Kinh tế châu Á sẽ thay đổi ra sao nếu ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ

16:45 | 27/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nếu ông Biden đắc cử Tổng thống lần này, thì các chính sách kinh tế đối với châu Á sẽ thay đổi như thế nào?
Nếu ông Biden đắc cử Tổng thống lần này, thì các chính sách kinh tế đối với Châu Á sẽ thay đổi như thế nào?
 
Kinh tế châu Á sẽ thay đổi ra sao nếu ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ - ảnh 1
 
Nếu ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden, Phó Tổng thống dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới đây, ông sẽ phải đối phó với những cơn dư chấn bởi chính sách của Tổng thống Donald Trump đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 4 năm qua.
 
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt chính sách chống lại nền kinh tế Trung Quốc trên mọi mặt trận, từ thương mại, công nghệ cho đến đổ lỗi về dịch bệnh Covid-19. Nhà Trắng đã liên tục nhắm đến các tập đoàn công nghệ lớn như Huawei hay những ứng dụng như Tiktok của Trung Quốc, qua đó làm gia tăng những xung đột thương mại.
 
Chính quyền Tổng thống Trump giữ lập trường đối đầu với Trung Quốc từ thương mại, công nghệ, cách ứng phó với dịch Covid-19 cho đến các vấn đề trên Biển Đông. Một cuộc phân ly về công nghệ và tài chính được cho là đang diễn ra với việc Washington áp dụng loạt biện pháp trừng phạt đối với các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc như Huawei và TikTok. 
 
Nếu đắc cử, ông Biden cũng sẽ kế thừa thỏa thuận thương mại Giai đoạn Một với Trung Quốc với những cam kết chưa được thực hiện của Bắc Kinh và mối quan hệ thương mại bị lung lay với châu Á do ông Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - nay là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
 
Trong những vấn đề được xem là nổi cộm nhất hiện nay thì những chính sách với Trung Quốc luôn được mọi người quan tâm.
 
Về công nghệ với Trung Quốc
 
Ông Biden tuyên bố sẽ dãn dắt nước Mỹ chiến thắng Trung Quốc trong cuộc đua tương lai. Ông Biden dẫn chứng việc Trung Quốc đã gia tăng đầu tư 30 lần cho khoa học và nghiên cứu trong khoảng 1991-2016, qua đó cam kết sẽ chi mạnh tay cho công nghệ nếu đắc cử. 
 
Ông Biden sẽ chi khoản ngân sách 300 tỷ cho các công nghệ mới, từ xe điện cho đến vật liệu mới, công nghệ 5G hay trí thông minh nhân tạo, những lĩnh vực mà Trung Quốc đang bành trướng rất nhanh. 
 
Chính quyền ông Biden cũng ủng hộ “những hạn chế tăng cường đầu tư và thương mại công nghệ theo cả hai chiều” nhưng những hạn chế đó phải có chọn lọc, đặc biệt là những công nghệ quan trọng đối với an ninh quốc gia và nhân quyền, chứ không phải tất cả. Bởi việc quá lạm dụng các hạn chế công nghệ có thể khiến các nước khác chuyển hướng hợp tác với Trung Quốc.
 
Về chiến tranh thương mại
 
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hàng tỷ USD. Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, bất chấp Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1, thuế suất Mỹ áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn ở mức trung bình 19,3%, cao gấp 6 lần so với trước khi xung đột thương mại Mỹ-Trung vào năm 2018. Trong khi đó, thuế suất trung bình Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu Mỹ là 20,3%.
 
Theo ứng viên Biden, kế hoạch thỏa thuận thương mại song phương với Trung Quốc của Tổng thống Trump là vô dụng bởi chúng chẳng cải thiện được sự mất cân bằng thương mại giữa 2 nước cũng như chống lại việc đánh cắp sở hữu trí tuệ. Thay vào đó, ông Biden cho rằng Mỹ nên hợp tác nhiều hơn với các đồng minh để tạo sức ép lên Trung Quốc.
 
Hiện hầu hết các chuyên gia đều cho rằng cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung đã là không tránh khỏi nhưng Nhà Trắng sẽ xử lý tình hình thế nào sẽ là chìa khóa để tạo ra thay đổi tích cực trong mối quan hệ giữa 2 bên.
 
Ông Biden khẳng định muốn đưa chuỗi cung ứng quan trọng trở lại nước Mỹ, ví dụ như với sản phẩm y tế trước thực tế rằng Mỹ thiếu nguồn cung thiết bị bảo hộ cá nhân trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19. 
 
Khánh Linh