Không dùng tiền mặt chi trả trợ cấp xã hội trong cả nước vào năm 2025

06:45 | 27/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đó là dự báo lạc quan của Ngân hàng Thế giới về tương lai không dùng tiền mặt chi trả trợ cấp xã hội trong cả nước vào năm 2025.
Thói quen tiêu tiền mặt
 
Hiện nay, tại Việt Nam các hình thức thanh toán không tiền mặt, bao gồm thẻ tín dụng, ATM, dịch vụ ngân hàng trực tuyến Internet banking, ví điện tử, QR code và các ứng dụng thanh toán kỹ thuật số khác không còn xa lạ với nhiều người. Bên cạnh đó, một bộ phận lớn dân số vẫn có thói quen tiêu tiền mặt.
 
Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Nhà nước, năm 2019, gần 40% người dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng nhưng vẫn còn 80% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, 98% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100 nghìn đồng. Tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán vẫn còn cao so với mục tiêu Chính phủ đề ra là 50% năm 2025 và 20% trước năm 2030.
 
Không dùng tiền mặt chi trả trợ cấp xã hội trong cả nước vào năm 2025 - ảnh 1
Tiêu tiền mặt là thói quen phổ biến của phần lớn người dân Việt Nam. Ảnh nguồn internet
 
Sử dụng tiền mặt trong chi tiêu hàng ngày là thói quen của người Việt Nam nói chung và lĩnh vực an sinh xã hội cũng không ngoại lệ. Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, trong lĩnh vực an sinh xã hội, 75% chi trả lương hưu và gần 100% chi trả trợ cấp xã hội vẫn bằng tiền mặt. Trong khi đó, 80% chi lương của khu vực nhà nước qua tài khoản ngân hàng.
 
Thống kê này nói lên, chi trả trợ cấp xã hội (TCXH) không dùng tiền mặt vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam. Mặc dù chi trả TCXH không dùng tiền mặt có rất nhiều ưu việt như giảm chi phí, tiện lợi.
 
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng cho biết:  “Thanh toán điện tử trong thực hiện các chương trình trợ giúp xã hội là xu thế mà nhiều quốc gia hiện nay đang áp dụng. Thanh toán điện tử sẽ tiết kiệm chi phí, giảm thời gian đi lại cho người thụ hưởng, hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời, tiện lợi và về lâu dài giúp họ tiếp cận với các dịch vụ tài chính tốt hơn, công bằng hơn, minh bạch hơn”.
 
 
Một chương trình thí điểm do Bộ Lao động Thương binh Xã hội phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Úc thực hiện đã cho thấy, phần lớn người dân chuộng sử dụng tiền mặt vì cảm giác yên tâm khi nhận tiền trực tiếp. Đồng thời, họ còn ngại ngần chuyển sang những phương thức khác vì sợ quy trình phức tạp, phát sinh chi phí và không tiện rút tiền nếu mạng lưới ngân hàng và ATM còn thưa thớt. Tình trạng này đặc biệt phổ biến tại các vùng sâu, vùng xa.
 
Cơ hội lớn
 
Chương trình thí điểm ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt chi trả TCXH cho 3.000 người dân ở hai huyện Thạch An và Quảng Uyên (Cao Bằng) cho thấy, những lo ngại trên của người dân hoàn toàn có thể được giải quyết.
 
Báo cáo từ Ngân hàng Thế giới cho biết, trong chương trình thí điểm, các đối tượng nhận TCXH đã được mở tài khoản tại một ngân hàng thương mại (SEAbank) hoặc một ngân hàng số (ViettelPay). Người dùng được tiếp cận dịch vụ tài chính cơ bản như nhận, chuyển tiền, gửi tiết kiệm và thanh toán hóa đơn không mất phí. Cái hay của phương thức này là người sử dụng chỉ cần một chiếc điện thoại di động thông thường để thực hiện các giao dịch. Đồng thời, họ có thể rút tiền mặt tại các đại lý của Viettel hay bưu điện vốn có hệ thống điểm giao dịch và độ phủ sóng rộng hơn nhiều so với hệ thống ngân hàng và ATM.
 
So với phương thức truyền thống, nhận chi trả tiền mặt tại điểm chi trả của bưu điện hoặc UBND xã cố định trong một, hai ngày trong tháng, thì hình thức chi trả mới đã mang lại nhiều ích lợi với cả người hưởng và cơ quan chi trả. Về phía cơ quan chức năng, ứng dụng thanh toán điện tử giúp giảm thời gian xử lý các giao dịch thủ công từ nhiều ngày xuống vài giờ, và đơn giản hóa thủ tục quyết toán. Về phía người dân, từ nay họ có thể nhận tiền vào tài khoản, giữ tiền, rút tiền một cách linh hoạt tại đại lý chi trả gần nhất ngay tại thôn xã của mình. Họ cũng không phải trả một khoản phí gì cho phương thức sử dụng tài khoản này.
 
Ngày 25.11.2020, Bộ Lao động Thương binh Xã hội phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Úc tổ chức hội thảo để tổng kết các bài học từ chương trình thí điểm tại Cao Bằng và định hướng và lập kế hoạch cụ thể để mở rộng phạm vi chương trình thí điểm trên 3 tỉnh thành là Hà Nội, Tp. HCM, tỉnh Thừa Thiên Huế và hướng tới trên toàn quốc.
 
Thống kê của Bộ LĐTB&XH cho thấy: Hiện nay, nước ta có khoảng 30% dân số là đối tượng cần sự trợ giúp. Trong đó có hơn 11,4 triệu người cao tuổi, khoảng 1,4 triệu hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, 6,2 triệu người khuyết tật, trên 9 triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có khoảng 3,75% hộ nghèo, 4,55% hộ cận nghèo, hơn 3,1 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, khoảng 2 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm, ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị mua bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố.
 
Cũng theo nguồn tin trên, tính đến nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là khoảng 15 triệu người; BHXH tự nguyện khoảng 500 nghìn người; bảo hiểm thất nghiệp khoảng 13 triệu người; bảo hiểm y tế khoảng 85 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số.
 
Từ thực tế trên, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng khẳng định: “Các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội ngày càng được mở rộng, mức trợ giúp ngày càng cao hơn, đòi hỏi cần phải có công cụ hiện đại hơn trong việc quản lý chính sách và đối tượng tốt hơn”.
 
Thành công của chương trình thí điểm tại tỉnh Cao Bằng đã mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt. Trong khi đó, thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu của toàn thế giới. Vì vậy, Việt Nam không thể ở ngoài xu thế chung.
 
Thiên Kim