Khối DN trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu
08:41 | 13/12/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Tại buổi họp báo thường kỳ vào chiều 12/12, Bộ Công Thương cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chắc chắn vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau tháng 12/2019.
Thông tin tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành (IIP) duy trì được đà tăng trưởng, với mức tăng khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP chung của cả nền kinh tế. Tính chung 11 tháng năm 2019, IIP ước tính tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 10% của cùng kỳ năm 2018. Với nhóm ngành khai khoáng, chỉ số sản xuất trong tháng 11 giảm 5,3% so với cùng kỳ, tính chung 11T/2019 tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ giảm 1,9%).
Sản xuất nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn duy trì là nhóm chiếm tỉ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp, tiếp tục tăng với tốc độ cao nhất (Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP 11T/2019 của nhóm tăng 10,6% so cùng kỳ).
Chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện tháng 11 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, chỉ số sản xuất của ngành tăng 9,5%. Trong đó, sản xuất điện tháng 11 ước đạt 18.788,7 triệu kWh, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng năm 2019, tổng sản lượng điện sản xuất ước đạt 209.465,9 triệu kWh, tăng 9,5% so với cùng kỳ.
Về tình hình xuất nhập khẩu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2019 ước tính đạt 473,73 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, mặc dù còn 1 tháng nữa mới kết thúc năm 2019 song kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã hoàn thành 91,8% so với mục tiêu đề ra từ đầu năm (Kế hoạch năm 2019: kim ngach xuất khẩu đạt 263 tỷ USD, tăng 7-8% so với năm 2018). Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 232,31 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018. Với tiến độ như hiện nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chắc chắn vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau tháng 12/2019.
Đáng chú ý, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2019 với mức tăng 18,1%, cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn gần 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô - đạt 3,8%). Qua đó tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,95% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 29,16%).
Tất cả các nhóm thị trường mà ta có ký kết FTA và đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt, cho thấy sự chủ động khai thác có hiệu quả các FTA đã ký kết. Ví dụ như: Xuất khẩu sang Nhật Bản 11 tháng đầu năm tăng 7,6%; xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 10,1%; xuất khẩu sang ASEAN tăng 2,5%; xuất khẩu sang Nga tăng 9,1%; xuất khẩu sang Niudilan tăng 6,8% so với cùng kỳ... Đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu (xuất khẩu sang Canađa 11 tháng đầu năm đạt 3,5 tỷ USD, tăng 27,2%; xuất khẩu sang Mexico đạt 2,7 tỷ USD, tăng 29,5%).
Về thương mại nội địa, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá, nhìn chung, công tác ổn định thị trường, cung cầu hàng hóa được đảm bảo, hàng hóa phong phú, đa dạng, bảo đảm cung - cầu các loại hàng hóa trong những tháng cuối năm 2019. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2019 ước tính đạt 425,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của tháng 11 trong 6 năm trở lại đây.
Trong thời gian tới, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành kế hoạch 2019. Cụ thể, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi nhất về sản xuất và thủ tục XNK để hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thành các đơn hàng sản xuất theo kế hoạch. Tăng cường giám sát đầu tư, phấn đấu đưa các dự án sản xuất theo đúng tiến độ góp phần tăng trưởng năng lực sản xuất chung của ngành. Khẩn trương lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành theo quy định làm cơ sở để đầu tư các dự án sản xuất mới.
Đồng thời, phát triển thị trường trong nước, ổn định cung - cầu hàng hóa; tăng cường kiểm soát chất lượng và giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, sức khỏe nhân dân trong dịp tết nguyên đán sắp tới; thắt chặt công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận thương mại, tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa...