Khi Trung Quốc duy trì 'Zero-COVID', loạt chỉ báo kinh tế trên đà suy yếu

Lê Thị Xuân Phương 10:55 | 16/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trung Quốc đã báo cáo sự sụt giảm doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và đầu tư trong tháng 4, thấp hơn nhiều so với dự kiến ​​của các nhà phân tích.

Trong báo cáo mới nhất, Cơ quan thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết doanh số bán lẻ tại quốc gia này đã giảm 11,1% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm trước, nhiều hơn mức giảm 6,1% được dự đoán trong cuộc thăm dò của Reuters.

Sản xuất công nghiệp giảm 2,9% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, đi ngược kỳ vọng tăng nhẹ 0,4% của giới phân tích. Nguyên nhân là sự lan rộng của làn sóng dịch bệnh buộc các nhà máy ở Thượng Hải phải tạm đóng cửa hoặc hoạt động với công suất hạn chế.

Đầu tư vào tài sản cố định trong 4 tháng đầu năm dù ghi nhận mức tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn so với kỳ vọng tăng trưởng 7%. Đầu tư vào bất động sản giảm 2,7%, trong khi đầu tư vào sản xuất tăng 12,2% và đầu tư vào cơ sở hạ tầng tăng 6,5%.

"Căng thẳng địa chính trị trên thế giới cùng với cú sốc lớn từ sự bùng phát đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động ngoài dự đoán”, cơ quan thống kê cho biết trong một tuyên bố gần đây. Tuy nhiên cơ quan này trấn an người dân rằng các tác động từ chính sách kiểm soát dịch chỉ là tạm thời và nền kinh tế dự kiến ​​sẽ ổn định, phục hồi trong những tháng tiếp theo.

Theo Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc, sản lượng sản xuất ô tô chở khách  trong tháng 4 đã giảm 41,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, đây là ngành công nghiệp quan trọng của quốc gia, đóng góp khoảng 1/6 việc làm và khoảng 10% doanh số bán lẻ, theo một nghiên cứu chính thức của Bộ Thương mại Trung Quốc vào năm 2018.

Một dữ liệu kinh tế đáng chú ý khác: tỷ lệ thất nghiệp ở 31 thành phố lớn nhất của Trung Quốc đã tăng lên mức cao mới là 6,7% vào tháng 4. Tỷ lệ thất nghiệp bình quân ở các thành phố trong tháng 4 cũng tăng 0,3 % so với tháng 3 lên 6,1%. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi từ 16 đến 24 lên tới 18,2%.

Trong khi đó, nhu cầu vay vốn của các hộ gia đình và doanh nghiệp đều sụt giảm. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết tổng tài trợ xã hội - một thước đo bao quát về tín dụng và thanh khoản - đã giảm gần một nửa vào tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 910,2 tỷ nhân dân tệ (134,07 tỷ USD).

Nhà kinh tế Larry Hu, Trưởng nhóm Kinh tế Trung Quốc tại Macquarie cho biết ông dự kiến ​​nhu cầu tín dụng sẽ giảm trong ngắn hạn. Trước nhu cầu tín dụng sụt giảm, vào ngày 15/5, chính quyền trung ương Trung Quốc lần đầu tiên tiến hành cắt giảm lãi suất thế chấp cho những người mua nhà để kích cầu tiêu dùng.

Bất động sản và các ngành liên quan đến bất động sản đóng góp khoảng một phần tư trong quy mô GDP của Trung Quốc, theo Moody’s. “Việc cắt giảm lãi suất như vậy vẫn chưa đủ để xoay chuyển tình thế cho lĩnh vực bất động sản, nhưng chí ít cũng có nhiều sự nới lỏng hơn”, ông Larry Hu cho biết trong một ghi chú.