Khó khăn nhân đôi với ngành dệt may: Đơn hàng giảm, có nguy cơ bị áp thuế nhập khẩu ưu đãi vào EAEU

15:07 | 24/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Những mặt hàng như váy, đầm, quần áo phụ nữ xuất khẩu sang EAEU được cảnh báo vượt ngưỡng ưu đãi, sẽ bị áp mức thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường (MFN) trong thời gian 6 tháng hoặc 9 tháng.
Ngày 23-11, Bộ Công Thương vừa thông tin Ủy ban Kinh tế Á Âu (EEC) gửi cảnh báo mặt hàng dệt may Việt Nam hưởng ưu đãi thuế suất tối huệ quốc (MFN) xuất khẩu vào Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU). 
 
Theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEU thì một số hàng hóa dệt may có nguy cơ vượt ngưỡng áp dụng biện pháp phòng vệ năm nay theo cam kết trong khuôn khổ hiệp định. 

Theo Bộ Công Thương, các mặt hàng váy, đầm, quần áo phụ nữ mã HS 6104.41, 6104.42, 6104.43, 6104.44, 6104.49, 6204.42, 6204.44, 6204.49 của Việt Nam xuất khẩu vào EAEU trong thời gian từ tháng 1- 7/2020 đã đạt 79,4% mức ngưỡng quy định cho năm 2020.

Theo Điều 2.10 của hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EAEU quy định về biện pháp phòng vệ ngưỡng đối với 12 nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, mặt hàng dệt may đang có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng khi nhập khẩu vào EAEU, theo đó, tùy thuộc lượng xuất khẩu vượt ngưỡng, các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ bị áp mức thuế MFN trong thời gian 6 tháng hoặc 9 tháng.
 
Khó khăn nhân đôi với ngành dệt may: Đơn hàng giảm, có nguy cơ bị áp thuế nhập khẩu ưu đãi vào EAEU - ảnh 1
Do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 ngành dệt may bị giảm số lượng đơn hàng đáng kể
 
Hiệp định VN-EAEU chính thức có hiệu lực từ ngày 5-10-2016, các doanh nghiệp Việt Nam và Liên minh có điều kiện khai thác các ưu đãi thương mại, đầu tư mà hai nước dành cho nhau trong Hiệp định, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư.

Vào thời điểm ký VN-EAEU FTA, Việt Nam là đối tác đầu tiên của Liên minh, vì vậy hàng hóa Việt Nam có lợi thế đặc biệt để thâm nhập thị trường khối EAEU.

Thị trường EAEU có nhu cầu rất lớn về những sản phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như hàng may mặc, giày dép, điện tử, các sản phẩm nông sản như gạo, hạt tiêu, rau quả, thủy sản.Về phía EAEU, những sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu sang Việt Nam là các mặt hàng xăng dầu, máy móc, hóa chất, sắt thép, hàng tiêu dùng. Cơ cấu sản phẩm giữa Việt Nam và EAEU bổ sung cho nhau thay vì cạnh tranh trực tiếp.
 
Kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu đã tăng trên 25% so với cùng kỳ trong giai đoạn này. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, về phía Việt Nam, các mặt hàng đã tận dụng các ưu đãi của Hiệp định chủ yếu là dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản, điện thoại và linh kiện.
 
Khó khăn nhân đôi với ngành dệt may: Đơn hàng giảm, có nguy cơ bị áp thuế nhập khẩu ưu đãi vào EAEU - ảnh 2
 
Về phía Liên minh Kinh tế Á - Âu, các mặt hàng được hưởng lợi chủ yếu là cá hồi nước ngọt, ngô, phân bón các loại, dầu thực vật, sắt thép, xe tải và một số phương tiện vận tải dùng động cơ diesel... Ngoài ra, số liệu cũng cho thấy các dòng hàng của Việt Nam và các nước Liên minh Kinh tế Á - Âu được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định đang có xu hướng tăng.
 
Bộ Công Thương cho biết sản xuất dệt 8 tháng năm 2020 tăng 1,3% so với cùng kỳ. Sản xuất trang phục tháng 8 tăng 4,9% so với tháng trước, tăng 4,4% so với cùng kỳ nhưng tính chung 8 tháng vẫn giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 8 tháng ước đạt 19,25 tỷ USD, giảm 11,6%; vải mạnh, vải kỹ thuật khác ước đạt 260 triệu USD, giảm 36,8%; xơ, sợi dệt các loại ước đạt 2,2 tỷ USD, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Có thể nói, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu tiêu dùng trên thế giới bị ảnh hưởng bởi các hoạt động giãn cách xã hội, tâm lý không chắc chắn về diễn biến tương lai cùng những chính sách thắt lưng buộc bụng của các hộ gia đình.

Bước sang quý III/2020, tình hình thị trường dệt may thế giới nhìn chung vẫn chưa đón nhận nhiều dấu hiệu khả quan, nhu cầu thị trường chưa chuyển biến nhiều. Niềm tin tiêu dùng các mặt hàng ở Mỹ, EU và Nhật Bản chưa có nhiều tín hiệu tốt.

Xem thêm: Dệt may khó tận dụng ưu đãi trong EVFTA vì bài toán nguyên liệu

Nguyễn Dung(t/h)