Kinh doanh khởi sắc, nhiều ngân hàng chia cổ tức 'khủng' ngay trong tháng này

Đông Bắc 17:53 | 21/08/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các ngân hàng liên tiếp thông báo chia cổ tức trong tháng 8/2024 bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh như kế hoạch đã trình cổ đông thông qua tại đại hội.

  

Nhiều ngân hàng chia cổ tức trong tháng 8

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - mã: SSB) đã có Nghị quyết thông qua ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu và nhận cổ phiếu phát hành để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu năm 2024 là ngày 26/8/2024. Cụ thể, SeABank sẽ phát hành 329 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng tỷ lệ phát hành là 13,18%.

Đồng thời, ngân hàng phát hành thêm 10,3 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương ứng tỷ lệ 0,4127%. Theo đó, tổng tỷ lệ phát hành của hai phương án trên là 13,6%.

Sau khi hoàn thành 2 đợt phát hành cổ phiếu trên, vốn điều lệ của SeABank sẽ tăng thêm 3.393 tỷ đồng, từ 24.957 tỷ đồng lên 28.350 tỷ đồng. Kế hoạch này nằm trong lộ trình tăng vốn được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 của SeABank thông qua và trên cơ sở văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB - mã: OCB) thông báo 30/8 là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20% (cổ đông sở hữu 5 cổ phiếu tại ngày chốt quyền sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới).

Theo đó, OCB sẽ phát hành gần 411 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông. Nguồn phát hành là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2023. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của OCB dự kiến sẽ tăng lên gần 24.658 tỷ đồng.

 Nhiều ngân hàng chia cổ tức trong tháng 8. Ảnh BTC.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB - mã: MSB) cũng đã chốt ngày 29/8 là hạn đăng ký cuối cùng để hưởng quyền nhận cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%. Cụ thể, MSB sẽ tăng vốn theo hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận để lại, tính theo báo cáo tài chính kiểm toán tại thời điểm 31/12/2023 sau khi trích các quỹ theo luật định.

Theo đó, tỷ lệ phát hành của MSB là 30% trên tổng số cổ phần đang lưu hành (người sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 30 cổ phiếu), tương đương phát hành thêm 600 triệu cổ phiếu. Với tỷ lệ này, MSB trở thành ngân hàng có mức trả cổ tức cao nhất trong năm nay. Sau khi tăng vốn, tổng số lượng cổ phiếu lưu hành sẽ là 2,6 tỷ cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ mới đạt 26.000 tỷ đồng.

Còn Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB - mã: VIB) cũng đã thông báo hạn đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng là ngày 23/8/2024. Theo đó, VIB sẽ phát hành thêm gần 431,3 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương ứng tỷ lệ 17% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận thêm 17 cổ phiếu mới). 

Tổng giá trị phát hành của VIB theo mệnh giá là 4.312,6 tỷ đồng, nguồn phát hành là quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại tính đến cuối năm 2023. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của VIB dự kiến sẽ tăng thêm gần 4.313 tỷ đồng.

Trước đó, trong tháng 7, Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank - mã NAB) cũng đã chốt danh sách cổ đông thực hiện phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo đó, Nam A Bank sẽ phát hành cổ phiếu để chia cổ tức với tỷ lệ 25%, vốn điều lệ sẽ tăng thêm 2.654 tỷ đồng. Nguồn phát hành là lợi nhuận chưa phân phối năm 2023 (sau khi đã trích các quỹ) và lợi nhuận chưa phân phối từ các năm trước.

Còn Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TP HCM (HDBank) trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, ngân hàng này đang triển khai kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu theo nghị quyết được Đại hội đồng cổ đông thông qua với tỷ lệ 20%. Theo đó, cổ đông có tên trong danh sách tại ngày đăng ký cuối cùng sẽ nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ phân phối 100:20 (sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 20 cổ phiếu mới).

Sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức, vốn điều lệ HDBank sẽ tăng thêm tối đa 5.825 tỷ đồng lên hơn 35.900 tỷ đồng, giúp HDBank tiếp tục nằm trong nhóm các ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống, các chỉ tiêu an toàn được đảm bảo và hiệu quả hoạt động cao.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng đang triển khai kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 11%, dự kiến nâng vốn điều lệ lên 40.658 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng đang hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan quản lý, thực hiện các thủ tục chuẩn bị triển khai phát hành trả cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu tỷ lệ 11% trong quý III/2024.

Trước đó, SHB đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 19/7 để trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%. Với gần 3,7 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, SHB đã chi hơn 1.800 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.

Tỷ lệ nợ xấu của những ngân hàng chia cổ tức trong tháng 8

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.238 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến hết 30/06/2024, tổng tài sản của SeABank là 280.658 tỷ đồng, vốn điều lệ 24.957 tỷ đồng. ABBank đã trích lập 640 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng thêm hơn 10,36% so với cùng kỳ. Chất lượng tài sản của ABBank được đảm bảo với tỷ lệ nợ xấu cuối quý II được duy trì dưới 3%.

Ngân hàng Phương Đông (OCB): Theo báo cáo tài chính quý II/2024, OCB ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 1.987 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, OCB ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 3.887 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.113 tỷ đồng, lần lượt tăng 8,9% và giảm 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm 2024, OCB lên kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế đạt 6.885 tỷ đồng. Như vậy, OCB mới chỉ hoàn thành 31% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của OCB đạt 238.884 tỷ đồng, với 150.107 tỷ đồng cho vay khách hàng, tăng 3,7% so với thời điểm đầu năm.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng năm 2024, OCB ghi nhận tổng nợ xấu là hơn 4.767,2 tỷ đồng (tính đến ngày 30/6/2024). Trong hơn 4.767,2 tỷ đồng nợ xấu thì nợ có khả năng mất vốn (nhóm nợ 5) là 2.314 tỷ đồng, nợ nghi ngờ (nhóm nợ 4) hơn 1.456,9 tỷ đồng và cuối cùng nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm nợ 3) là 996,3 tỷ đồng. Nếu tính nợ xấu từ các nhóm nợ 3, 4 và 5 trên tổng dư nợ cho vay thì đến 30/6/2024 tỷ lệ nợ xấu Ngân hàng OCB là 3,12%.

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng đã công bố BCTC hợp nhất quý II/2024 với lợi nhuận trước thuế 2.159 tỷ đồng, tăng nhẹ 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Thuyết minh BCTC cho thấy, đến cuối quý II, tổng nợ xấu nội bảng của MSB ở mức 5.132 tỷ đồng, tăng 19,9% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/cho vay theo đó tăng từ mức 2,87% lên 3,08% khi kết thúc quý II. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng khá mỏng, hiện ở mức 58,6%.

Trong khi đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (mã: VIB) ghi nhận, thu nhập lãi thuần tăng 19% so với cùng kỳ quý 2/2022, đạt 4.401 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, nguồn thu chính của VIB tăng mạnh 21% so với cùng kỳ, đạt 8.706 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.

Tổng nợ xấu tính đến cuối quý 2/2023 tại VIB là gần 8.528 tỷ đồng, tăng 50% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn dịch chuyển sang nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ, 2 khoản nợ này ghi nhận tăng tới 104% và 107% so với đầu năm 2023. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 2,45% đầu năm lên 3,63%.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank - mã HDB) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với lợi nhuận trước thuế bán niên lên đến 8.165 tỷ đồng, tăng 48,9% so với cùng kỳ.  Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất, bao gồm tài chính tiêu dùng theo quy định tại Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước, chỉ 1,59%.

Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB - mã: SHB) cũng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 với lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt hơn 6.860 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. 

Nợ xấu nội bảng của SHB cuối tháng 6/2023 ở mức 10.481 tỷ đồng, giảm 372 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm mạnh (giảm gần 1.600 tỷ, -21,6%) xuống còn 5.745 tỷ đồng. Hiện nợ có khả năng mất vốn chỉ còn chiếm tỷ trọng 55% trong tổng nợ xấu, so với mức 68% hồi đầu năm.

Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của SHB giảm từ 2,81% hồi đầu năm xuống còn 2,57% vào cuối tháng 6. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện từ 65% lên 69%. SHB tăng khá mạnh chi phí dự phòng rủi ro trong 6 tháng (tăng 78,5% so với cùng kỳ) lên 2.912 tỷ đồng.