Khu vực FDI tiếp tục là điểm sáng trong năm 2019

17:17 | 12/01/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2019 vào sáng 10/1.

Tại diễn đàn, thông tin về tình hình phát triển của khu vực đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm nay khu vực FDI tiếp tục là một điểm sáng. Lần đầu tiên, vốn giải ngân của các dự án FDI đạt 20,4 tỷ USD, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Tổng vốn đăng ký đạt hơn 38 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Việt Nam hiện là điểm đến đầu tư chiến lược của nhiều Tập đoàn đa quốc gia và đang dần vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ tương lai, dự án xanh, quản trị hiện đại, hàm lượng giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Khu vực FDI tiếp tục là điểm sáng trong năm 2019 - ảnh 1
 Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2019. Ảnh DNVN/HuongLan.
Bên cạnh những thuận lợi, đại diện phía doanh nghiệp FDI, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) Nobufumi Miura đã chỉ ra một số khó khăn của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó đặc biệt là sự thay đổi đột ngột trong các quy định pháp luật, gây rủi ro lớn cho các công ty và nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình phát triển hoạt động kinh doanh.
Cụ thể, Nghị định số 82/2018/ND-CP, được ban hành vào ngày 22 tháng 5 năm 2018 và có hiệu lực thi hành trong một thời gian ngắn kể từ tháng 7 năm 2018, đã bãi bỏ chính sách giảm 50% thuế thu nhập cá nhân. Việc bãi bỏ đột ngột các ưu đãi thuế này đã ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận kinh doanh và chiến lược vốn của các doanh nghiệp nằm trong đặc khu kinh tế, làm gián đoạn đáng kể hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Do đó, để tăng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Chủ tịch JCCI đề nghị Chính phủ Việt Nam cấp giấy phép Doanh nghiệp chế xuất (EPE) từ thời điểm thành lập công ty và xác nhận sự tuân thủ Nghị định 82 bằng cách áp dụng cơ chế kiểm toán sau. Tương tự, trong trường hợp thuê nhà máy, đề nghị Chính phủ Việt Nam công nhận việc đáp ứng yêu cầu với điều kiện là nhà máy này xây tường ngăn với các công ty khác.
Ngoài ra, ông Nobufumi Miura kiến nghị, Chính phủ Việt Nam xây dựng hệ thống tra vấn trước để các công ty có thể liên hệ với Chính phủ, bao gồm cả cơ quan thuế, để được giải đáp thắc mắc về ưu đãi, cấp giấy phép Doanh nghiệp chế xuất (EPE) từ thời điểm thành lập công ty và xác nhận sự tuân thủ Nghị định 82 bằng cách áp dụng cơ chế sau kiểm toán để tăng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam.
Khu vực FDI tiếp tục là điểm sáng trong năm 2019 - ảnh 2
 Khu vực FDI tiếp tục là điểm sáng trong năm 2019.
Tại diễn đàn, bà Virginia Foote, Đồng Chủ tịch, Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) nêu ra các cơ hội xây dựng nền kinh tế Việt Nam bền vững như nhiều quốc gia trên thế giới đang thuận lợi.
Theo đó, bà Virginia Foote nhận định hội nhập toàn cầu tạo cơ hội để Việt Nam áp dụng các tiêu chuẩn có lợi cho Việt Nam và thu hút đầu tư nước ngoài như mong muốn. Các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia có thể đảm bảo thành công của Việt Nam trong hội nhập thương mại. Tuy nhiên, hội nhập cũng dẫn đến những lo ngại về thâm hụt thương mại, ảnh hưởng đến sự ổn định tiền tệ, việc làm khu vực trong nước…
Cùng với đó, Việt Nam có thểnắm bắt các cơ hội tích cực trong dài hạn nhưng cần thiết lập các hệ thống chuẩn bị cho chuyển đổi và cách mạng công nghiệp 4.0, thu hút thêm FDI, và tăng cường liên kết chuỗi để đạt được nhiều lợi ích hơn từ những cơ hội này.
Để nắm bắt cơ hội này, Việt Nam có thể tập trung vào 3 ưu tiên quan trọng để phát huy vai trò, đóng góp của FDI cho tăng trưởng bền vững.
Trước hết, nguồn vốn FDI có thể giúp Chính phủ và khu vực tư nhân xây dựng các hệ thống hiệu quả hơn, dành ít thời gian và tiền bạc hơn cho các thủ tục hành chính. Do đó, Việt Nam cần xây dựng môi trường kinh doanh tuân thủ các thông lệ quốc tế, các tiêu chuẩn toàn vẹn trong kinh doanh, cạnh tranh mở, hệ thống thanh toán toàn cầu, cơ chế giảm sử dụng tiền mặt, giảm tham nhũng, thủ tục hành chính đơn giản, các chính sách có thể dự báo được.
Thứ hai, Việt Nam cần chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng bền vững là nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bền vững và hướng tới nền kinh tế tuần hoàn là hiển nhiên và cấp bách. Bởi, việc giải quyết chất lượng không khí bị ô nhiễm và suy thoái môi trường do quản lý chất thải kém hiệu quả không chỉ cấp bách đối với sự bền vững mà còn là cơ hội to lớn đối với tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, đồng thời hướng đến mục tiêu của nền kinh tế tuần hoàn.
Đặc biệt, theo đồng Chủ tịch VBF, FDI sẽ bị thu hút bởi các chính sách của Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, Việt Nam cần phát triển theo hướng này, các doanh nghiệp FDI sẽ cùng sát cánh thực hiện các mục tiêu này.
Thứ ba, theo bà Virginia Foote, Việt Nam cần ưu tiên xây dựng hệ thống hành chính mạnh, khuyến khích và nuôi dưỡng nguồn vốn FDI, tập trung đổi mới liên kết khu vực FDI với khu vực tư nhân.