FiinRatings: Lãi suất huy động tăng tạo thêm áp lực dòng tiền cho trái chủ, ảnh hưởng đến kế hoạch phát hành TPDN

Diên Vỹ 10:38 | 25/06/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo FiinRatings, xu hướng các ngân hàng quốc doanh tăng lãi suất huy động thời gian tới có thể gây rủi ro đối với các trái phiếu trả lãi theo cơ chế thả nổi, khi các trái chủ phải đối diện với áp lực dòng tiền để trả lãi.

 

Nhóm phân tích cho rằng xu hướng lãi suất đảo chiều cũng sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kế hoạch huy động qua kênh trái phiếu của các doanh nghiệp trong năm nay. 

Dự báo thị trường TPDN sôi động hơn trong nửa cuối năm

Trong báo cáo cập nhật triển vọng trái phiếu doanh nghiệp  (TPDN) mới nhất, FiinRatings thống kê rằng thị trường TPDN riêng lẻ trong tháng 5/2024 tiếp tục tăng trưởng cả về số đợt và giá trị phát hành. Ghi nhận đến ngày 6/6/2024, trong tháng 5 thị trường đón nhận 26 đợt phát hành mới với tổng giá trị đạt 23,2 nghìn tỷ, tăng 20,6% so với tháng trước và tương đương 6,1 lần so với cùng kỳ năm trước. 

Trên thị trường thứ cấp, trong tháng 5, tổng giá trị giao dịch trái phiếu (cả phát hành ra công chúng và trái phiếu riêng lẻ) đạt hơn 106 nghìn tỷ, tăng 43,7% so với tháng trước. Khối lượng giao dịch qua hình thức khớp lệnh (với toàn bộ là trái phiếu phát hành ra công chúng) giảm 12,8% so với tháng 4 và chiếm tỷ trọng thấp trên tổng thanh khoản thị trường với chỉ 0,23%. Thanh khoản trung bình ngày trong tháng 5 đạt 4,8 nghìn tỷ VNĐ, gấp 1,24 lần tháng trước đó. 

Theo FiinRatings, mặc dù lãi suất cho vay đã giảm ở mức rất thấp và thanh khoản ngành ngân hàng đang dồi dào, tín dụng vẫn tăng chậm từ năm 2023 đến nay. Điều này phản ánh khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, dẫn tới đầu ra thấp ở phía các tổ chức tín dụng, bao gồm cả cho vay khách hàng và đầu tư TPDN. Tuy vậy, với sự hồi phục của kinh tế vĩ mô, FiinRatings dự báo nhu cầu đi vay và phát hành TPDN của doanh nghiệp sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024, giúp tăng trưởng tín dụng hoàn thành mục tiêu 14-15% cả năm của NHNN. 

Dự báo dựa trên một số yếu tố. Thứ nhất, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trở lại nhờ kinh tế tại các thị trường chính phục hồi, dẫn tới nhu cầu vốn của các doanh nghiệp sản xuất cải thiện. 

Thứ hai, tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh BĐS, trong đó bao gồm đầu tư TPDN BĐS bởi các NHTM có triển vọng hồi phục khi các vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ. Ngoài ra, các Bộ Luật mới được thông qua được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho sự phục hồi của thị trường BĐS. 

Cuối cùng, để đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng trong nửa cuối năm, các tổ chức tín dụng sẽ cần củng cố nguồn vốn trung dài hạn, trong đó bao gồm hình thức phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2. Do đó, FiinRatings dự báo hoạt động phát hành TPDN của các tổ chức tín dụng sẽ bận rộn hơn trong thời gian tới.

Ngoài ra, do các ngân hàng vẫn là nhà đầu tư chính của TPDN trong bối cảnh pháp lý và chính sách hiện nay, nên việc đa dạng hóa hình thức cấp vốn cho các doanh nghiệp bởi ngân hàng cũng sẽ làm tiền đề cho sự tiếp tục hồi phục của trái phiếu.  

   Ảnh: FiinRatings 

 

“Là nhóm nhà đầu tư TPDN lớn nhất, việc các tổ chức tín dụng đẩy mạnh đầu ra qua kênh đầu tư TPDN là yếu tổ quan trọng giúp thị trường TPDN sôi động hơn trong nửa cuối năm nay”, báo cáo của FiinRatings nhận định.

Lãi suất tăng có thể ảnh hưởng đến kế hoạch phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp

FiinRatings thống kê rằng trong tháng 5 và tháng 6, lãi suất tiết kiệm 12 tháng trung bình của các ngân hàng tư nhân đã tăng lần lượt 19 và 17 điểm phần trăm so với tháng liền trước.

 Ảnh: FiinRatings

Nhóm phân tích nhận định rằng tuy lãi suất huy động tại các ngân hàng tư nhân đã tạo đáy từ tháng 4, nhưng mặt bằng lãi suất tại các ngân hàng quốc doanh (nhóm Big 4 ngân hàng) vẫn đi ngang, do đó tạm thời chưa ảnh hưởng đến chi phí lãi đối với các trái phiếu có lãi coupon thả nổi (neo theo mức tham chiếu là lãi suất tiết kiệm trung bình của nhóm ngân hàng Big 4). 

Tuy nhiên, thanh khoản bớt dư thừa trong hệ thống cũng sẽ dẫn tới việc các ngân hàng quốc doanh tăng lãi suất huy động trong thời gian tới, gây rủi ro đối với các trái phiếu trả lãi theo cơ chế thả nổi. Trái chủ của các trái phiếu này sẽ phải đối mặt với chi phí lãi cao hơn và cần cân đối dòng tiền để trả lãi. 

 

“Xu hướng lãi suất đảo chiều cũng sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kế hoạch huy động qua kênh trái phiếu của các doanh nghiệp trong năm nay”, theo FiinRatings.

Ở chiều ngược lại, đây sẽ là yếu tố thúc đẩy việc phát hành trái phiếu dài hạn với lãi suất cố định trên nền lãi suất còn thấp như hiện nay đặc biệt là các trái phiếu được bảo lãnh bởi các tổ chức quốc tế uy tín hoặc những lô trái phiếu bởi các doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm cao được chào bán cho các nhà đầu tư phi ngân hàng. 

   Ảnh: FiinRatings 

Tỷ giá neo cao làm cho các khoản đầu tư vào TPDN trở nên kém hấp dẫn hơn

Cũng theo FiinRatings, NHNN đã duy trì các biện pháp can thiệp trong bối cảnh tỷ giá tiếp tục tăng. 

Trong tháng 5, NHNN sử dụng nghiệp vụ phát hành tín phiếu với tổng giá trị hút đạt 79.540 tỷ VNĐ và điều chỉnh lãi suất phát hành lên 4,25%, đồng thời bán can thiệp ở mức giá 25.450 VNĐ và kiểm soát thị trường vàng để kiềm chế đà mất giá của tiền đồng. Cùng với đó, NHNN kết hợp bơm 122.516 tỷ VNĐ qua kênh OMO nhằm điều tiết thanh khoản hệ thống. 

   Ảnh: FiinRatings 

Thực tế cho thấy nhu cầu USD rất lớn trong tháng 5 và các tháng tới, thể hiện ở xu hướng nhập siêu và bán ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán (khoảng 30 nghìn tỷ đồng từ đầu năm nay) cũng như biến động tài khoản vốn, từ đó tiếp tục khiến VNĐ mất giá. Việc FED tiếp tục giữ nguyên lãi suất và lùi thời hạn cắt giảm sang cuối 2024 có thể kìm hãm tác dụng các chính sách điều hành tỷ giá trong nước. Do đó, nhóm phân tích dự báo NHNN sẽ phải áp dụng các biện pháp mạnh hơn trong việc hút VNĐ để ổn định tỷ giá.

Về tác động của áp lực tỷ giá đến thị trường, FiinRatings chỉ ra rằng thị trường TPDN Việt Nam hiện nay thiếu sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, mặc dù họ đã thể hiện sự quan tâm lớn đối với loại hình đầu tư cố định này. Vì vậy, tình trạng tỷ giá neo cao làm cho các khoản đầu tư vào TPDN trở nên kém hấp dẫn hơn so với thực tế, đồng thời tạo ra rào cản làm chậm tiến trình gia nhập thị trường của các chủ thể nước ngoài.