Khơi thông dòng vốn trái phiếu doanh nghiệp
Tuy nhiên, thị trường này vẫn còn những khó khăn, tồn đọng cần tháo gỡ. Xoay quanh nội dung này phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến từ các luật sư, doanh nghiệp chứng khoán về giải pháp để phát triển minh bạch, bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Ông Phan Tùng Lâm, Giám đốc Kinh doanh trái phiếu và Sản phẩm cấu trúc, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI)
Sau khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định 08) được ban hành, rất nhiều tổ chức phát hành đã đàm phán thành công với trái chủ để kéo dài thời hạn đáo hạn của trái phiếu với quy mô lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, tạm thời giảm áp lực thanh toán trái phiếu đáo hạn trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, những tổ chức phát hành này vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh và vẫn phải đối diện với áp lực thanh toán lớn khi hết thời hạn giãn nợ. Do đó, từ phía các doanh nghiệp phát hành phải chủ động và tự chịu trách nhiệm với việc cân đối nguồn vốn, dòng tiền. Đồng thời, cắt giảm chi phí và tinh gọn hoạt động kinh doanh để đảm bảo hoàn thành nghĩa vụ với trái chủ.
Bên cạnh tổ chức phát hành, vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan như: kiểm toán, tư vấn hồ sơ phát hành, định giá, quản lý tài sản bảo đảm, đặc biệt là các kênh phân phối trái phiếu với mỗi đợt phát hành phải được nâng cao. Vì vậy, cần có những tiêu chuẩn và quy định cụ thể của các đơn vị này.
Về phía cơ quan quản lý, mặc dù Chính phủ đã rất tích cực tìm cách tháo gỡ vướng mắc pháp lý đối với các dự án lớn, nhưng tốc độ tháo gỡ thực tế vẫn còn chậm. Do đó, cần đẩy nhanh tốc độ xử lý các vấn đề pháp lý để sớm giải quyết những “cục máu đông”, khơi thông lại dòng vốn này. Có như vậy, niềm tin của nhà đầu tư mới quay trở lại với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI)
Từ đầu năm đến nay đã có 227 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị đạt 215.583 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù vậy, con số này vẫn thấp so với giai đoạn 2021 - 2022. Trong tổng giá trị phát hành thành công có gần 70% là trái phiếu được phát hành bởi các tổ chức tín dụng, gần 20% là phát hành từ các công ty bất động sản. Còn phát hành trái phiếu từ các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác vẫn thấp.
Thực tế này cho thấy sự hồi phục của thị trường trái phiếu còn “dè dặt”, niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường còn hạn chế. Nhiều loại trái phiếu của nhiều doanh nghiệp vẫn phải gia hạn thời gian trả nợ gốc và lãi do tổ chức phát hành gặp khó khăn về tài chính…
Hiện nhiều quy định pháp lý về việc phát hành trái phiếu đã rõ ràng hơn, nhưng các doanh nghiệp phát hành vẫn vi phạm quy định về công bố thông tin. Điều này ảnh hưởng tới tính minh bạch của đợt phát hành, có thể khiến nhà đầu tư không tiếp cận đầy đủ thông tin để ra quyết định đầu tư.
Theo quy định hiện hành, mức xử phạt đối với các vi phạm này tối đa là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức. Tuy nhiên, con số này rất nhỏ so với tổng giá trị phát hành trái phiếu.
Chính vì vậy, có thể các tổ chức phát hành chưa thực sự nghiêm túc trong tuân thủ quy định của pháp luật. Do đó, cơ quan quản lý có thể nghiên cứu tăng chế tài để tăng tính tuân thủ của các tổ chức phát hành.
Mức chế tài có thể áp dụng tối đa lên tới 300 triệu đồng với cá nhân và 1 tỷ đồng đối với tổ chức, hoặc có thể tính theo % trên tổng giá trị phát hành trái phiếu để mức chế tài đủ lớn. Đây có thể là mức đủ cao để các tổ chức phát hành phải nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law
Thị trường trái phiếu hiện vẫn còn tồn đọng một số vấn đề cần được giải quyết để đảm bảo quyền lợi của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp. Nhiều nhà đầu tư còn lo ngại về mức độ minh bạch thông tin khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể không công bố đầy đủ hoặc chính xác các thông tin về tình hình tài chính, khả năng trả nợ và các rủi ro liên quan.
Chẳng hạn, một số doanh nghiệp đẩy mức lãi suất phát hành trái phiếu lên cao để huy động vốn dù năng lực tài chính yếu, hoạt động kinh doanh không ổn định.
Nếu hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, doanh nghiệp sẽ không có khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo cam kết trái phiếu. Hoặc, có những doanh nghiệp phát hành trái phiếu vi phạm về công bố thông tin khi sử dụng vốn sai mục đích đã công bố. Điều này khiến nhà đầu tư khó đánh giá chính xác khả năng trả nợ của doanh nghiệp và đưa ra quyết định đầu tư hợp lý.
Việc những tên tuổi lớn như Tân Hoàng Minh hay Vạn Thịnh Phát bị phanh phui sai phạm không chỉ gây ra tổn thất lớn về tài chính cho trái chủ, mà còn tác động tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư vào loại hình đầu tư này.
Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, niềm tin chính là một yếu tố cốt lõi, nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định đầu tư. Xếp hạng tín nhiệm là một trong những mắt xích quan trọng của quá trình khôi phục niềm tin của thị trường và tăng cường minh bạch thông tin doanh nghiệp.
Ngoài ra, cơ chế pháp lý và giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp là vấn đề cần được xem xét để hoàn thiện hơn. Do đó, cần có các quy định chặt chẽ để kiểm soát việc phát hành và sử dụng vốn từ trái phiếu. Điều này, đảm bảo rằng các doanh nghiệp không lợi dụng thị trường để huy động vốn mà không có kế hoạch trả nợ rõ ràng.
Các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nhà đầu tư tiếp tục đề xuất các quy định mới hoặc sửa đổi bổ sung quy định không phù hợp, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài để có thể thúc đẩy thị trường phát triển bền vững và thực hiện mục tiêu quản lý thị trường.