Kinh tế gia đình chính là hạt nhân của nền kinh tế
15:42 | 25/06/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là đánh giá của Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về vai trò của doanh nghiệp gia đình hiện nay tại Diễn đàn Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam 2019 với chủ đề “Thực trạng và giải pháp chuyển giao kế nghiệp thành công”.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định, doanh nghiệp gia đình hay rộng ra là kinh tế gia đình chính là hạt nhân của nền kinh tế tại bất cứ quốc gia nào. Theo khảo sát 10 doanh nghiệp gia đình lớn nhất trên thế giới hiện nay cho thấy tổng số vốn của các doanh nghiệp gia đình này lên đến trên 3.000 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa những doanh nghiệp gia đình của nền kinh tế thế giới hiện lớn hơn quy mô nền kinh tế Việt Nam. Do đó có thể hiểu họ chính là một nền kinh tế.
Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, hiện 40% GDP trong nền kinh tế thế giới được tạo ra bởi các doanh nghiệp gia đình với những tập đoàn với thương hiệu danh tiếng như Hermès, Ford, Toyota, Samsung, Hyundai, Estée Lauder…. Tại Việt Nam, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp khoảng 25% GDP của cả nước. Trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam có nhiều doanh nghiệp gia đình và không ít trong số này có cổ phiếu thuộc nhóm mã bluechips trên thị trường chứng khoán như Vingroup, Vietjet, Thành Thành Công, Kido…
Khẳng định các doanh nghiệp gia đình đang đóng góp vai trò quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, TS. Vũ Tiến Lộc một lần nữa nhấn mạnh, thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp gia đình, của hộ kinh doanh cũng là thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước.
Do đó, để thành công trong doanh nghiệp gia đình, Chủ tịch VCCI cho rằng, quản trị doanh nghiệp là yếu tố quyết định. Vì vậy, phải xây dựng được quản trị chuyên nghiệp, không thể gia đình trị và tình trị mà phải kỹ trị và phải có quản lý chuyên môn chuyên nghiệp. Các thành viên gia đình được khuyến khích tham gia vào đầu tư, quản trị doanh nghiệp. Khi tuyển dụng các thành viên gia đình vào các vị trí quản trị phải nghiêm ngặt như tuyển dụng các nhân sự bên ngoài khác. Có vậy doanh nghiệp mới phát triển, nếu không muốn phải đối mặt sự thua kém doanh nghiệp khác và rồi thất bại.
Kinh nghiệm thành công của các tập đoàn, doanh nghiệp gia đình trên thế giới cũng cho thấy bài học tuyển dụng các thành viên vào vị trí quản trị phải chuyên nghiệp. Thậm chí, nếu thành viên gia đình không đảm bảo năng lực quản trị hoàn toàn có thể tuyển dụng nhân sự quản trị từ bên ngoài. Tuy nhiên, các thành viên gia đình sẽ thuận lợi hơn nhiều so với nhân sự từ bên ngoài bởi bên cạnh năng lực trong quản trị sẽ là sự gắn kết gia đình.
TS. Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm: “Nếu thành viên trong gia đình là người quản trị doanh nghiệp, ngoài chỉ số về IQ sẽ có thêm chỉ số tình yêu, nếu phát huy được tình yêu đó cộng với các yếu tố về quản trị chuyên nghiệp sẽ tạo cảm xúc và sáng tạo trong phát triển kinh doanh”. Liên tưởng đến hình ảnh những bà mẹ là doanh nhân, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, những bà mẹ là doanh nhân sẽ có những đứa trẻ yêu kinh doanh từ bụng mẹ, được dạy về kinh doanh từ thuở trong nôi. Những thế hệ kế nghiệp này sẽ có lợi thế lớn hơn.
Đưa ra công thức thành công cho doanh nghiệp gia đình, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Kế nghiệp vốn là sự kế thừa và tiếp tục, nhưng kế nghiệp hiện nay không còn đơn giản như vậy, kế nghiệp phải là sự kế nghiệp sáng tạo. Trong quản trị doanh nghiệp các doanh nghiệp gia đình hãy quan niệm doanh nghiệp như gia đình mở rộng, những người làm thuê cũng như người trong gia đình, gia đình hoá công ty tức là xây dựng văn hoá công ty như xây dựng văn hoá gia đình. Phải xây dựng được mô hình quản trị đối xử với các thành viên và khách hàng như gia đình, phải quan tâm tới người lao động, khách hàng như anh em trong gia đình.
Đặc biệt, Chủ tịch VCCI khẳng định, tình yêu gia đình chính là động lực cho doanh nghiệp gia đình phát triển. Bởi, doanh nghiệp gia đình như 1 con tàu, mỗi thế hệ kế nghiệp là lắp thêm 1 toa mới, những bánh lái và đường ray của nó phải được thiết kế theo nguyên tắc kỹ trị chuyên nghiệp. Phải theo cách đó doanh nghiệp gia đình mới phát triển bền vững.
Theo đó, xây dựng được hệ thống quản trị chuyên nghiệp và vận hành được hệ thống đó chính là yếu tố then chốt tạo sự thành công của doanh nghiệp gia đình. Chủ tịch VCCI cho rằng, ở Việt Nam doanh nghiệp gia đình đầu tiên chính là Âu Cơ và Lạc Long Quân với một người làm kinh tế rừng, một người làm kinh tế biển - đó có thể xem là hình thái tập đoàn kinh tế gia đình đầu tiên tại Việt Nam. Đó là 1 tuyên ngôn về bình đẳng giới, về sự phát triển của doanh nghiệp gia đình của Việt Nam. Mai An Tiêm cũng là doanh nghiệp gia đình như thế. Sau này, là doanh nghiệp gia đình của doanh nhân Bạch Thái Bưởi... Như vậy, từ xa xưa, tinh thần của doanh nhân Việt, của doanh nghiệp gia đình Việt Nam đã là động lực của phát triển kinh tế.
Hiện ở Việt Nam nhiều địa phương, doanh nghiệp còn chưa hiểu nhiều về phát triển bền vững. Tuy nhiên, mới đây, tại TPHCM đã có 1 trường dạy học sinh về các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc. Do đó, các doanh nhân cần giáo dục điều này trong doanh nghiệp gia đình, mỗi doanh nhân đi trước sẽ chính là giáo dục trực quan cho phát triển bền vững tại mỗi doanh nghiệp gia đình, TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định.