương trình “bán thịt lợn tươi không lợi nhuận” (không bao gồm sản phẩm của Meat Deli) trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới.
Theo đó, chương trình áp dụng từ đầu tháng 1/2021 (dương lịch - tức hơn 1 tháng trước Tết Nguyên Đán), với các sản phẩm thịt lợn tươi chủ lực như: thịt ba rọi, thịt vai, thịt đùi, thịt cốt lết…
Chuỗi siêu thị Big C cũng đang tạo điều kiện cho nông, thủy sản Yên Bái vào hệ thống bán lẻ của mình. Trong tuần lễ giới thiệu hàng nông, thuỷ sản tỉnh Yên Bái tại Hà Nội do Sở Công Thương tỉnh Yên Bái phối hợp với Tập đoàn Central Retail Việt Nam tổ chức vừa qua, khách thăm quan có cơ hội trải nghiệm, mua sắm các loại đặc sản đã được cấp chứng nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nổi tiếng bậc nhất của tỉnh Yên Bái, như đặc sản Bưởi Đại Minh, cá hồ Thác Bà, gạo Bạch Hà và một số sản phẩm nông sản, thực phẩm tiêu biểu của tỉnh bánh trưng đen, trà quế, chè Bát Tiên, thịt sấy…
Dịp này cũng diễn ra Lễ Ký Biên bản hợp tác ghi nhớ (MOU) về việc tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn giữa Tập đoàn Central Retail Việt Nam với các đơn vị của tỉnh Yên Bái gồm Trung Tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Yên Bái; Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản tỉnh Yên Bái và HTX Bưởi đặc sản VietGap Đại Minh.
Chuỗi siêu thị Big C và GO! bán thịt lợn tươi không lợi nhuận phục vụ Tết Tân Sửu 2021
Nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa Chương trình kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP đồng thời góp phần hỗ trợ các địa phương kết nối, mời gọi đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP với các tỉnh, thành trong cả nước, trong khuôn khổ AgroViet 2020, Hội nghị “Kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP tại Hà Nội 2020” vừa diễn ra cũng đã thu hút đông đảo đại biểu tham dự.
Tham luận tại Hội nghị, bà Đinh Thị Thịnh, Phó Chủ tịch Liên hiệp HTX tiêu dùng Việt Nam nhấn mạnh, Hội nghị này có tác động đẩy mạnh kết nối cung cầu theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến đến tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền tại thị trường trong nước, trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Đồng thời, góp phần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền quảng bá thương hiệu, qui trình sản xuất chất lượng sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền, góp phần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận của người tiêu dùng đối với việc sử dụng sản phẩm nông nghiệp trong nước nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng. tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP.
Hiện TPHCM đang xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, thực phẩm sạch giữa thành phố và các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía nam (KTTÐPN). Ðây là cơ sở quan trọng để bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm an toàn cho thành phố, đồng thời hỗ trợ nông dân các địa phương trong vùng tiêu thụ nông sản ổn định.
Tiếp tục cần cơ chế chính sách từ Trung ương đến địa phương là khuyến nghị mà đại diện các cơ quan, đơn vị, sở ban ngành đưa ra thời gian gần đây nhằm tăng cường sự kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Tại Hội nghị “Kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP tại Hà Nội 2020”, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long đã kiến nghị, cần có cơ chế chính sách từ Trung ương đến địa phương cho các hoạt động xúc tiến thương mại nông sản, hoạt động giới thiệu nông sản địa phương và kết nối cung cầu, cần có đầu mối liên kết tập trung sản phẩm nông sản địa phương. Bên cạnh đó, cần nâng cao các chương trình truyền thông và phát triển thương hiệu sản phẩm, nông sản địa phương của tỉnh thành trên cả nước.
Theo vị đại biểu này, “riêng đối với chương trình thực hiện OCOP cần có nguồn vốn đầu tư rất lớn để hỗ trợ các sản phẩm nâng cao năng suất, chất lượng. Cần huy động từ nhiều nguồn vốn và sự hỗ trợ từ các chương trình của trung ương, từ nguồn vốn khoa học công nghệ, chương trình mục tiêu quốc gia, các chủ thể sản phẩm OCOP rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước để giúp cho sản phẩm OCOP nâng tầm giá trị, đề xuất trung ương cần có ban hành khung chính sách hỗ trợ cụ thể cho các sản phẩm OCOP đã đạt được phân hạng từ ba sao trở lên”.
Cũng tại Hội nghị, ông Trần Phước Tài, Phó Giám đốc công ty cổ phần thương mại Sachi Tây Nguyên cho biết, với tinh thần “người Việt yêu hàng Việt”, là nhà sản xuất sản phẩm nông sản, công ty luôn trân trọng và gửi tới người tiêu dùng chữ “tín” về chất lượng, minh bạch về xuất xứ; cùng với các Doanh nghiệp/HTX phát huy thị trường nội địa hướng tới xuất khẩu bền vững, góp phần chắp cánh cho nông sản Việt Nam bay xa và bay cao hơn trên thị trường quốc tế.
Để xây dựng thành công chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, thực phẩm, ông Trần Tiến Khai, giảng viên Trường đại học Kinh tế TPHCM đưa ra kiến nghị: Vùng KTTÐPN cần tạo ra cơ chế khuyến khích kết hợp bắt buộc hình thành các liên kết dọc và ngang để dần thay đổi hành vi sản xuất không liên kết, xây dựng chuẩn hàng hóa bắt buộc khi đưa vào lưu thông phân phối trên thị trường.
TPHCM và các địa phương vùng KTTÐPN cùng xây dựng cơ chế và đầu mối quản lý thông tin thị trường cấp độ vùng. Thường xuyên cập nhật, công bố thông tin dân số, lượng cung, cầu, giá cả ở tất cả các tỉnh, thành phố liên quan, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về thị trường để tăng cường khả năng tự điều tiết cân đối cung cầu dựa trên thông tin thị trường...
Minh Hoa