Kỳ 2: TPBVSK Shami Xoan liên tục được “thần y online” gọi là “thuốc`?
Lời Tòa soạn
Hiện nay, Việt Nam đã có tương đối đầy đủ các quy định, chế tài quản lý sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK), thực phẩm chức năng (TPCN).
Tuy nhiên, cũng là thực tế, đã có rất nhiều sản phẩm TPBVSK, TPCN bị cơ quan chức năng xử phạt, thậm chí thu hồi... do các vi phạm quy định về quảng cáo, an toàn thực phẩm, thậm chí là làm hàng giả, hàng nhái.
Dẫu vậy, vấn nạn này vẫn diễn ra thường xuyên, thậm chí là ngày càng lộ liễu, công khai hơn...
Đó chính là mục tiêu của Tạp chí Doanh nhân Việt Nam, khi thực hiện chùm bài viết về các dấu hiệu sai phạm trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo TPBVSK, TPCN.
Chúng tôi mong muốn được bạn đọc hỗ trợ, cung cấp thêm thông tin về các sai phạm, không chuẩn trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo TPBVSK, TPCN – những sản phẩm mà sự có mặt của chúng lẽ ra phải là bảo vệ, nâng cao sức khỏe người sử dụng, chứ không phải đẩy họ tới những rủi ro về sức khỏe, tài chính.
TPBVSK hỗ trợ điều trị viêm xoang Shami Xoan được Cục ATTP cấp phép lưu hành ngày 19/8/2020. Thế nhưng sản phẩm này lại liên tục được các “ thần y online” nơi đây khuếch trương gọi là "thuốc" và đã điều trị cho bà con 20,30 năm nay rồi (dạng bột lá) còn dạng viên sủi và xịt là 5 năm ...
Những hình ảnh quảng cáo giả mạo, cắt ghép trên các kênh sóng của VTV để đánh lừa người tiêu dùng có đúng với Market mà Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cấp phép cho sản phẩm này?
Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam đã đăng viết “Bát nháo tình trạng quảng cáo TPBVSK Shami Xoan như thuốc chữa bệnh?”. Nội dung xoay quanh việc sản phẩm TPBVSK Shami Xoan được quảng cáo tràn lan tại các trang mạng xã hội như một “thần dược”. Đặc biệt là việc sử dụng các hình ảnh ca sĩ, nghệ sĩ, nhà khoa học... tại các video clip khắp các trang mạng, youtobe,... để lừa dối người tiêu dùng.
Để sáng tỏ vấn đề PV đã vào cuộc tìm hiểu. Click vào website có tên https://www.viensuishamixoanchinhhang.info/, điền một số thông tin cá nhân như số điện thoại. Rất nhanh chóng số điện thoại 0386316859 gọi tới xưng tên Bác sĩ Thơm bên “Trung tâm y khoa” viên sủi shami. Qua điện thoại vị này giới thiệu “Tôi là người hỗ trợ trực tiếp, tư vấn điều trị cho chị” PV bày tỏ ý khám thì vị này nói “đây bác sĩ đang gọi điện để thăm khám bệnh cho mình đây. Thăm khám trực tiếp cho mình trên điện thoại và gửi thuốc về để mình điều trị”. Sau đó vị “thần y online” bắt đầu quảng cáo “thần dược” “Shami xoan là sản phẩm nghiên cứu của cô Nguyễn Thị Tâm Thuận hiện đang là PGĐ trung tâm hợp tác Quốc tế Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương. “Thuốc” đã được Bộ Y tế và Bộ Công thương chứng nhận rồi cho nên mình hoàn toàn yên tâm về hiệu quả và chất lượng của nó...”.
Hình ảnh mang thuốc tây ra để so sánh, đánh vào tâm lý người tiêu dùng và cam kết sản phẩm của họ chữa dứt điểm căn bệnh?
Và khi PV hỏi vị này rằng sản phẩm có lâu chưa, nhiều người khỏi chưa. Vị này cho hay: “Trung tâm đã điều trị cho bà con 20, 30 năm nay rồi, từ khi thuốc còn là dạng bột lá. Bây giờ thuốc được áp dụng công nghệ nano Nhật Bản, công nghệ tiên tiên nhất hiện nay. Còn bào chế dưới dạng viên sủi và dạng sịt thì được 5 năm...”
Chưa hết vị này còn nhấn mạnh “Em yên tâm, sản phẩm bên chị đã được các nghệ sĩ lớn như D.V.H, X.H, T.T tin tưởng sử dụng rồi, đã điều trị dứt điểm tình trạng bệnh rồi. Bác Xuân Hinh bị mười mấy năm trời điều trị vẫn khỏi...”
Sau màn “nổ” TPBVSK thành “thuốc” như một “thần dược” trị bệnh xoang, vị “bác sĩ” tự xưng này bắt đầu chuyển sang màn “phán bệnh trên điện thoại” cho PV.
Khắp các trang mạng, website viên sủi Shami Xoan liên tục được nói là sản xuất bằng công nghệ “Nano Nhật Bản”, cam kết trị dứt điểm?
Qua điện thoại “thần y online” này nhẹ nhàng hỏi “em bị bao lâu rồi em?” kết thúc câu trả lời của PV là bị 4 năm và đã dùng rất nhiều loại thuốc cũng không khỏi được, vị này lại tiếp tục “nổ” rằng “bị mấy năm vẫn khỏi bình thường em nhé. Những bệnh nhân bên chị có những bệnh nhân bị 20, 30 năm, 70, 80 tuổi điều trị vẫn khỏi. Người bị 1,2 năm dùng 1 liệu trình sẽ khỏi còn nếu ai cơ địa khó như những người bị 20, 30 năm thì phải dùng liệu trình 2 tháng thì mới dứt điểm được...”
Vị này còn giới thiệu “trung tâm” này là của cô Thuận. phía Trung tâm chỉ phân phối độc quyền sản phẩm Shami Xoan tại một nhà thuốc duy nhất ở ngõ 49, 358 Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội. Và có một Phòng khám tư tại Nam Định “Phòng khám Shami xoang, Phòng khám Y khoa số 16”.
Những màn giới thiệu vô cùng “bắt tai” của những “thần y online” này rất dễ khiến cho bất cứ ai được nghe như lạc vào mê hồn trận. Đặc biệt là những người đang mang bệnh trong mình theo tư tưởng “có bệnh thì vái tứ phương” hiểu lầm là thật. Từ đó sẵn sàng móc hầu bao nghe theo các “thần y” mua “thuốc” qua điện thoại và nhận bằng hình thức gửi hàng qua bưu điện (COD).
Trách nhiệm cộng đồng của các văn nghệ sỹ, Y Bác sỹ, lương y?
Nói về thực tế này, một bác sỹ cho biết, "Tôi xin nhấn mạnh rằng Sản phẩm Thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo về sức khỏe “Không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” . Theo quy định, các Y, Bác sỹ, Lương y không được phép kê TPCN, TPBVSK vào đơn thuốc cho bệnh nhân nói chi đến xưng danh là Gs Ts, Bs, Lương y để quảng cáo các sản phẩm".
Trả lời câu hỏi vì sao các GS, BS, Lương y, người quản lý trong ngành y tế lại đứng ra hội thảo, quảng cáo, thậm chí xưng danh là Bs của đơn vị này, bệnh viện kia, thì bác sĩ này nói:
"Theo tôi được biết, mặc dù các vị GS. TS, Bs, Lương y, với tư cách cá nhân được phép quảng bá cho sản phẩm TPBVSK. Nhưng tại những buổi hội thảo, quảng cáo, video, clip về sản phẩm thì chỉ được phép giới thiệu là chuyên gia, không được xưng danh là Giáo sư, Bác sỹ, công tác trong đơn vị y tế. Chỉ được nói những gì trong phạm vi công dụng của sản phẩm mà cơ quan quản lý cấp phép, nói đúng giấy xác nhận nội dung quảng cáo của sản phẩm đó. Có thể các vị trên khi tham gia hội thảo, quay clip quảng cáo vô tình hay cố ý mà không tìm hiểu về công dụng của sản phẩm, nội dung quảng cáo đã vô tình tiếp tay cho những nhà kinh doanh thiếu đạọ đức."
Các sản phẩm TPBVSK với nguồn gốc thảo dược tự nhiên tốt cho sức khỏe con người, nếu đảm bảo tốt các tiêu chí vấn đề an toàn về chất lượng. Và thực hiện đúng theo quy định, Nghị định quảng cáo, ATTP mà chính phủ đã ban hành. Tuy nhiên nếu sản phẩm có những dấu hiệu vi phạm các vấn đề mà Nghị định đã ban hành, thì đều cần có sự vào cuộc nhanh chóng của lực lượng chức năng để kiểm tra, làm rõ, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân khi sử dụng.
Nhằm rộng đường dư luận chúng tôi đã gửi nội dung liên quan tới TPBVSK Shami Xoan, đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ về những biểu hiện vi phạm quy định nhà nước trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm này.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong các số tiếp theo...
Thanh Vân
Xem thêm: Bài 3: Không có nhà sản xuất, phiếu công bố TPBVSK ZAWA ở đâu ra?