Kinh tế tuần hoàn: Nhìn từ mô hình tái chế rác thải của Thụy Điển
Thụy Điển có một quốc gia có nền kinh tế phát triển cao đã áp dụng nền kinh tế tuần hoàn từ rất sớm và đạt được rất nhiều thành tựu trong tái chế rác thải, tạo nên một nền kinh tế xanh
Thụy Điển là một trong những đấtt nước áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn từ rất sớm ở Châu Âu, với tiêu chí nền kinh tế tuần hoàn, mọi thứ đều là nguồn tài nguyên, rác cũng là tài nguyên.
Thụy Điển - 99% rác thải được chế tạo thành công.
Thụy Điển có nền kinh tế phát triển cao, duy trì một hệ thống phúc lợi xã hội rộng rãi, GDP bình quân đầu người tính theo giá năm 2017 của Thụy Điển là 51.603 USD/người, xếp thứ 11 trên thế giới. Thụy Điển là quốc gia có chỉ số bất bình đẳng thấp là 28 (2017), chỉ số phát triển con người cao thứ 07 thế giới là 0,933 (trong khi Việt Nam đạt 0,868).
Ở đất nước Bắc Âu này, rác không cháy được (kim loại) sẽ được tách ra để tái chế, rác thải hữu cơ sẽ được đốt cháy để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy, rác vô cơ không cháy được dùng để trải đường, làm mái ngói, gạch lót sàn.
Thụy Điển là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới về quản lý và tái chế chất thải. Lượng chất thải sinh hoạt gia đình được tái chế đã tăng từ 38% vào năm 1975 lên 99% hiện nay và chỉ còn 1% chất thải được chuyển đến các bãi rác. Rất nhiều chất thải được tái chế và sử dụng cho các mục đích khác như khí sinh học và năng lượng. Thụy Điển hiện đã trở thành một nhà nhập khẩu chất thải với trên 2,3 triệu tấn chất thải được nhập khẩu mỗi năm. Nỗ lực này của Thụy Điển giúp hạn chế tối đa tác hại của rác thải ra ngoài môi trường nhưng cũng là cách để quốc gia phát triển nền kinh tế khi có gần 100 doanh nghiệp tham gia.
99% rác của Thủy Điển được tái chế
Trong nền kinh tế tuần hoàn, rác cũng chính là nguồn tài nguyên. Nền kinh tế tuần hoàn đem lại giá trị cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Những doanh nghiệp đã triển khai mô hình này đang dần minh chứng cho hiệu quả chi phí của việc tái sử dụng tài nguyên so với khai thác mới từ đầu. Từ đó, cắt giảm chi phí sản xuất cũng như hạ giá thành sản phẩm và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Đại sứ hy vọng, điều này sẽ tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Thụy Điển phấn đấu đến năm 2040 không sử dụng nguyên liệu hóa thạch và nền kinh tế tuần hoàn (với rác thải các bon thấp dựa trên nền tảng sinh học) là một trong những chìa khóa để đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn, Thụy Điển cũng gặp phải nhiều khó khăn do sự phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp (DN) và các cấp, ngành.
Kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn với chất thải các bon thấp của Thụy Điển được bắt đầu từ việc thay đổi tư duy sản xuất tiêu dùng, xây dựng kế hoạch triển khai, tiến đến áp dụng khoa học công nghệ vào các ngành sản xuất và xử lý rác thải với sự tham gia của cả Nhà nước, DN và người dân. Cụ thể:
Thứ nhất, thống nhất về tư duy phát triển và xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn trên phạm vi cả nước, từ người dân, DN đến Chính phủ, đây là cách thức để phát triển bền vững. Theo đó, Thụy Điển thành lập một nhóm chuyên gia về kinh tế tuần hoàn giúp Chính phủ điều phối và hỗ trợ DN, người dân. Đồng thời, đầu tư nghiên cứu đổi mới trong lĩnh vực tài nguyên và chất thải.
Thứ hai, xây dựng nền kinh tế dựa trên ngành công nghệ cao. Nền kinh tế tuần hoàn “Vì một tương lai không rác thải” ở Thụy Điển được khởi xướng từ những thập kỷ trước, bắt đầu bằng việc đổi mới sáng tạo ở một số DN, thúc đẩy ứng dụng công nghệ sạch trong các DN, tạo ra các phương pháp tiếp cận theo hướng đổi mới, sáng tạo.
Thứ ba, xây dựng các ngành kinh tế tuần hoàn.Đối với ngành Thực phẩm, Thụy Điển đã thiết lập một chiến lược quốc gia để thay đổi chuỗi cung ứng với nỗ lực tăng cường hợp tác toàn ngành. Trong ngành Thực phẩm, các thùng giấy được chứng nhận của Hội đồng quản lý rừng để làm các gói carton. Đặc biệt, thu dụng ống hút giấy cho các sản phẩm đồ uống đã bắt đầu, từ cơ sở thực nghiệm hiện nay còn có công ty đóng gói thùng carton đầu tiên ra mắt ống hút giấy trong khu vực.
Đối với ngành Nhựa, Thụy Điển nỗ lực thắt chặt các chính sách quốc gia về sản xuất và sử dụng đồ nhựa với 53% vật liệu nhựa tiêu dùng trong đời sống xã hội được tái chế. Tuy nhiên, phần lớn là thiêu hủy nhựa, chỉ có 15% giá trị ban đầu của nó được giữ lại. Ngành chế tạo hiện đang tạo ra khoảng 20% GDP, đóng góp khoảng 77% tổng kim ngạch xuất khẩu cho Thụy Điển. Các công ty chế tạo tại Thụy Điển đã áp dụng công nghệ mới để từng bước xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình sản xuất.
Ngành Xây dựng tạo ra nhiều chất thải, đặc biệt là gây ra hiện tượng bụi mịn trong không khí, song đến nay mới chỉ có 50% được tái chế tại Thụy Điển. Nước này đang nỗ lực nâng cao tỷ lệ tái chế đối với ngành này lên đến 70% vào năm 2020 với nhiều sáng chế được áp dụng.
Thứ tư, tái chế rác thải thành điện năng. Tại Thụy Điển, 99% tổng lượng rác thải sinh hoạt được tái chế, thậm chí quốc gia này còn nhập khẩu hàng triệu tấn rác thải để sản xuất điện năng. Thụy Điển tiến tới một nền kinh tế không rác thải. Để làm được điều này, Thụy Điển đã áp dụng các giải pháp như: Quy định chặt chẽ về địa điểm tái chế rác thải; Xe chở rác chạy bằng năng lượng tái chế hoặc khí sinh hoạt; Phân loại rác theo màu túi đựng rác để tiết kiệm thời gian với sự tham gia của các DN, nhất là các DN trong ngành may mặc, thực phẩm; Biến rác thải thành điện năng; Đánh thuế cao khi sử dụng năng lượng hóa thạch, chuyển sang sử dụng năng lượng sinh học và năng lượng có khả năng tái tạo…
Những nền kinh tế tuần hoàn hàng đầu thế giới
Kinh nghiệm cho thấy, để thực hiện "kinh tế tuần hoàn", Ủy ban Châu Âu đã kêu gọi sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản và nguyên liệu thô, các nhà chế biến, sản xuất, phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng, người thu gom rác... tham gia.
tại Phần Lan gọi là chai nhựa sinh thái, người dân sẵn sàng trả giá cao để mua không phải vì giá trị sử dụng ưu việt hơn mà vì ý thức bảo vệ môi trường, ủng hộ cho những sản phẩm sinh thái. Nhưng ở Việt Nam nếu biết đó là sản phẩm từ nhựa tái chế chắc chỉ có ít người dám uống. Hay tại Đức có sản phẩm cốc uống cà phê được làm từ bã cà phê tái chế và bán với giá 20 - 30 euro; nếu ở Việt Nam sản phẩm này sẽ được gọi là “cốc tái chế từ bã cà phê” và chắc có đến hơn 90% không dám sử dụng.
Tại Trung Quốc mô hình kinh tế tuần hoàn được định hướng theo mô hình của Đức nghĩa là phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường song song tồn tại. Từ cách tư duy đó, Trung Quốc đã xây dựng mục tiêu, luật pháp, chính sách và biện pháp để có thể “nhảy vọt’’ từ phát triển gây tổn hại môi trường sang phát triển hơn con đường bền vững. Kinh tế tuần hoàn, vòng tuần hoàn nhỏ thực hiện ở quy mô nhà máy và khu công nghiệp; Vòng tuần hoàn vừa thực hiện ở quy mô lớn hơn và vòng tuần hoàn lớn thực hiện trên toàn bộ nền kinh tế. Trung Quốc cũng tiến hành xây dựng các khu công nghiệp sinh thái quốc gia về xử lý và tái sản xuất phế thải.
Ở Việt Nam, hoạt động kinh tế từ trước đến nay vẫn chủ yếu dựa trên cách tiếp cận truyền thống, đó là kinh tế tuyến tính. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thiếu hụt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đặc biệt là gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Để thực hiện phát triển nhanh, bền vững, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, “không đánh đổi” tăng trưởng kinh tế với ô nhiễm và suy thoái môi trường, chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là hướng đi thích hợp. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này cần phải nắm bắt được những cơ hội và chấp nhận những thách thức cần phải vượt qua.
Nguyễn Dung(t/h)