Khó khăn chồng chất do dịch Covid-19, Tổng cục Thuế thu được bao tiền cho ngân sách?

05:52 | 10/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo báo cáo, tổng số tiền nợ thuế ngành thuế quản lý tính đến ngày 30/6/2021 là 115.983 tỷ đồng, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2020 trong đó nợ thuế có khả năng thu là 80.037 tỷ đồng...

Theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến để sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, để thực hiện hiệu quả công tác thu hồi, xử lý nợ thuế năm 2021, Tổng cục Thuế đã xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế đến từng Cục Thuế, giao tổng số tiền thuế nợ không vượt quá 5% so với tổng số thực thu ngân sách năm 2021; thu tối thiểu 80% các khoản tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày thời điểm 31/12/2020; phấn đấu đến 31/12/2021 hoàn thành việc xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội...

Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn ngành thuế cũng đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên website của cơ quan Thuế đối với 62.666 NNT chây ỳ, nợ thuế không nộp tiền thuế đúng hạn với tổng số tiền thuế nợ là 67.620 tỷ đồng. 

Tổng cục Thuế: Kết quả thu hồi nợ đọng thuế giảm 4,8%

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến để sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của Tổng cục Thuế.

Kết quả thu hồi nợ đọng thuế, lũy kế đến 30/6/2021, toàn ngành Thuế thực hiện thu hồi nợ thuế ước đạt 16.302 tỷ đồng, bằng 54,2% chỉ tiêu thu nợ được giao, trong đó: thu bằng biện pháp quản lý nợ là 11.012 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 5.290 tỷ đồng.

Kết quả xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 và Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14: Về khoanh nợ tiền thuế, tổng số tiền thuế nợ được khoanh nợ là 2.172 tỷ đồng. Trong đó: khoanh nợ theo Nghị quyết 94 là 1.783 tỷ đồng, khoanh nợ theo Luật Quản lý thuế là 389 tỷ đồng; Về xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tổng số tiền thuế, tiền chậm nộp được xóa là 1.470 tỷ đồng. Trong đó: xóa nợ tiền chậm nộp theo Nghị quyết 94 là 1.467 tỷ đồng; xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp theo Luật Quản lý thuế là 3,5 tỷ đồng.

Tổng số tiền nợ thuế ngành thuế quản lý tính đến ngày 30/6/2021 là 115.983 tỷ đồng, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý (đang trình cấp có thẩm quyền xóa nợ, miễn giảm, gia hạn, nộp dần tiền thuế) và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm 30/6/2021 là 105.315 tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ.

Trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu là 80.037 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2020 (gồm: các khoản nợ thuế, phí là 38.982 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ; các khoản nợ liên quan đến đất là 21.063 tỷ đồng, tăng 40,7% so với cùng kỳ; tiền phạt và tiền chậm nộp phát sinh của nợ có khả năng thu (tính 0,03%/ngày trên số thuế chậm nộp) là 19.992 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ). 

Tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi (của NNT đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh) là 25.278 tỷ đồng, giảm 47,8% so với cùng kỳ năm 2020.

60/63 địa phương có số thu đạt 50% dự toán trở lên

Cũng tại Hội nghị trực tuyến để sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan thuế các cấp thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục bùng phát tại nhiều khu vực, trong đó có Việt Nam.

Mặc dù vậy, với việc kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19 ở trong nước từ nửa cuối năm 2020, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế, sản xuất kinh doanh trong nước cơ bản trở lại bình thường. Cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp của Chính phủ kịp thời, hiệu quả đã tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ quý IV/2020, quý I/2021.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị quyết số 01 và Nghị quyết số 02 năm 2021, chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã triển khai cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trọng tâm và các nhóm giải pháp thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Báo cáo cho thấy, thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2021 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 656.374 tỷ đồng, đạt 58,8% dự toán, bằng 114,3% so cùng kỳ. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 18.725 tỷ đồng, bằng 80,7% dự toán, bằng 87,8% cùng kỳ; thu nội địa ước đạt 637.649 tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán, bằng 115,3% cùng kỳ. Số thu không kể tiền sử dụng đất ước đạt 558.838 tỷ đồng, bằng 56,9% dự toán, bằng 114,5% cùng kỳ.

Nếu loại trừ các khoản thu đột biến trong 6 tháng đầu năm và yếu tố chính sách do thực hiện gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, tổng thu do cơ quan thuế quản lý 6 tháng tăng 4% so với cùng kỳ, thu nội địa trừ đất tăng 2,5%, thu nội địa từ thuế phí tăng 5,7%.

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt khá, được đánh giá chủ yếu do đà tăng trưởng kinh tế từ cuối năm 2020 và tăng thu từ một số nguồn thu do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ của năm 2020. Trong đó một số ngành đạt mức tăng trưởng cao, nóng như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô... góp phần quan trọng vào số thu trong 6 tháng đầu năm.

Đáng chú ý, đa số các địa phương đạt tiến độ thu khá so với dự toán. Có 48 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán đạt trên 55%; có 12 địa phương thực hiện đạt từ trên 50% đến dưới 55% dự toán. Chỉ có 3 địa phương có tiến độ thu đạt dưới 50% là: Bắc Cạn; Sơn La; Hòa Bình.

Xem thêm: Công ty sản xuất xi măng ở Ninh Bình nợ thuế gần 17 tỷ đồng

Hoa Trần