Khối ngoại bán ròng: Không chỉ là câu chuyện chênh lệch lãi suất

Diên Vỹ 16:13 | 19/07/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, ngoài các yếu tố như chênh lệch lãi suất khi Fed duy trì mặt bằng lãi suất cao hay rủi ro tỷ giá, thì một nguyên nhân khác mà có thể cũng góp phần vào xu hướng khối ngoại rút ròng là làn sóng đầu tư vào AI và bán dẫn trên toàn cầu.

 

Trong tháng 6, khối ngoại tiếp tục xu hướng bán ròng với giá trị bán ròng 16.738 tỷ đồng trên cả 3 sàn và là tháng bán mạnh thứ 2 trong lịch sử chỉ sau tháng 5. Bước sang nửa đầu tháng 7, đà bán ròng vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

 Ảnh: SHS Research

Ước tính 6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị bán ròng của khối ngoại là là 52.621 tỷ đồng, gấp 2,3 lần giá trị bán ròng trong cả năm 2023. Trong đó bán ròng 52.037 tỷ đồng tại HOSE (gấp 172 lần cùng kỳ 2023), bán ròng 1.223 tỷ đồng tại UPCOM (gấp 2,48 lần cùng kỳ), mua ròng 639 tỷ đồng tại HNX (-55,2% cùng kỳ). Còn nếu tính đến giữa tháng 7, tổng giá trị bán ròng đã vượt 61.000 tỷ, cao hơn cả mức bán ròng kỷ lục 60.685 tỷ đồng ghi nhận trong cả năm 2021.

Tại các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á, dòng vốn ngoại cũng duy trì vị thế bán ròng cổ phiếu trong 6 tháng đầu năm 2024, trong đó bán mạnh nhất tại Thái Lan (-3,2 tỷ USD), Việt Nam (-1,6 tỷ USD), Philipines (-523 triệu USD), Indonesia (-316 triệu USD), Malaysia (-185 triệu USD).

  Ảnh: SHS Research 

Khối ngoại bán ròng: Nguyên nhân do đâu?

Tại Đối thoại tháng 7 với chủ đề "Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức" do Câu lạc bộ nhà báo chứng khoán tổ chức ngày 19/7, một số chuyên gia đã có những nhận định về nguyên nhân của xu hướng khối ngoại bán ròng.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, một số lý do chính khiến khối ngoại bán ròng mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán Việt Nam được các đối tác đề cập đến là việc phân bổ lại danh mục tài sản, rút khỏi một số thị trường trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn tiếp tục neo lãi suất ở mức cao. “Họ không kỳ vọng vào việc Fed giảm lãi suất, bởi vì tăng nhanh nhưng thường giảm sẽ chậm”, ông Thuân cho hay.

Cùng đó là động thái chốt lời, hiện thực hóa lợi nhuận trong bối cảnh xuất hiện rủi ro về tỷ giá đồng Việt Nam. Theo ông Thuân, nhiều cổ phiếu các nhà đầu tư ngoại đã đầu tư và có lãi tới vài chục phần trăm nên việc hiện thực hóa lợi nhuận trong bối cảnh hiện nay cũng là cần thiết.

Thứ ba là quan ngại về các rủi ro với thị trường do một số yếu tố như chất lượng tài sản ngân hàng, triển vọng thị trường BĐS…

Từ góc độ quỹ đầu tư, ông Dominic Scriven, chủ tịch Dragon Capital, cho hay ngoài những yếu tố khách quan như việc Fed neo cao lãi suất, một nguyên nhân dẫn đến xu hướng khối ngoại rút ròng là do thị trường Việt Nam không có nhiều yếu tố mới và thú vị thu hút sự quan tâm nhà đầu tư ngoại. Chẳng hạn như việc TTCK Việt Nam chưa được nâng hạng cũng tác động tới quyết định của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Câu chuyện bán ròng có thể không chỉ là việc so sánh lãi suất thị trường nào cao, thị trường nào thấp

 TS. Lê Xuân Nghĩa. Ảnh: Baodautu

Trong cuộc trao đổi với Doanh nhân Việt Nam, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chỉ ra ngoài các yếu tố như chênh lệch lãi suất khi Fed duy trì mặt bằng lãi suất cao, hay rủi ro tỷ giá, thì một nguyên nhân khác mà ông cho rằng cũng góp phần khiến khối ngoại rút ròng là xu hướng đầu tư vào AI và bán dẫn trên toàn cầu.

“Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đang thu hút đầu tư rất mạnh vào lĩnh vực công nghệ, mà cụ thể là chip bán dẫn và cả AI tạo sinh. Đó là những lĩnh vực đang phát triển rất nhanh và cần nguồn vốn đầu tư rất lớn. 

Tôi cho rằng một phần nguyên nhân khiến khối ngoại rút ròng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều thị trường mới nổi là để cơ cấu lại danh mục, tăng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tại các nền kinh tế lớn. Bởi họ biết rằng những công nghệ như AI, bán dẫn… sẽ là tương lai của thế giới, mà ở Việt Nam thì đến nay mặc dù chúng ta nói nhiều, nhưng những dự án thực chất để đầu tư thì chưa có bao nhiêu”, TS. Lê Xuân Nghĩa cho hay.

Theo TS Nghĩa, xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ đã khiến dòng đầu tư tìm đến nhiều hơn với các nền kinh tế lớn, và bản chất ở đây là câu chuyện đầu tư dài hạn, đầu tư cho tương lai, chứ không đơn thuần là câu chuyện so sánh lãi suất ở đâu cao ở đâu thấp như trong quá khứ.

Và nếu xét từ nguyên nhân như vậy, thì TS. Nghĩa cho rằng khó để kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ ồ ạt quay lại Việt Nam khi Fed hạ lãi suất, mà có thể chỉ quay lại ở một mức độ vừa phải, bởi theo vị chuyên gia, triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam về cuối năm nay vẫn khá lạc quan, nhất là với động lực khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024.

Thêm vào đó, mặc dù khối ngoại ồ ạt bán ròng, nhưng NĐT cá nhân trong nước đã “cân” hầu hết lực bán ròng đó, nên theo TS. Nghĩa tác động của bán ròng cũng không quá đáng lo. Chẳng hạn, 6 tháng đầu năm 2024, khối ngoại bán ròng 52.621 tỷ đồng, NĐT tổ chức trong nước bán ròng 3.908,89 tỷ đồng trong khi NĐT cá nhân mua ròng kỷ lục 55.945,73 tỷ đồng.