Kiến nghị Quốc hội đồng ý áp dụng EVFTA với Anh tới hết giai đoạn chuyển đổi
Báo cáo nhấn mạnh: Hiệp định EVFTA đã được Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua vào giữa tháng 2 năm 2020 và được Hội đồng châu Âu phê duyệt vào cuối tháng 3 năm 2020.
Ngày 24/4 vừa qua, Hội đồng châu Âu cũng đã gửi công hàm thông báo chính thức với Việt Nam về việc EU đã hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ của mình.
Như vậy Hiệp định EVFTA chỉ cần được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định của Hiệp định là sẽ chính thức có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đã làm rõ một số nội dung quan trọng trong Báo cáo thuyết minh bổ sung về Hiệp định EVFTA của Chính phủ.
Trong đó, liên quan đến quan hệ hợp tác kinh tế với Anh trong khuôn khổ EVFTA, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Khi Hiệp định EVFTA được ký kết, Anh vẫn là thành viên của EU và được coi là thuộc bên tham gia ký kết cùng Việt Nam.
Theo Thỏa thuận Brexit, Anh sẽ có “giai đoạn chuyển tiếp” trước khi chính thức rời khỏi EU. Giai đoạn này bắt đầu từ ngày 01 tháng 02 năm 2020 đến hết 31 tháng 12 năm 2020 (và có thể gia hạn đến 24 tháng). Nếu EVFTA có hiệu lực và được thực thi trong giai đoạn chuyển tiếp thì Anh vẫn được hưởng các cam kết Việt Nam dành cho EU trong khuôn khổ EVFTA và ngược lại.
Vừa qua, Phái đoàn EU và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đã gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương thông báo chính thức về hiệu lực và nội dung của Thỏa thuận này, đồng thời yêu cầu Việt Nam có xác nhận chính thức về việc vẫn áp dụng các thỏa thuận quốc tế giữa EU và Việt Nam (trong đó có Hiệp định EVFTA) đối với Anh như là một thành thành viên EU cho đến hết giai đoạn chuyển đổi trong trường hợp các thỏa thuận này có hiệu lực trong thời gian chuyển đổi.
Do vậy, Bộ trưởng Bộ Công Thương kiến nghị Quốc hội khi phê chuẩn EVFTA thì cũng đồng ý áp dụng Hiệp định EVFTA đối với Anh (do Anh cũng là một bên tham gia ký kết EVFTA) cho tới hết giai đoạn chuyển đổi ngày 31/12/2020 (có thể gia hạn đến 24 tháng).
Đối với giai đoạn sau thời gian chuyển đổi, để tránh bị gián đoạn thương mại, các cơ quan có liên quan của Việt Nam và Anh đã và đang thảo luận về khả năng hai bên đàm phán và ký kết một hiệp định thương mại tự do trên cơ sở kế thừa Hiệp định EVFTA với những điều chỉnh, sửa đổi phù hợp về kỹ thuật và cân bằng lợi ích cho cả hai bên để áp dụng thay thế cho Hiệp định EVFTA khi giai đoạn chuyển đổi kết thúc.
Việc tiếp tục duy trì quan hệ thương mại tự do với Anh sau khi nước này rời khỏi EU sẽ góp phần củng cố và tăng cường trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh trong bối cảnh Anh đang là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại thị trường châu Âu với tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại bình quân là 17,8%/năm.
Tính đến tháng 12/2019, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Anh đạt 6,61 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 5,76 tỷ USD, nhập khẩu từ Anh đạt 856,7 triệu USD, thặng dư thương mại là 4,9 tỷ USD.