Hungary sẽ mua khí đốt bằng đồng Ruble sau động thái cứng rắn
Hôm 27/4, ngoại trưởng Hungary xác nhận quốc gia này sẽ thanh toán dầu và khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng đồng ruble theo kế hoạch Moskva đưa ra.
"85% nguồn cung cấp khí đốt và 65% nguồn cung cấp dầu của chúng tôi đến từ Nga. Tại sao? Vì điều này đang được quyết định bởi cơ sở hạ tầng. Điều này không phải để cho vui, chúng tôi không lựa chọn tình huống", Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto phát biểu.
Ông Szijjarto nhấn mạnh không có nguồn hoặc lộ trình thay thế nào để Hungary có thể ngừng nhập khẩu năng lượng Nga trong vài năm tới.
Quyết định của Hungary được đưa ra sau khi Nga cắt nguồn cung với Ba Lan và Bulgaria do không thanh toán bằng đồng ruble. Điện Kremlin hôm 27/4 khẳng định Nga yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble do phương Tây đóng băng tài sản của Moskva, đồng thời dọa cắt thêm khí đốt đến châu Âu.
Theo kế hoạch thanh toán của Nga, các nhà nhập khẩu năng lượng phải mở hai tài khoản ngân hàng với Gazprombank, một tài khoản ngoại tệ và một tài khoản ruble. Tiền bán dầu khí được thanh toán bằng ngoại tệ (USD hoặc euro), sau đó được Gazprombank chuyển đổi vào tài khoản đồng ruble.
Một số quốc gia khác được cho là đang sử dụng phương thức thanh toán này. Hãng Bloomberg của Mỹ đưa tin ít nhất 10 công ty châu Âu đã mở tài khoản để thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng ruble, và 4 trong số đó đã thực hiện thanh toán theo yêu cầu mới của Moskva. Tài liệu được Ủy ban châu Âu công bố tuần trước khuyến nghị rằng "có vẻ như có thể" thực hiện quy định mới này của Nga mà không mâu thuẫn với luật của EU.
Theo các chuyên gia về lệnh trừng phạt, hệ thống thanh toán của Nga cho phép Moskva tiếp cận tiền thu được từ năng lượng, bất chấp các lệnh trừng phạt đối với ngoại tệ. CNN cho rằng kế hoạch này mang lại lợi thế chính trị cho Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông buộc các công ty thanh toán bằng đồng ruble.
Hãng thông tấn TASS của Nga hôm qua dẫn nguồn tin từ quan chức EU nói rằng khối có kế hoạch tăng đáng kể việc mua khí đốt tự nhiên của Nga thông qua các quốc gia sẵn sàng thanh toán bằng đồng ruble để đảm bảo Ba Lan và Bulgaria không bị thiếu hụt. EU hiện chưa bình luận về thông tin này.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2, Mỹ đã dẫn dắt đồng minh châu Âu thực hiện các biện pháp tẩy chay năng lượng Nga, dù nhiều chuyên gia cảnh báo điều này sẽ gây thiệt hại không nhỏ. EU là thị trường lớn của khí đốt Nga, khi nhận khoảng 40% nguồn cung từ Moskva vào năm 2021.
Nga ngừng cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria
Tập đoàn khí đốt nhà nước Nga Gazprom thông báo sẽ ngừng cung cấp tới Ba Lan và Bulgaria vào sáng ngày 27/4. Động thái này diễn ra sau khi cả Ba Lan và Bulgaria - hai quốc gia tiêu thụ nhiều khí đốt của Nga - đều từ chối yêu cầu gần đây của Moscow về việc thanh toán khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng đồng ruble.
Theo đài CNBC, sáng sớm ngày 27/4 Tập đoàn Gazprom tuyên bố rằng họ đã ngừng cung cấp cho Ba Lan và Bulgaria do hai quốc gia này đã không thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng ruble. Gazprom cho biết nguồn cung khí đốt đến hai thị trường này sẽ được khôi phục sau khi các khoản thanh toán bằng đồng ruble được thực hiện.
Trong tuyên bố, Gazprom cảnh báo Ba Lan và Bulgaria không được thực hiện bất kỳ hành vi "ngắt trái phép" nguồn cung cấp khí đốt chảy qua lãnh thổ của hai nước này.
"Bulgaria và Ba Lan là những quốc gia trung chuyển. Trong trường hợp ngắt trái phép khí đốt từ Nga quá cảnh sang các nước thứ ba, nguồn cung khí đốt quá cảnh sẽ bị giảm theo", Gazprom lưu ý.
Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng mạnh vào sáng 27/4. Cụ thể, giá khí đốt bán buôn theo hợp đồng của Hà Lan - mức giá tham chiếu cho thị trường châu Âu - đã tăng 24,2% lên 115,75 euro (tương đương 122,40 USD) mỗi megawatt giờ, trong khi giá khí đốt tự nhiên của Vương quốc Anh giao tháng 6 đã tăng khoảng 20 pence lên 222 pence (tương đương 2,78 USD).
Theo thông tin của Công ty dầu khí nhà nước Ba Lan PGNiG, Gazprom đã thông báo vào ngày 26/4 rằng họ sẽ ngừng cung cấp qua đường ống dẫn nhiên liệu Yamal đến Ba Lan từ sáng 27/4.
Trong khi đó, Bulgaria chưa xác nhận nguồn cung khí đốt từ Nga bị ngừng, nhưng Thủ tướng nước này, ông Kiril Petkov, đã mô tả động thái của Nga là "hành động hăm dọa tống tiền", đồng thời cho rằng bất kỳ hành động ngừng cung cấp khí đốt đều sẽ vi phạm hợp đồng.
Reuters đưa tin, Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria, ông Alexander Nikolov, nói rằng nguồn cung khí đốt cho khách hàng vẫn được đảm bảo trong ít nhất 1 tháng tới.