Ký kết Hiến chương Diễn đàn Khí đốt Đông Địa Trung Hải

10:01 | 23/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hiến chương Diễn đàn Khí đốt Đông Địa Trung Hải được ký kết được ký kết đã thiết lập một nền tảng quan trọng, tạo xung lực và hợp tác đối thoại.
Ký kết Hiến chương Diễn đàn Khí đốt Đông Địa Trung Hải - ảnh 1
 Quang cảnh diễn đàn. (Nguồn: english.ahram.org.eg)
 
Ngày 22/9, Ai Cập đã tổ chức lễ ký kết Hiến chương Diễn đàn Khí đốt Đông Địa Trung Hải (EMGF), qua đó chính thức thiết lập một nền tảng quan trọng, giúp kết nối các nhà sản xuất khí đốt, người tiêu dùng và nước trung chuyển, nhằm thúc đẩy một thị trường khí đốt khu vực bền vững.
 
Sự kiện được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với sự tham dự của sáu bộ trưởng năng lượng các nước thành viên, gồm Ai Cập, Cộng hòa Cyprus, Hy Lạp, Israel, Italy và Jordan.
 
EMGF có trụ sở đặt tại thủ đô Cairo của Ai Cập. Diễn đàn này được thành lập vào tháng 1/2019 với mục tiêu xây dựng thị trường khí đốt khu vực, tối ưu hóa phát triển tài nguyên, giảm chi phí cho hệ thống cơ sở hạ tầng, đem lại mức giá khí đốt cạnh tranh và cải thiện quan hệ thương mại.
 
Tuyên bố chung của các nước thành viên EMGF nêu rõ việc khởi động chính thức EMGF sẽ kiến tạo một tầm nhìn chung, đối thoại có hệ thống và nguyên tắc về các chính sách khí đốt tự nhiên, để tối ưu hóa nguồn tài nguyên của khu vực.
 
EMGF tôn trọng đầy đủ quyền lợi các thành viên và nguồn tài nguyên thiên nhiên của mỗi nước theo luật pháp quốc tế, ủng hộ những nỗ lực đầu tư, sử dụng cơ sở hạ tầng hiện tại và tương lai cho phát triển khí đốt thông qua hợp tác hiệu quả với các bên liên quan.
 
EMGF sẵn sàng tiếp nhận các quốc gia ở Đông Địa Trung Hải gia nhập diễn đàn, cũng như ủng hộ các nước khác trong khu vực và quốc tế tham gia với vai trò quan sát viên.
 
Trong khi đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Ai Cập Tarek El-Molla khẳng định việc đưa EMGF trở thành một tổ chức chính phủ quốc tế trong khu vực sẽ tạo ra xung lực thúc đẩy và hợp tác đối thoại về khí đốt tự nhiên.
 
Ông đánh giá cao vai trò quan trọng của các nước thành viên để thúc đẩy hoàn tất hiến chương của EMGF trong thời gian kỷ lục 20 tháng, cũng như thiết lập các cơ quan của diễn đàn này bất chấp môi trường toàn cầu bất ổn.
 
Lễ ký Hiến chương EMGF diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tại Đông Địa Trung Hải gia tăng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành thăm dò khí đốt tại các vùng biển mà Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus tuyên bố chủ quyền.
 
Hoạt động tìm kiếm dầu mỏ và khí đốt chính là nguyên nhân châm ngòi căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Việc phát hiện trữ lượng khí đốt khổng lồ ở khu vực Đông Địa Trung Hải trong những năm gần đây khiến cuộc tranh giành nguồn tài nguyên không chỉ giữa hai nước này mà còn cả mở rộng ra các nước CH Cyprus, Ai Cập và Israel. Mới đây nhất, Ankara đã đưa tàu khảo sát địa chấn Oruc Reis và các tàu chiến hộ tống tới khu vực sau khi Hy Lạp và Ai Cập ký kết thỏa thuận về hải giới.
 
Tình hình càng trở nên phức tạp khi Ai Cập và Hy Lạp ký thỏa thuận phân định hàng hải hồi tháng 8 vừa qua nhằm thiết lập một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) giữa hai nước, động thái khiến chính quyền Ankara phản ứng gay gắt.
 
Athens coi các cuộc thăm dò của Thổ Nhĩ Kỳ là bất hợp pháp và vi phạm chủ quyền của Hy Lạp, trong khi Ankara khẳng định vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành thăm dò khí đốt thuộc thềm lục địa của nước này. Cả hai nước đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở Đông Địa Trung Hải khiến tranh chấp có nguy cơ leo thang thành đối đầu.
 
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi EU cần hoàn thành nghĩa vụ ngăn chặn Hy Lạp và một số nước thành viên làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Ông Erdogan cũng cho rằng quan điểm của EU trong vấn đề Đông Địa Trung Hải sẽ là "một bài thử độ chân thành" với luật pháp quốc tế và hòa bình khu vực
 
Nhằm tránh nguy cơ xung đột, đầu tháng 9/2020, Nga đề nghị làm trung gian đàm phán về tranh chấp trên Địa Trung Hải. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Moskva sẵn sàng làm trung gian trong các cuộc đàm phán giữa Cộng hòa Cyprus với Thổ Nhĩ Kỳ về tranh chấp quyền khai thác khí đốt trên Địa Trung Hải.
 
Cùng thời điểm này, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã lần lượt thực hiện các chuyến thăm tới Athens và Ankara trong nỗ lực làm trung gian hạ nhiệt căng thẳng giữa hai bên, nhưng không đạt được kết quả.
 
Minh Hoa (T/h)