Kinh tế thế giới tăng trở lại trong năm 2020

11:32 | 03/01/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Bình luận về những diễn biến kinh tế thế giới, chuyên gia kinh tế cho hay tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 là đáy của giai đoạn giảm sút từ năm 2017 và năm 2020 tăng trưởng sẽ tăng trở lại, song cảnh báo kinh tế có khả năng giảm tốc và chưa chắc đã phục hồi trở lại.

Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, nhận định khi trao đổi với phóng viên bên lề Diễn đàn kinh tế 2020: “Tích luỹ động năng cho chu kỳ tăng trưởng mới” mới đây.

Thưa ông, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, năm 2019 kinh tế thế giới đã gặp nhiều thách thức. Vậy ông có đánh giá nào về những nền kinh tế chủ chốt?

Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn: Năm qua, kinh tế Mỹ vẫn có triển vọng tốt khi mức việc làm vẫn cao khi tỷ lệ thất nghiệp tháng 10/2019 rất thấp ở mức 3,6% so với mức thấp kỷ lục 3,5% trong tháng 9/2019. Tiêu dùng cá nhân tốt khi mức bán lẻ trong năm 2019 triển vọng duy trì tăng trưởng hàng tháng 0,4% cho cả năm là mức trên trung bình trong lịch sử. Tiêu dùng cá nhân là chỉ số quan trọng cho thấy sức khỏe của nền kinh tế Mỹ vì tiêu dùng cá nhân giải thích 72% GDP của nước này.

Kinh tế thế giới tăng trở lại trong năm 2020 - ảnh 1
  Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn.
Trong khi đó, kinh tế EU cho thấy dấu hiệu ổn định trong năm 2019 khi tăng trưởng GDP đi ngang ở mức 1,2%/năm bất chấp những bất ổn từ Brexit và xung đột thương mại với Mỹ. Đầu năm có nhiều lo ngại EU rơi vào suy thoái nhưng điều này không xảy ra. Nguyên nhân giải thích sự chắc chắn ở EU là thị trường lao động khá tốt, mức thất nghiệp hiện ở dưới mức trước khủng hoảng và tiền lương vẫn tăng, tăng trưởng GDP thực tế cả năm 2019 dự báo ơ mức 1.1% và năm 2020 là 1,2%. Tuy nhiên, số liệu tăng trưởng đến hết quí III/2019 cho thấy các dự báo trên là thấp hơn thực tế.
Vì những yếu tố trên, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 là đáy của giai đoạn giảm sút từ năm 2017 và năm 2020 tăng trưởng sẽ tăng trở lại. Dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2020 là 3,4%.
Còn vtác động từ Brexit đến sự tăng trưởng của EU, Anh Quốc và thế giới là không lớn. Trong khi đó, khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính là rất thấp. Trong cuộc kiểm tra sức khỏe khu vực tài chính gần đây cho thấy khu vực này vẫn trong trạng thái tốt, dù có biến động thì các định chế tài chính vẫn đủ sức chịu đựng, Đồng thời cho rằng, nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính trong năm 2020 như hồi đầu năm là rất thấp, không đáng lo ngại.
Đó là tình hình ở một số nền kinh tế, vậy ông có nhận định nào về nền kinh tế Trung Quốc?
Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn: Nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại vì những tiềm năng của mô hình tăng trưởng dựa vào tín dụng, tài nguyên và lao động rẻ đã cạn kiệt; trong khi đó lại phải đối mặt với nhiều rủi ro tích lũy sau thời kỳ tăng trưởng nóng kéo dài.
Kinh tế thế giới tăng trở lại trong năm 2020 - ảnh 2
 Năm 2019 kinh tế thế giới đã gặp nhiều thách thức.
Rủi ro lớn nhất từ nền kinh tế này là tình trạng vỡ nợ trong nền kinh tế này, từ đó gây chấn động và thậm chí khủng hoảng hệ thống tài chính, và cả nền kinh tế toàn cầu trong tương lai gần.
Tuy nhiên, khả năng này là rất thấp vì, thứ nhất, nợ trong nền kinh tế chủ yếu là nợ công ty thuộc sở hữu nhà nước và chủ nợ là các ngân hàng cũng sở hữu nhà nước. Thứ hai, chiến dịch kiểm soát hoạt động ngân hàng ngầm được cho là nguồn rủi ro lớn ít nhiều có kết quả tốt. Thứ ba, chính phủ và ngân hàng trung ương vẫn còn nhiều dư địa chính sách để kích thích nền kinh tế.
Vậy theo ông, việc chiến tranh thương mại trong thời gian tới sẽ tiếp tục mang lại các tác động nào?
Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn: Về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, bản chất của cuộc đối đầu này là không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn, và chủ yếu, là sự tranh giành địa vị chính trị toàn cầu. Nó đụng chạm đến những lợi ích và cấu trúc cốt lõi của hai hệ thống. Chẳng hạn, sự tồn tại của hệ thống doanh nghiệp nhà nước và sự trợ cấp từ nhà nước cho những doanh nghiệp này là không thể chấp nhận với Mỹ, nhưng việc xóa bỏ nó lại không thể đối với Trung Quốc.
Do đó, không thể có những thay đổi hay nhượng bộ nào đáng kể trong thời gian ngắn. Kể cả bầu cử Mỹ thế nào thì không thay đổi gì. Dự báo cuộc xung đột này sẽ phải kéo dài vài thập kỷ và là nguyên nhân định hình lại nền kinh tế và chính trị thế giới trong tương lai.
Đặc biệt, đàm phán sẽ kéo dài, sẽ khó có thỏa thuận nào có ý nghĩa cho đến bầu cử ở Mỹ trong 2020. Những động thái hiện nay chỉ mang tính chiến thuật, chờ đợi, và những hành động kiểu này đã và sẽ gây những biến động và bất ổn cho kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tác động toàn cầu chỉ mang tính chất gây xáo trộn, thay đổi, chứ không phải mang tính hủy hoại.
Xin cảm ơn ông!