Kinh Bắc muốn bán toàn bộ cổ phiếu quỹ
Hội đồng quản trị Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã chứng khoán: KBC) vừa thông qua phương án bán toàn bộ hơn 5,95 triệu cổ phiếu quỹ đang nắm giữ.
Thời gian giao dịch dự kiến là trong quý I/2022 hoặc trong thời hạn mà pháp luật cho phép sau khi được Ủy ban chứng khoán nhà nước chấp thuận hồ sơ đăng ký.
Hiện, mức giá bán cụ thể chưa được công bố, phía Kinh Bắc cho biết mức giá này sẽ không thấp hơn 50.000 đồng/cp. Theo đó, sau khi giao dịch hoàn tất, số vốn mà Kinh Bắc có thể thu về tối thiểu là khoảng hơn 297 tỷ đồng và sẽ được dùng để bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo báo cáo tài chính quý III/2021 của Kinh Bắc, số cổ phiếu quỹ của công ty ghi nhận giá trị hơn 364 tỷ đồng, tương đương gần 61.245 đồng/cp.
Gần đây nhất, tỉnh Hưng Yên đã chấp thuận cho Kinh Bắc đầu tư hơn 200 ha đất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, bao gồm các dự án Cụm công nghiệp Kim Động, Cụm công nghiệp Chính Nghĩa và Cụm công nghiệp Đặng Lễ với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 1 tỷ USD (tương đương khoảng 23.000 tỷ đồng).
Liên quan đến tình hình chào bán cổ phiếu của Kinh Bắc, ngày 10/2 sắp tới, Kinh Bắc cũng sẽ tổ chức kỳ họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để báo cáo phát hành trái phiếu, cổ phiếu trong năm 2021 cũng như thông qua niêm yết trái phiếu, phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2022, bên cạnh kế hoạch kinh doanh và cơ cấu nhân sự cấp cao cho nhiệm kỳ mới.
Nội dung cụ thể và tài liệu họp hiện vẫn chưa được công ty công bố.
Trước đó vào đầu tháng 12/2021, HĐQT Kinh Bắc cũng công bố kế hoạch chào bán gần 190 triệu cổ phiếu mới để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng quy mô vốn hoạt động, dự kiến diễn ra trong quý IV/2021 đến quý I/2022.
Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của Kinh Bắc dự kiến tăng từ 5.757 tỷ đồng lên 7.656 tỷ đồng.
Đầu tháng 10/2021, công ty đã chào bán riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư, thu về gần 3.410 tỷ đồng. Trong đó, hơn phân nửa số vốn (53,1%, tương đương 1.811 tỷ đồng) được công ty dùng để tái cơ cấu các khoản nợ; phần còn lại sẽ được dùng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng quy mô vốn và đầu tư vào các đơn vị thành viên.