Khủng hoảng BĐS của Trung Quốc thêm trầm trọng bất chấp gói giải cứu, sản lượng nhà máy gây thất vọng
Tháng 5 vừa qua, cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn, trong khi sản lượng công nghiệp - một động cơ chủ lực của nền kinh tế - lại tăng trưởng thấp hơn dự báo.
Trong loạt dữ liệu chính thức được công bố vào ngày 17/6, các nhà phân tích tập trung nhiều hơn vào thông tin tiêu cực liên quan tới thị trường bất động sản - vật cản lớn nhất tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Dữ liệu cho thấy đầu tư bất động sản và giá nhà tháng 5 đều giảm mạnh hơn so với tháng liền trước.
Sản lượng công nghiệp tăng 5,6% so với một năm trước đó, theo báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Kết quả này thấp hơn tốc độ tăng của tháng 4 và kém hơn ước tính trung vị của các nhà kinh tế trong khảo sát của Bloomberg.
Doanh số bán lẻ là điểm sáng hiếm hoi do ghi nhận mức tăng mạnh hơn dự kiến.
Hầu hết các chuyên gia đánh giá rằng các số liệu trên cho thấy cuộc phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn còn yếu và nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ cần có thêm động thái để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5%.
Điều này có thể đòi hỏi chính phủ tăng cường chi tiêu và ngân hàng trung ương nỗ lực nhiều hơn để thúc đẩy tín dụng và giúp thị trường bất động sản tạo đáy.
“Đáng thất vọng nhất”
Bà Jacqueline Rong, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng BNP Paribas, bình luận: “Điều đáng thất vọng nhất trong dữ liệu tháng 5 có lẽ là doanh số bất động sản gần như không được cải thiện dù chính phủ đã tung ra nhiều chính sách hỗ trợ”.
Theo bà, các nhà chức trách Trung Quốc cần tìm ra cách để hạ lãi suất của các khoản vay mua nhà hiện tại, thu hẹp khoảng cách với các khoản vay mới.
Hôm 17/6, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) quyết định giữ nguyên lãi suất trong tháng thứ 10 liên tiếp. Các nhà kinh tế nhận định PBoC khó hạ lãi suất bởi các quan chức cần trợ giúp nhân dân tệ.
Đồng nội tệ của Trung Quốc đang chịu áp lực giảm giá sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lặp lại thông điệp duy trì lãi suất cao hơn, trong thời gian lâu hơn.
Các khoản đầu tư tài sản cố định nói chung tăng 4% trong giai đoạn 5 tháng đầu năm, thấp hơn tốc độ 4,2% ghi nhận trong 4 tháng đầu năm, dù chính phủ đã tăng cường phát hành trái phiếu để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Đà tăng của tiêu dùng có thể không bền
Tháng 5 đánh dấu lần đầu tiên doanh số bán lẻ tăng tốc kể từ tháng 11/2023. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ chỉ tăng trưởng 3,7% trong tháng vừa qua, chưa bằng một nửa mức thường thấy trong giai đoạn trước đại dịch là 8%.
Bà Michelle Lam, nhà kinh tế về Trung Quốc tại ngân hàng Societe Generale, cảnh báo đà tăng của doanh số bán lẻ có thể chững lại hoặc bị đảo ngược. Bà cho biết: “Chúng ta vẫn phải quan sát thêm để kết luận liệu diễn biến tích cực của doanh số bán lẻ có thể được duy trì hay không”.
Do các hộ gia đình vẫn ngần ngại chi tiêu, Trung Quốc đã chuyển hướng sang mô hình tăng trưởng do xuất khẩu dẫn dắt. Sự bùng nổ của sản lượng nhà máy đã giúp bù đắp sự sa sút của thị trường bất động sản và giữ cho nền kinh tế tăng trưởng.
Tuy nhiên, chiến lược trên đang vấp phải trở ngại trong bối cảnh các đối tác lớn của Trung Quốc lập ra rào cản thương mại mới. Tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) đã nối gót Mỹ, tăng mạnh thuế quan đối với ô tô điện của Trung Quốc.
Trung Quốc vẫn đang tìm cách thúc đẩy nhu cầu nội địa. Hồi tháng 4, các nhà chức trách đã khởi động chương trình thu cũ đổi mới để khuyến khích các hộ gia đình và doanh nghiệp nâng cấp máy móc, thiết bị. Chương trình cũng bao gồm ưu đãi cho người mua ô tô mới.
Dữ liệu ngày 17/6 cho thấy tác động của sáng kiến trên không lớn. Doanh số bán lẻ ô tô tháng 5 giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước, cải thiện rất ít so với tháng 4.
Gói giải cứu bất động sản
Cuối tháng trước, Trung Quốc công bố gói giải cứu nhằm thúc đẩy doanh số bán nhà trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tín dụng đang nhấn chìm một số nhà phát triển bất động sản lớn nhất nước này.
Giới chức trách nới lỏng quy định về vay mua nhà và khuyến khích doanh nghiệp địa phương mua các căn nhà chưa bán được.
Nhiều nhà đầu tư và nhà phân tích cảnh báo các ưu đãi tài chính của gói giải cứu không đủ lớn và chương trình thử nghiệm ở một số thành phố cho thấy tiến độ có thể diễn ra khá chậm chạp.
Nhu cầu nội địa yếu ớt và môi trường thương mại quốc tế xấu đi đang đè nặng đề nặng lên tâm lý của doanh nghiệp, khiến các công ty ngần ngại đầu tư. Một số doanh nghiệp cũng chuyển bớt hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Trong một cuộc khảo sát với hơn 400 giám đốc điều hành do UBS Group thực hiện trong một tháng đến giữa tháng 5, các công ty cho biết triển vọng về đơn hàng, doanh thu và tỷ suất lợi nhuận đều yếu hơn so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ người trả lời cho biết họ có kế hoạch tăng đầu tư cho tài sản cố định trong nửa cuối năm cũng sụt giảm.
Bà Helen Qiao, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Bank of America Global Research, nói với Bloomberg: “Chính phủ Trung Quốc cần kích thích thêm cho nền kinh tế, nếu không động lực tăng trưởng rất có thể sẽ suy yếu”.